Nadal & vòng tròn “mafia” gia đình (Kỳ 28)

Cuộc sống của đại gia đình Nadal được ví như “băng đảng mafia” .

Câu chuyện: Đại gia đình

(Đây là câu chuyện nói về gia đình của Rafael Nadal, như một phụ lục bên lề của chương 3)

Sebastian Nadal xuất hiện trong sự trêu chọc của mọi người trong gia đình vì ông mặc một chiếc áo jacket đến xem cậu con trai thi đấu với Federer trong trận chung kết Wimbledon 2008. Ông luôn miệng phàn nàn đó không phải là cái áo khoác của mình. Trước đó Sebastian không tìm ra chiếc áo nào hợp mắt để mặc trước trận đấu và ông hỏi Benito Perez, người phụ trách công việc truyền thông của Nadal, có thể tìm chiếc nào hay không. Benito đã mang đến một chiếc áo jacket màu xanh đậm với sọc bạc dọc trên thân, cùng với kính râm, mà nhìn Sebastian mặc thì chẳng hợp gì với cái màu truyền thống tại Wimbledon với màu dâu tây và kem trên sân Trung tâm, mà giống một tay trùm mafia hạng ba ở Sicily. Đó là những lời miêu tả từ những cậu em của Sebastian, ở một khía cạnh nào đó, cũng có phần ấn tượng nếu nhìn cách ông vật lộn để mặc chiếc áo.

Xem ra trông Sebastian giống một tay gangster cũng không phải hoàn toàn không có lý. Có cái gì đó mang chất Sicily về sự gần gũi trong vòng tròn gia đình Nadal. Họ sống cũng trên hòn đảo tại vùng Địa Trung Hải và hơn cả một gia đình, đúng hơn là cả gia tộc – giống như gia đình Corleones và Sopranos (những gia đình mafia đình đám ở Sicily trong quá khứ) – nhưng tất nhiên không có hận thù hay dắt súng trong người!

Nadal & vòng tròn “mafia” gia đình (Kỳ 28) - 1

Rafa chiến thắng cũng giống như cả gia đình chiến thắng

Họ giao tiếp với nhau bằng thứ ngôn ngữ địa phương như cư dân trên đảo, họ có niềm tin trung thành đến mù quáng và quản lý công việc trong không gian gia đình, như chuyện đàm phán những điều khoản hợp đồng của Miguel Angel với đội bóng Barcelona, hay công ty kinh doanh kính của ông Sebastian và cả những giao dịch bất động sản mà tất cả đều được chia lợi nhuận.

Ngôi nhà năm tầng mà gia đình mua ở trung tâm Manacor nằm bên cạnh nhà thờ cổ Đức mẹ Dolours có chóp cao chọc thẳng lên bầu trời. Từ lúc Nadal 10 tuổi cho tới 21 tuổi, tất cả các thành viên họ Nadal – ông bà, bốn cậu con trai và một cô con gái, cùng vợ chồng con cái của họ dần dần tăng lên và sống cùng căn hộ, cứ người này sống trên tầng người kia, còn cánh cửa ra vào mở suốt từ sáng cho tới tối và cả căn nhà đã được cải tạo thành ngôi biệt thự của đại gia đình.

Ở Porto Cristo, khu nghỉ mát bên bờ biển cách Manacor khoảng 8km, gia đình Nadal cũng có một ngôi nhà tương tự như vậy. Ở tầng trệt là ông bà, tầng trên là gia đình Sebastian, tầng tiếp theo là mẹ đỡ đầu của Rafa, bà Marilen, tầng tiếp nữa là chú Rafael. Đối diện bên đường là nhà ông Toni và ở gần cuối phố là nhà của ông Miguel Angel.

Ông bà của Rafa là người sắp xếp mọi thứ, điều không hề bất thường trong xã hội tràn đầy tình cảm gia đình như ở Mallorca, nơi mà không có gì lạ khi những cậu con trai hay con gai vẫn sống chung với cha mẹ ngay cả khi họ đã 30 tuổi.

“Giữ mối liên hệ giữa mọi người với nhau là mục tiêu mà tôi và vợ muốn làm”, Don Rafael Nadal, ông nội của Rafa, đã nói như vậy. “Chúng tôi không mấy khó khăn để thuyết phục các con phải nỗ lực sống chung trong một nhà. Tôi đã truyền tinh thần cho chúng từ khi còn nhỏ để giữ gìn tất cả mọi thứ ở lại trong gia đình.”

Nadal & vòng tròn “mafia” gia đình (Kỳ 28) - 2

Đại gia đình Nadal chứng kiến Rafa lần thứ 8 vô địch Roland Garros

Đó là lý do vì sao khi Miguel Angel trở thành cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp, không thể ai tốt hơn là anh trai Sebastian trở thành người đại diện và như vậy mọi thứ là miễn phí. Sẽ chẳng có chuyện Sebastian yêu cầu cậu em trai cắt bớt số tiền thưởng để trả cho ông. Nếu bạn sống theo phong cách gia đình Nadal, như Sebastian giải thích, bạn sẽ chẳng bao giờ phải làm điều đó. Những gì mà 3 anh em trai – Sebastian, Miguel Angel và Toni – sau này là cả Rafa làm, đó là xây dựng một công ty có tên “Công ty đầu tư Nadal” và bỏ tiền vào đó để kinh doanh bất động sản. Sau này những hợp đồng quảng cáo của Rafa với những công ty tại Tây Ban Nha hay quốc tế ban đầu được Sebastian giám sát, mà giao dịch đầu tiên chính là với hãng đồ thể thao Nike. Người có tiếng nói quyết định cuối cùng là ông Sebastian, người tiếp quản vị trí lãnh đạo của người cha Don Rafael khi ông nghỉ hưu với phương châm: Hướng tới giá trị và bảo tồn những quy tắc.

“Tôi có thể mất tất cả, tôi có thể từ bỏ mọi thứ - tiền bạc, tài sản, xe cộ và bất cứ gì - còn hơn phải đối đầu với gia đình,” Sebastian nói. “Thật không thể tưởng tượng nếu mối quan hệ giữa chúng tôi bị đổ vỡ. Chúng tôi chưa bao giờ và sẽ không bao giờ như vậy. Đó là chuyện nghiêm túc. Không phải trò đùa. Lòng trung thành với gia đình là nguyên tắc đầu tiên và cũng là duy nhất của chúng tôi. Nó sẽ được đặt lên trước mọi thứ. Người bạn tốt nhất và thân thiết nhất của tôi chính là gia đình mình, sau đó mới tới những người khác. Sự đoàn kết trong gia đình là sự sống trong cuộc đời chúng tôi.”

Vậy nên, những nguyên tắc một người vì mọi người, mọi người vì một người ấy dẫn tới những thái cực là họ tránh xa những hành động tự nhiên như là chúc mừng Rafa khi cậu giành chiến thắng. Mẹ đỡ đầu của Rafa, bà Marilen, đã thử vài lần và ngay lập tức Toni đã chất vấn một cách hoài nghi, “Cô đang làm gì vậy?” “Họ đã đúng,” Marilen nói. “Cũng giống như tôi tự chúc mừng mình chiến thắng vậy. Vì nếu một trong chúng tôi thắng, nghĩa là tất cả đều thắng.”

Kết thúc chương 3, Nadal sẽ trở lại với những diễn biến trong trận chung kết Wimbledon 2008 với Federer. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 11h thứ Sáu 14/6.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN