Djokovic: “Ếch chết tại miệng!”

Sự kiện: Novak Djokovic

(PLO)- Khoe thông báo được miễn trừ y tế giữa lúc hàng triệu người dân Úc bị buộc tiêm vaccine khiến Novak Djokovic trở thành cái gai trong chiến dịch tiêm vaccine của nước Úc.

Tay vợt nam số một thế giới không chống vaccine ngừa COVID-19, anh chỉ phản đối việc tiêm chủng bắt buộc. Đi đến đâu, tay vợt 34 tuổi đều quan tâm đến việc có được miễn trừ tiêm vaccine hay được phép từ chối tiêm vaccine không?

Dòng trạng thái khoe “lệnh miễn trừ y tế”

Mọi chuyện xoay chuyển hoàn toàn vào ngày 4-1, khi Djokovic chuẩn bị hành trang bay từ Dubai đến Melbourne (Úc) cùng dòng trạng thái trên mạng xã hội: “Tôi đang đến Down Under với lệnh miễn trừ y tế”.

Trước tiết lộ của Djokovic, bên kia bờ đại dương tại nước Úc - quốc gia mà người dân đã phải chịu đựng mọi khó khăn suốt thời gian dài để đẩy lùi dịch COVID-19 ngay lập tức đã phản ứng dữ dội. Nó châm ngòi cho một chuỗi sự kiện mà đỉnh điểm là hai quyết định hủy bỏ thị thực nhập cảnh, buộc tay vợt người Serbia phải rời khỏi Úc theo phán quyết mới nhất vào chiều 16-1. Djokovic xách valy rời Úc vào thời điểm chưa đầy 24 giờ nữa là giải Úc mở rộng khởi tranh mà chính anh là nhà đương kim vô địch.

Thị thực đến Úc của Djokovic được cấp ngày 18-11, cùng miễn trừ y tế được phê duyệt bởi hội đồng chuyên gia của TA (Liên đoàn Quần vợt Úc) và chính quyền bang Victoria, cùng bản khai du lịch gửi Bộ Nội vụ liên bang do chính quyền bang Victoria cấp ngày 1-1.

Trong đơn xin cấp thị thực, Djokovic không buộc phải cung cấp chi tiết về tình trạng tiêm chủng nhưng trong bản khai du lịch thì có. Lý do duy nhất khiến tay vợt từng chín lần vô địch giải Úc mở rộng được TA miễn trừ là do mới đây anh vừa bị nhiễm COVID-19.

Theo tờ The Age, quyền miễn trừ y tế của Djokovic được TA cấp và chính quyền bang Victoria xác nhận nhưng có sức nặng khá hạn chế ngay tại Hải quan Úc.

Novak Djokovic trả giá đắt cho tham vọng đoạt Grand Slam kỷ lục thứ 21 trong sự nghiệp vì “bánh vẽ” từ Giám đốc điều hành giải Úc mở rộng Graig Tiley. Ảnh: GETTY IMAGES

Novak Djokovic trả giá đắt cho tham vọng đoạt Grand Slam kỷ lục thứ 21 trong sự nghiệp vì “bánh vẽ” từ Giám đốc điều hành giải Úc mở rộng Graig Tiley. Ảnh: GETTY IMAGES

Mất cơ hội bảo vệ ngôi vô địch

Trong nội bộ TA khi biết Djokovic được miễn trừ y tế, không ai ngạc nhiên hơn Giám đốc điều hành giải Úc mở rộng Craig Tiley. Cùng với việc muốn tay vợt xuất sắc nhất thế giới có mặt tại Melbourne Park, ông Tiley được cho là biết khá tường tận những gì Djokovic sẽ buộc phải xoay trở khi đến Úc.

Suốt nhiều tháng liền sau khi chống lệnh buộc tiêm phòng thất bại, ông Tiley đã vận động hậu trường với hy vọng tất cả vận động viên thi đấu tại giải Úc mở rộng đồng ý tiêm vaccine. Cứ khoảng 20 tay vợt thì có một người sẽ viện cớ này nọ, trong đó đa phần là “các bác sĩ ở quê nhà yêu cầu trì hoãn việc tiêm chủng”.

Ngày 10-11, trong lần đầu tiên ông Tiley gửi thư cho đồng chủ tịch ATAGI (Hội đồng chuyên gia kỹ thuật về tiêm chủng Úc) nhằm nêu vấn đề cấp bách như trên, Djokovic không nằm trong danh sách này dù trước đó tay vợt 34 tuổi đã từng nhiễm COVID-19 lần đầu.

Cho đến cuối tháng 12-2021, Djokovic đã không nộp đơn xin miễn trừ y tế nhưng sự “lây nhiễm tinh tế” (ngày 16-12-2020) như mở ra một cơ hội giúp anh có thể bảo vệ danh hiệu vô địch tại giải Úc mở rộng.

Sự muối mặt của Djokovic có thể đã không xảy ra nếu TA lắng nghe thư phản hồi đầu tiên từ ATAGI, được viết bởi trợ lý Lisa Schofield (thuộc lực lượng tác chiến COVID-19 quốc gia).

Trong thư Schofield gửi cho TA có đoạn viết: “ATAGI không chịu trách nhiệm về các vấn đề kiểm soát biên giới, tuy nhiên Lực lượng Hải quan Úc đã khuyến cáo rằng mọi người phải đáp ứng quy định tiêm chủng đầy đủ do ATAGI đặt ra mới được coi là miễn kiểm dịch để nhập cảnh vào Úc”.

Theo lời khuyên của ATAGI, bất kỳ ai đã từng nhiễm COVID-19 không được xem là yếu tố chống chỉ định việc tiêm phòng. Hiện tại ở Úc, người dân đã khỏi bệnh COVID-19 được khuyên nên tiếp tục lịch tiêm phòng dù không có triệu chứng.

Chính lá thư được Schofield viết ngày 18-11 đã trở thành một trong những lý lẽ quan trọng, được chính phủ và tòa án liên bang Úc dùng để giải thích rõ lý do việc hủy visa đối với du khách quốc tế không được tiêm phòng đầy đủ như Djokovic.

Sau phán quyết mới nhất của Tòa án liên bang Úc, Djokovic quyết định không kháng cáo và chấp nhận rời khỏi Úc. Điều này cũng đồng nghĩa anh không thể tranh tài tại giải Úc mở rộng khởi tranh vào ngày 17-1.

Giá mà Djokovic đừng ồn ào, đừng lên mạng xã hội với lời lẽ như thách thức đất nước đang buộc mọi người phải tiêm vaccine thì chắc chắn anh không gặp rắc rối như bây giờ.

Có khác gì “ếch chết tại miệng” không?

Nguồn: [Link nguồn]

Djokovic liên tiếp nhận tin dữ: Pháp mở rộng cấm cửa, phải tiêm vaccine

(Tin thể thao - Tin tennis) Novak Djokovic bị cấm dự Australian Open 2022 theo cách không thể cay đắng hơn. Nhưng nếu không có kế...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Quang ([Tên nguồn])
Novak Djokovic Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN