Nadal & Federer như cặp địch thủ trời sinh (Kỳ 29)

Tennis sẽ nhàm chán nếu mỗi Nadal, hoặc chỉ có Federer xuất hiện.

CHƯƠNG 4: Chim ruồi

Tự mãn không bao giờ là lựa chọn tốt. Dẫn trước hai set và chỉ cần thêm một set thắng nữa là vô địch Wimbledon, mọi người có thể nghĩ tôi đang ở gần với giấc mơ lớn nhất trong cuộc đời mình. Nhưng tôi không có ý định cho phép mình được nghĩ điều ấy trong đầu. Tôi sẽ giành từng điểm số mỗi khi nó đến. Tôi muốn quên tất cả mọi thứ, xóa sạch tương lai và quá khứ, và chỉ có hiện tại mới đang tồn tại vào lúc này.

Federer thắng trắng game đầu tiên set 3, giao bóng và dứt điểm với mục đích rõ ràng sẽ không từ bỏ cuộc chiến dù bất cứ điều gì xảy ra. Điều ấy giúp tôi lấy lại sự tập trung và tự nhắc nhở rằng những gì trước đó chưa là gì hết, chiến thắng thực tế vẫn còn là cả một chặng dường dài. Tôi đã dự liệu cho một cuộc chiến dài hơi có thể sẽ xảy ra. Một phần vì bầu trời tối sầm lại và nguy cơ sẽ có mưa, nhưng chủ yếu là vì Federer tiếp tục chơi như cách anh ấy bắt đầu trận đấu, gia tăng tỷ lệ giành điểm winners, dễ dàng bảo vệ game cầm giao bóng, cứu điểm break sau khi tôi cũng có điểm break của mình và buộc tôi phải chiến đấu khó khăn hơn để ngăn anh ấy bứt tốc trong set đấu này.

Nadal & Federer như cặp địch thủ trời sinh (Kỳ 29) - 1

Federer và Nadal dường như sinh ra để đối đầu với nhau

Thi thoảng ai đó hỏi tôi rằng liệu tôi có cảm thấy mình phá hỏng bữa tiệc của Federer, liệu có phải sự xuất hiện của tôi trong làng banh nỉ ngăn cản anh ấy lập thêm nhiều kỷ lục? Câu trả lời của tôi sẽ là: “Thế còn nhìn theo cách khác thì sao? Những bữa tiệc của tôi bị anh ấy phá hỏng thế nào?” Nếu không có Federer, có thể tôi đã là tay vợt số 1 thế giới trong 3 năm liên tiếp cho tới năm 2008, thay vì cứ nhìn và chờ đợi thời gian trôi qua ở vị trí số 2. Sự thật có thể là nếu một trong hai chúng tôi không xuất hiện, người còn lại sẽ chiến thắng tất cả. Nhưng thực tế những cuộc đối đầu lại mang lại nhiều lợi ích cho chúng tôi ở khía cạnh toàn cầu – một trong những điều đó chính là sự quan tâm của những nhà tài trợ - bởi vì những trận đấu sẽ hấp dẫn hơn với nhiều người hâm mộ.

Khi có một sự thống trị xảy ra, như chúng tôi vẫn nói ở Tây Ban Nha, lúc một người chiến thắng ngày này qua ngày khác, đó là điều tuyệt vời với cá nhân anh ta, nhưng lại không phải là điều tốt với môn thể thao ấy. Và tôi nghĩ rằng, cuối cùng tất cả mọi thứ đều tốt đẹp cho tennis và cả hai chúng tôi.

Luôn có một sự phấn khích được tạo ra trong đám đông người hâm mộ khi chúng tôi gặp nhau, thường là trong những trận chung kết với tư cách là hai hạt giống số 1 và số 2, điều đó cũng tạo nên cảm giác hưng phấn cho cả hai. Chúng tôi đã thi đấu rất nhiều trận với nhau và có những trận đấu vô cùng hấp dẫn và kịch tính, cũng như đặt biệt quan trọng trong sự nghiệp của cả hai, vì đó là những trận chung kết Grand Slam. Nếu tôi có lợi thế đối đầu trước Federer – 11 trận thắng, 6 trận thua trước trận chung kết Wimbledon 2008 – thì đó là vì chúng tôi gặp nhau nhiều trận trên sân đất nện, mặt sân sở trường của tôi. Nhưng nếu bạn nhìn lại những trận đấu trên các bề mặt sân khác, bạn sẽ có nhận định chính xác hơn (khi đó Nadal thắng Federer trên sân đất nện 9 trận và thua 1 trận, trong khi đó ở mặt sân cứng và cỏ, Nadal chỉ thắng 2 và thua tới 5 trận).

Nadal & Federer như cặp địch thủ trời sinh (Kỳ 29) - 2

Không ai muốn bỏ lỡ những cuộc đối đầu giữa Federer và Nadal

Tất cả những điều này không có nghĩa là không có những tay vợt xuất sắc khác có thể đánh bại cả hai và hãy xem có thể là những ai. Tôi nghĩ tới Djokovic – đặc biệt là Djokovic – rồi tới Murray, Del Potro, Berdych, Verdasco, David Ferrer, Davydenko.

Nhưng kỷ lục từ khi tôi trở thành tay vợt số 2 thế giới vào năm 2006 chỉ ra rằng Federer và tôi thống trị các giải đấu lớn và thi đấu với nhau nhiều trận chung kết Grand Slam nhất. Điều này có nhiều ý nghĩa và tôi nghĩ rằng chúng tôi đều có cảm giác đó, dường như cuộc đối đầu của cả hai tạo nên một thứ phép thuật mê hoặc trong tâm trí mọi người. Sự mong đợi những lần gặp gỡ của chúng tôi mang lại cho tôi cảm xúc đặc biệt. Bất cứ khi nào thi đấu với Federer, tôi có cảm giác mình phải chơi tới giới hạn cực điểm của bản thân, tôi phải chơi với sự hoàn hảo nhất và phải kéo dài điều đó thật lâu cho tới khi chiến thắng. Với Federer, tôi nghĩ anh ấy chơi tấn công tốt hơn, linh hoạt hơn, và có khả năng giành điểm bằng những cú đánh hay volley hơn hẳn những tay vợt khác, ngay cả khi điều đó sẽ có nhiều rủi ro hơn và phải có 100% phong độ để chiến thắng.

Không biết Federer khiến tôi trở thành tay vợt hay hơn, hoặc tôi có tác động tới anh ấy, thật khó để tôi tìm ra câu trả lời. Chú Toni không ngừng nhắc nhở tôi – và tôi biết ông nói đúng – rằng Federer có những kỹ năng thiên bẩm hơn tôi, nhưng điều đó không làm tôi chán nản, vì ông hiểu như vậy sẽ thúc đẩy tôi hoàn thiện bản thân hơn nữa.

Vì sao Nadal có thể đánh bại Federer dù không sở hữu những kỹ năng thiên bẩm như đối thủ. Mời độc giả đón đọc phần tiếp theo vào 11h thứ Hai 17/6.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN