Nadal: Phía sau nhà vô địch Wimbledon (Kỳ 64)

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 60 61 62 6364

Chức vô địch Wimbledon 2008 không làm thay đổi Rafa và cả gia đình.

Câu chuyện: Ngày dài nhất cuộc đời

(Đây là câu chuyện nói về suy nghĩ của những người có mặt trong trận chung kết Wimbledon 2008, từ Nadal, Federer và những người thân trong gia đình Rafa, như một phụ lục bên lề của chương 6. Đây cũng là phần cuối cùng trong loạt bài giới thiệu cuốn "Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi". Chân thành cám ơn độc giả đã đồng hành trong suốt thời gian qua.)

Trận chung kết Wimbledon 2008 giữa Rafael Nadal và Roger Federer là trận đấu dài nhất trong lịch sử 131 năm của giải đấu (sau này trận đấu giữa John Isner và Nicolas Mahut tại Wimbledon 2010 kéo dài 11 giờ 5 phút mới phá vỡ được kỷ lục này) và với nhiều người, đây là trận đấu vĩ đại nhất trong lịch sử banh nỉ. Huyền thoại John McEnroe có mặt ở sân Trung tâm trong vai trò bình luận viên đã thốt lên đây là trận đấu hấp dẫn nhất ông từng chứng kiến.

Còn huyền thoại Bojn Borg có mặt với tư cách khán giả, từng có một trận chung kết Wimbledon 1980 nghẹt thở với McEnroe (1-6, 7-5, 6-3, 6-7(16-18), 8-6), cũng đồng tình rằng đây là trận đấy hay nhất trong lịch sử.

Giới truyền thông thế giới còn ca tụng đây là cuộc đối đầu đáng xem nhất trong mọi môn thể thao, trong mọi thời đại. Tờ New York Times đã dành hẳn một số chỉ để viết về trận chung kết siêu kinh điển tại Wimbledon 2008.

“Ánh sáng cứ lịm đi và dù mọi người cảm thấy sức ép khủng khiếp thì cả hai vẫn thi đấu đến cùng,” tờ Times bình luận một cách sâu sắc kỳ lạ, “họ để lịch sử sang một bên để tiếp tục viết nên những chương mới. Đám đông sẽ tự hỏi làm thế nào mà cả hai làm được điều đó, chẳng ai có thể tưởng tượng ra một kịch bản như vậy, chứ đừng nói tới việc dự đoán kết quả thắng thua. Điều mà khán giả chờ đợi được che giấu quá kỹ. Và khi mọi thứ diễn ra thì tất cả đều nín thở để chiêm ngưỡng từng pha bóng.”

Nadal: Phía sau nhà vô địch Wimbledon (Kỳ 64) - 1

Trận chung kết Wimbledon 2008 vẫn được nhiều người coi là trận đấu vĩ đại nhất lịch sử banh nỉ

Nếu tờ Times cũng như nhiều tờ báo khác miêu tả trận chung kết Wimbledon là “nghẹt thở” thì đúng là gia đình Nadal đã không “chết ngạt” tập thể. “Khi mọi thứ kết thúc, tôi đã khóc trong sự sung sướng,” Sebastian Nadal kể về ngày “dài nhất trong cuộc đời” đã chấm dứt, “nhưng tôi cũng có cảm giác cơ thể mình bay bổng như thể trút được cả khối đá khổng lồ trên lưng. Tôi trải qua cả trận trong sự tra tấn bởi nỗi sợ hãi khủng khiếp năm 2007 sẽ lặp lại, và Rafa sẽ lại phải khóc trong những giây phút tồi tệ ở nhà tắm mà tôi chẳng thể làm gì để giúp nó.”

“Đây như trận so găng của Tyson và Holyfield, và tôi cảm nhận như thể mình đứng trong sàn đấu cùng họ, với cảm giác kiệt sức như nhận những cú đấm trời giáng. Mọi người nói gương mặt tôi thay đổi liên tục trong trận chung kết, nhưng đó là qua truyền hình chứ không phải mọi lúc. Cuối cùng mọi đau khổ đã được vơi bớt.”

Ông Toni biết Rafa có thể là tay vợt xuất sắc hơn bất cứ ai, nhưng thậm chí chính ông cũng không thể nghĩ cậu cháu trai lại có thể vững vàng đến vậy. “Wimbledon luôn là giấc mơ của chúng tôi, nhưng sâu thẳm trái tim tôi luôn sợ rằng đó là giấc mơ không tưởng,” Toni nói. “Tôi luôn luôn cố đẩy Rafa tới những giới hạn cao hơn nữa, nhưng thành thật tôi không đủ tự tin rằng nó sẽ vươn tới tầm cao này. Khi Rafa thắng, cũng là lần đầu tiên tôi khóc trên sân tennis.”

Mẹ của Nadal, bà Ana Maria, nói rằng trận đấu đã khiến bà tổn thọ. “Trong trận đấu có lúc tôi chỉ muốn mọi thứ dừng lại. Tôi nghĩ, ‘Bỏ nó đi. Cần gì phải đặt nặng vấn đề thắng thua?’ Tôi luôn tự hỏi bản thân là Rafa làm thế nào để đặt những chai nước uống ngay ngắn như vậy. Nó sẽ làm cách nào để chiến thắng? Nó làm gì để ngăn một thất bại nữa?”

Nadal: Phía sau nhà vô địch Wimbledon (Kỳ 64) - 2

Gia đình Nadal cũng có lúc không dám tin Nadal sẽ giành chức vô địch Wimbledon

Carlos Moya cũng nghĩ vậy, vì dưới áp lực kinh khủng như thế, nếu là Moya thì anh cũng chắc chắn ngã gục. “Bất cứ tay vợt nào trong lịch sử phải đối đầu với Federer, tay vợt chơi thứ tennis đầy can đảm và thông minh như thế, sẽ khó tránh được thất bại. Khi bạn đã ở rất gần chiến thắng nhưng lại không thể thắng, khi bạn phải bước vào set thứ 5, về cơ bản là làm lại mọi thứ từ đầu, sau khi để tuột chiến thắng trong tầm tay, cảm xúc khi đó với bất cứ tay vợt nào, kể cả bình thường hay nhà vô địch, là mọi thứ như đã mất hết. Bạn nhớ những cơ hội bỏ lỡ, những ký ức tệ hại gặm nhấm bản thân, sẽ làm bạn thất bại. Nhưng tất cả không phải với Rafa. Đó là lý do vì sao cậu ấy không phải là nhà vô địch bình thường. Mọi người đều nghiêng về Federer khi bắt đầu set 5 nhưng Rafa đã kiểm soát mọi thứ, và tỏ ra vượt trội hơn Federer.”

Nadal, theo Moya ngày hôm đó, là một kẻ thách thức cái chết. “Federer đã biết để đánh bại Rafa trong trận chung kết thì không chỉ một lần hay hai lần mà phải rất nhiều lần. Bạn có thể nghĩ Rafa thất bại, trong một điểm, một game hay một set nhưng cậu ấy vẫn trở lại. Đó là lý do vì sao tôi tin Rafa sẽ còn phá vỡ nhiều kỷ lục, nếu như vẫn giữ được phong độ như thế này, cậu ấy còn giành thêm nhiều Grand Slam.”

Federer, tay vợt chỉ còn giữ số 1 thế giới thêm 3 tuần nữa trước khi để Nadal đoạt lấy vào ngày 18/8/2008, cũng có lý do để đau đớn sau thất bại. “Có thể đây là thất bại khó chấp nhận được với tôi, ít nhất cho tới thời điểm này,” Federer cố gắng diễn tả một cách mạch lạc. “Tôi thất vọng,” Federer nói thêm. “Và tôi bị nghiền nát.”

Nadal, như một cách lấy làm tiếc, khẳng định rằng với tất cả những gì diễn ra thì Federer vẫn là tay vợt hay nhất trong lịch sử cho tới lúc này. “Anh ấy đã 5 lần vô địch Wimbledon. Còn tôi bây giờ mới là lần đầu tiên.”

Sự lịch thiệp sau chiến thắng của Nadal có thể khiến nhiều người nghĩ liệu Rafa có chuẩn bị sẵn kịch bản của những lời nói có cánh. Nhưng chắc chắn không. Sau trận đấu Nadal vẫn bước tới phía Federer đứng như một thói quen, đã trở thành phản xạ, như lúc còn nhỏ nghe lời cha phải chúc mừng đối phương ngay cả khi nhận trận thua thảm hại. Đó là những gì Nadal được dạy dỗ từ chú Toni và cha mẹ, luôn phải giữ đôi chân trên mặt đất, dù những gì làm được có thể đặc biệt với ai đó, nhưng với Rafa thì không.

Nadal: Phía sau nhà vô địch Wimbledon (Kỳ 64) - 3

Chức vô địch Wimbledon không biến Nadal trở thành con người khác

“Khoảnh khắc tuyệt vời nhất là khi chúng tôi nhìn Rafa nâng cao chiếc cúp Wimbledon,” Sebastian Nadal nói, “nhưng khi bạn dừng lại và suy nghĩ về tất cả, nó cũng chẳng khác gì lúc họ trao cho con của bạn tấm bằng tốt nghiệp đại học. Mỗi gia đình đều có những giây phút hạnh phúc như thế. Một ngày sau khi Rafael vô địch Wimbledon, khi tất cả sự phấn khích và sự chú ý của giới truyền thông lắng xuống, tôi không cảm thấy sự hài lòng nào hơn tôi từng nghĩ, cũng không khác gì ngày đầu tiên con gái tôi tốt nghiệp đại học. Bởi vì suy cho cùng, điều bạn muốn luôn là những đứa con mạnh khỏe và hạnh phúc.”

Bà Ana Maria cũng từ chối nói nhiều về chiến tích của con trai. “Đôi khi người ta nói với tôi, ‘Bà thật may mắn khi có cậu con trai như vậy!’ Và tôi đáp lại, ‘Tôi may mắn có hai đứa con!’ Tôi không quan trọng hóa việc Rafael là nhà vô địch, bởi vì những gì khiến tôi hạnh phúc nhất chính là tôi có hai đứa con được nuôi dạy tốt. Chúng có trách nhiệm, chúng có những người bạn thân và rất tốt, chúng gắn kết với gia đình, đó mới là điều quan trọng và chúng không gây ra bất cứ vấn đề gì cho chúng tôi. Đó mới là chiến thắng thực sự. Khi tất cả kết thúc, Rafael sẽ trở lại là người bình thường, là con trai tôi, chỉ thế thôi.”

Gia đình Nadal bay về Mallorca ngay ngày hôm sau và họ trở lại cuộc sống bình thường. Liệu họ có một bữa tiệc kỷ niệm?

“Không,” Sebastian Nadal tiết lộ. “Chỉ có một bữa tối thực sự vào đêm diễn ra trận chung kết, khi Rafael phải trả lời nhiều cuộc phỏng vấn. Chúng tôi không từ bỏ những bữa tiệc. Tôi nhớ như in trận đấy, chắc chắn như thế, nhưng những gì xảy ra sau đó? Không có gì nhiều.”

Toni cũng trả lời câu hỏi tương tự, lặp lại lời của người anh trai. “Không, không. Tôi không có không khí lễ hội ngay cả khi chúng tôi thắng. Sự hài lòng là tất nhiên, với cả gia đình. Nhưng chúng tôi là người Mallorca, chúng tôi không ăn mừng quá nhiều.”

Dù vậy vẫn có hai điều thay đổi sau khi Nadal vô địch Wimbledon. Nadal tự mua một chiếc xe thể thao mà anh vẫn thèm muốn. Mặc dù vẫn có chút nghi ngại nhưng cha của Rafa cũng không có ý kiến gì. Và Nadal có thêm một danh hiệu mới đặc bên cạnh những chức vô địch khác. Cha đỡ đầu của Rafa (chính là người cậu Juan Parera) đã biến phòng khách nhà ông thành nơi trưng bày bộ sưu tập danh hiệu của cậu cháu. Và nếu hỏi Nadal đâu là chức vô địch giá trị nhất, anh sẽ không do dự một giây và chỉ vào chiếc cúp vàng Wimbledon, “Là nó.”

XEM THÊM CÁC KỲ
Kỳ đầu tiên1 60 61 62 6364

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phong Lan ([Tên nguồn])
Tự truyện Nadal - Câu chuyện của tôi Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN