Đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia: Tìm thuyền trưởng để giữ “bạc”

Trong guồng chuyển động không ngừng nghỉ trước vòng 1, Giải bóng chuyền nữ vô địch quốc gia 2021 diễn ra vào tháng 4 tới, thì vấn đề “người cầm lái” cho đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia ở SEA Games 31 cũng được quan tâm.

Việc này sẽ sáng rõ ngay sau vòng 1 của giải nhưng từ lúc này, đã có thể cảm nhận sức ép cho vị trí HLV trưởng đội tuyển nữ ở SAE Games 31, Ở đó, nhiệm vụ giành HCB SEA Games 31 là đương nhiên, còn nếu có cơ hội cũng cố tận dụng để lần đầu lên ngôi vô địch, dù đây gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Trông vào thầy nội

Thực tế, từ SEA Games 22 năm 2003 – nơi lần đầu tiên giành HCB ở SEA Games, đến nay, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam đã được ít nhất 5 chuyên gia ngoại huấn luyện và cũng ít nhất là từng đó HLV nội.

Lần gần nhất, đội tuyển được dẫn dắt bởi HLV ngoại là trước SEA Games 29 năm 2017. Khi đó, chuyên gia người Nhật Bản H.Irisawa – được giao dẫn dắt cả đội tuyển quốc gia cũng như đội tuyển U23 quốc gia, đã mang đến một luồng gió mới trong khâu huấn luyện cho bóng chuyền nữ Việt Nam. Hiệu quả rõ nhất là việc U23 nữ Việt Nam giành HCB Giải U23 châu Á – 2017.

Đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia đặt mục tiêu tối thiểu tại SEA Games tới là bảo vệ tấm HCB.

Đội tuyển bóng chuyền nữ quốc gia đặt mục tiêu tối thiểu tại SEA Games tới là bảo vệ tấm HCB.

Tuy vậy, chỉ gần 2 tháng trước SEA Games 29, ông H.Irisawa đột ngột chia tay bóng chuyền Việt Nam để về nước. Sau đó, đội tuyển nữ được HLV nội Nguyễn Quốc Vũ tiếp quản nhưng chỉ trong thời gian ngắn. Việc đội tuyển nữ Việt Nam chỉ giành HCĐ trong đó đáng kể là thua Indonesia tại VTV Cup 2017 đã khiến cơ hội bảo vệ tấm HCB SEA Games trở nên mong manh thấy rõ.

Lúc ấy, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam lại vời đến chuyên gia H.Irisawa thông qua sự hỗ trợ của Liên đoàn Bóng chuyền Nhật Bản. Ông H.Irisawa cũng đã trở lại Việt Nam nhưng lại không thể giúp đội tuyển nữ Việt Nam bảo vệ tấm HCB SEA Games. Đội tuyển lại thất bại trước Indonesia ở bán kết và ngậm ngùi lần đầu nhận HCĐ SEA Games sau 8 kỳ SEA Games liên tiếp giành HCB. Khi ấy, thất bại của ông H.Irisawa cùng đội tuyển nữ Việt Nam trước Indonesia cũng có chút đen đủi khi chủ công của Indonesia là A.Manganang vẫn được xem là nữ.

Thực tế, chính A.Manganang đóng góp phần lớn vào thành tích của bóng chuyền nữ Indonesia tại SEA Games 29. Trong khi đó, đến gần đây người ta mới biết đến việc A.Manganang mới được công nhận là nam. Nếu khi đó Indonesia không có A.Manganang thì đội tuyển nữ Việt Nam cũng có thể giành được tấm HCB thứ 9 liên tiếp tại SEA Games.

Khi ông H.Irisawa rời Việt Nam thì bóng chuyền nữ Việt Nam đã đặt niềm tin vào HLV nội trong hành trình lấy lại vị thế Á quân ở SEA Games. Nhà cầm quân Nguyễn Tuấn Kiệt (hiện đang huấn luyện đội bóng chuyền nữ Than Quảng Ninh) đã đưa đội tuyển giành  HCB SEA Games 30 dù thành phần hầu hết là VĐV trẻ. Điều này đã tạo niềm tin cho Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam trong việc sử dụng HLV nội để bảo vệ tấm HCB SEA Games tại SEA Games 31. Với thực tế bóng chuyền nữ tại Đông Nam Á hiện nay, HLV nội hoàn toàn có thể gánh vác được nhiệm vụ này.

Chọn mặt gửi vàng

Từ lâu nay, Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã mong muốn thuê được nhà cầm quân ngoại để nâng tầm đội tuyển nữ. Nhưng nguồn kinh phí không ổn định cũng như không quá dồi dào bên cạnh việc chưa tìm được những nhà tài trợ có thể lo phần lương cho chuyên gia ngoại khiến mong muốn của Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam vẫn dang dở. Chuyện thuê được chuyên gia H.Irisawa với mức lương 4.000 USD/tháng được xem là “hời” cho Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng như Tổng cục TDTT vì khả năng của ông H.Irisawa được đánh giá phải gấp đôi mức lương đó.

Ông H.Irisawa không gắn bó lâu dài với bóng chuyền nữ Việt Nam cũng là điều đáng tiếc. Và để tìm HLV ngoại có mức lương như trên với chuyên môn tốt, vượt trội các HLV Việt Nam lại quá khó. Còn hiện tại, cả nguồn kinh phí của Tổng cục TDTT cũng như Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam cũng không đủ để thuê dài hạn với chuyên gia ngoại có mức lương khoảng 8.000 – 10.000 USD/tháng. Đó cũng là một trong những lý do để Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đặt niềm tin với HLV nội trong thời gian tới.

Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ danh tính HLV của đội tuyển trong thời gian tới. Những HLV như Nguyễn Tuấn Kiệt hay Bùi Huy Sơn (Thông tin LienVietPostBank Bùi Huy Sơn) cũng được tính đến. Tuy nhiên, hiện tại HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đang tập trung vào củng cố lực lượng của Than Quảng Ninh sau khi chia tay Ngân hàng Công thương.

Muốn đặt dấu ấn lên đội bóng đất Mỏ, đương nhiên phải mất thời gian và như thế khó toàn tâm toàn ý cho đội tuyển quốc gia. Tương tự là trường hợp HLV Bùi Huy Sơn - vị huấn luyện viên vốn được đánh giá cao cả về chuyên môn cũng như khả năng quản lý. Cho nên, hầu như cả hai không thể đảm nhận vị trí ở đội tuyển quốc gia.

Vì vậy, Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam đã tính đến phương án mời huấn luyện viên kỳ cựu Phạm Văn Long, người từng nhiều năm dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, Thông tin LienVietPostBank và đang dẫn dắt đội bóng chuyền Kinh Bắc Bắc Ninh, trở lại đội tuyển. Từng giành HCB SEA Games cùng đội tuyển nữ Việt Nam, lại có đủ kinh nghiệm và khả năng chuyên môn, ông Phạm Văn Long được đánh giá là có thể đưa đội tuyển đến ngôi Á quân tại SEA Games tới.

Trong những ngày này, người ta còn nói đến sự trở lại công việc huấn luyện của HLV Thái Thanh Tùng. Cựu HLV đội tuyển Việt Nam này từng có giai đoạn chuyên tâm vào công tác quản lý tại Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu TDTT Thái Bình trước khi chính thức trở lại công việc HLV tại đội bóng chuyền nữ Ninh Bình từ tháng trước.

Người ta cũng còn nhắc đến những HLV nữ có thể dẫn dắt đội tuyển nhưng thực tế, ưu tiên vẫn là các HLV nam. Vấn đề là Tổng cục TDTT và Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam sẽ chọn HLV nội nào để gánh vác nhiệm vụ giành HCB SEA Games 31 với đội tuyển nữ và có thể là tấm HCV, nhất là khi đội tuyển được thi đấu ở sân nhà.

Đúng là đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam – một trong những đội tuyển được quan tâm hàng đầu trong làng thể thao Việt Nam, có giành HCV ở SEA Games tới thì đó cũng sẽ chỉ là một trong nhiều HCV mà Đoàn Thể thao Việt Nam dự báo đạt được. Và có lẽ, 1 tấm HCV của bóng chuyền nữ cũng không góp phần quyết định vào vị trí trên bảng tổng sắp của Đoàn Việt Nam. Nhưng về hiệu ứng xã hội thì sẽ lớn, có khi chỉ thua bóng đá. Cho nên việc chọn người cầm lái cho đội tuyển nữ vẫn luôn là vấn đề được trao đổi, cân nhắc.

Vẫn cần chuyên gia ngoại

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam không chấp nhận vị trí thứ Nhì khu vực Đông Nam Á thì phải vời đến chuyên gia ngoại. Bài học thành công của bóng đá Việt Nam với ông Park Hang–seo vẫn là ví dụ dễ nhìn, dễ thấy nhất. Tất nhiên, ở đây cũng còn phụ thuộc vào những yếu tố khác trong đó có nguồn VĐV hay nhà tài trợ lương cho HLV trưởng cùng các trợ lý của mình… 

(Minh Nhật)

Nguồn: [Link nguồn]

Bóng chuyền Indonesia sợ ĐT Việt Nam đòi HCB vì vụ “trai giả gái” ở SEA Games?

(Tin thể thao, tin bóng chuyền) Người Indonesia sợ sẽ bị bóng chuyền Việt Nam đòi lại tấm HCB SEA Games.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
Bóng chuyền Việt Nam Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN