Đặt đúng vị thế của môn trọng điểm

Sự kiện: SEA Games 32

Những lớp VĐV trẻ xuất hiện và khẳng định có thể thay thế lớp trước rõ ràng là tín hiệu tích cực cho bắn súng và điền kinh, hai trong 5 môn trọng điểm của thể thao Việt Nam. Đặc biệt, ở SEA Games 31 tới cũng như các kỳ SEA Games khác, họ cũng là những nhân tố được kỳ vọng giúp thể thao Việt Nam khẳng định vị thế...

Nửa đầu tháng 11 này, hai giải đấu quan trọng nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia của hai môn thể thao trọng điểm trong làng thể thao Việt Nam là bắn súng và điền kinh đã kết thúc. Sự khẳng định mình của các vận động viên (VĐV) trẻ ở hai môn này đã thể hiện rõ hơn. Trong khi đó, khâu kêu gọi xã hội hóa cho các giải đấu này cũng mang đến hy vọng sẽ giúp các môn trọng điểm (điền kinh, bơi, cử tạ, bắn súng, thể dục dụng cụ) được đặt đúng vị thế của mình.

Sàn diễn của lớp trẻ

Thực tế, nhiều tên tuổi lớn của điền kinh hay bắn súng Việt Nam vẫn khẳng định được mình tại Giải vô địch điền kinh toàn quốc – 2020 hay Giải vô địch bắn súng toàn quốc – Cúp Liên đoàn bắn súng Việt Nam. Những gương mặt: Nguyễn Thị Oanh, Quách Thị Lan, Lê Tú Chinh (điền kinh), Hà Minh Thành (bắn súng) vẫn cho thấy sự ổn định khi áp đảo ở các nội dung thi đấu của mình.

Nhưng ở nhiều nội dung khác, lứa trẻ cũng không bỏ qua cơ hội để khẳng định mình. Rõ nhất là câu chuyện ở môn điền kinh với màn trình diễn ấn tượng của chân chạy trẻ Trần Văn Đảng (Hà Nội). Mới 20 tuổi, đầy khát vọng và lại từng được điền kinh Hà Nội đầu tư tập huấn dài hạn ở Trung Quốc, chân chạy này đã khẳng định được trình độ khi giành chiến thắng trước đàn anh Dương Văn Thái -  ở cả nội dung 800m và 1.500m (cũng là 2 nội dung mà Dương Văn Thái đang là đương kim vô địch SEA Games). 2 năm trước, ở tuổi 18, khi vượt qua Dương Văn Thái ở nội dung 800m ở ĐH TDTT toàn quốc lần thứ VIII, Trần Văn Đảng được xem là bất ngờ.

Các xạ thủ cần nhiều sân chơi để thi đấu liên tục, thường xuyên, từ đó nâng trình độ.

Các xạ thủ cần nhiều sân chơi để thi đấu liên tục, thường xuyên, từ đó nâng trình độ.

Lúc ấy, giới chuyên môn cũng tin rằng, VĐV này cần có thêm thời gian để khẳng định vị trí số 1 trên đường chạy trung bình. Quả nhiên, đến năm 2019, Trần Văn Đảng lại thua đàn anh Dương Văn Thái. Nhưng rồi hành trình đi đến ngôi vô địch tại Giải vô địch điền kinh toàn quốc năm nay đã chứng tỏ rằng chân chạy này hoàn toàn có thể giữ được vị trí số 1 trên đường chạy 800m và 1.500m trong thời gian tới.

Trong khi đó, ở môn bắn súng, những tài năng trẻ được đầu tư trong những năm qua đang chứng tỏ sự vươn lên của mình, nhất là ở nhóm xạ thủ nữ. Như tại Giải vô địch bắn súng toàn quốc năm 2020, xạ thủ Lê Thị Mộng Tuyền (TP Hồ Chí Minh) đã phá kỷ lục quốc gia bài bắn tiêu chuẩn ở nội dung 10m súng trường hơi nữ; Nguyễn Phạm Hiền Khanh (Quân đội) giành tới 3 HCV; Bùi Thúy Thu Thủy (Hà Nội) giành 1 HCV cá nhân, 2 HCV đồng đội... Câu chuyện các xạ thủ trẻ khẳng định được tài năng cũng bắt nguồn từ định hướng của Liên đoàn bắn súng Việt Nam trong đó các xạ thủ kỳ cựu sẽ không dự giải quốc gia trong thời gian tập huấn để làm nhiệm vụ quốc tế nhằm trao nhiều cơ hội khẳng định mình hơn cho lớp VĐV trẻ.

“Nhiều xạ thủ trẻ hiện nay đang có tố chất tốt và chỉ cần liên tục cọ xát để nâng trình độ, tự tin vào khả năng của mình ” – Bà Nguyễn Thị Nhung – Tổng Thư ký Liên đoàn Bắn súng Việt Nam nói.

Những lớp VĐV trẻ xuất hiện và khẳng định có thể thay thế lớp trước rõ ràng là tín hiệu tích cực cho bắn súng và điền kinh, hai trong 5 môn trọng điểm của thể thao Việt Nam. Đặc biệt, ở SEA Games 31 tới cũng như các kỳ SEA Games khác, họ cũng là những nhân tố được kỳ vọng giúp thể thao Việt Nam khẳng định vị thế.

Luôn cần vai trò của Liên đoàn thể thao quốc gia

Những kỳ vọng vào lớp VĐV trẻ hiện nay của điền kinh hay bắn súng là hoàn toàn xác đáng. Đúng là họ có tiềm năng để vươn xa. Nhưng để được như vậy lại cần đến những điều kiện tối thiểu về đầu tư, trong đó VĐV cần được thi đấu liên tục để rèn bản lĩnh. Về phía Tổng cục TDTT, rất khó để có nguồn kinh phí nhằm tổ chức 5-6 giải trong hệ thống thi đấu quốc gia cho các môn thể thao, kể cả môn trọng điểm. Trong khi đó, thực tế của những giải vô địch toàn quốc vừa qua cho thấy, chỉ riêng việc tham dự các giải đấu quốc nội có tính cạnh tranh cao cũng giúp các VĐV trui rèn bản lĩnh thi đấu tốt thế nào.

Cho nên để có thể mang đến nhiều sân chơi cho các môn này, sẽ không thể thiếu vai trò của các Liên đoàn thể thao quốc gia. Như ở môn bắn súng, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã đặt dấu ấn mạnh mẽ lên Giải vô địch bắn súng toàn quốc vừa qua. Chỉ riêng việc gắn tên giải với Liên đoàn Bắn súng Việt Nam như sự khẳng định vai trò của Liên đoàn tại giải. Đơn giản vì tại giải này, Liên đoàn Bắn súng Việt Nam đã kêu gọi được nhiều nhà tài trợ như: Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và Khu công nghiệp Sông Đà (SUDICO), Công ty Cổ phần Đại Dương tham gia tài trợ giải.

Nhờ đó, đây là lần đầu tiên giải đấu này được tổ chức bằng nguồn kinh phí xã hội hóa, Còn các VĐV đoạt huy chương có giải thưởng. Theo đó, mỗi xạ thủ giành Huy chương Vàng, Bạc, Đồng sẽ lần lượt nhận thưởng 10, 5 và 3 triệu đồng; xạ thủ phá kỷ lục quốc gia nhận thưởng 5 triệu đồng. Việc trao thưởng cho VĐV đoạt giải của môn bắn súng đã là quá tốt so với nhiều môn khác – vốn chỉ chằn chặn huy chương, chứng nhận giải thưởng cho VĐV đoạt giải ở Giải vô địch toàn quốc.

Dấu ấn của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam còn thể hiện ở việc các nhà tài trợ còn trao tặng 1 tỷ đồng cho Liên đoàn để hỗ trợ cho các đơn vị bắn súng như: Hải Dương, Thanh Hóa, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Quảng Nam… (mỗi đơn vị 50 triệu đồng) nhằm khuyến khích phát triển môn bắn súng tại đây.

Trong khi đó, ở môn điền kinh cũng có dấu hiệu tích cực khi có nhà tài trợ cho VĐV phá kỷ lục quốc gia. Từ sự kêu gọi của Liên đoàn điền kinh Việt Nam, doanh nghiệp kinh doanh trang phục, dụng cụ thể thao – do cựu VĐV điền kinh Hà Nội Nguyễn Kiên Trung quản lý hay còn được biết đến với thương hiệu “Trung Quang Nguyễn Sport” đã trao thưởng 20 triệu đồng cho VĐV phá kỷ lục quốc gia. Tại giải, 3 kỷ lục quốc gia bị phá cũng đồng nghĩa doanh nghiệp tài trợ 60 triệu đồng giải thưởng.

Câu chuyện thu hút nhà tài trợ giải thưởng cũng cho thấy, Liên đoàn điền kinh Việt Nam có thể làm được nhiều hơn để có nguồn kinh phí tổ chức nhiều sân chơi cho các VĐV, nhất là VĐV trẻ, nhằm giúp họ được thi đấu nhiều hơn và nhanh trưởng thành hơn. Cũng không ngẫu nhiên mà việc thành lập một công ty chuyên tổ chức thi đấu thuộc Liên đoàn Điền kinh Việt Nam đã được đề cập trong thời gian qua. Bởi khi có công ty này, hoàn toàn có thể tin vào khả năng thành công trong huy động các nguồn lực xã hội để tạo ra nhiều sân chơi, hỗ trợ tối đa cho VĐV. Vấn đề là Liên đoàn Điền kinh Việt Nam quyết tâm đến đâu và thực hiện như thế nào.

Cũng chính những dấu hiệu tích cực từ khâu xã hội hóa nên có lý do để tin rằng không riêng gì môn bắn súng hay điền kinh, mà những môn thể thao trọng điểm khác có thể được đặt đúng vị thế hàng đầu của mình. Ở đây, thành công hay không sẽ phụ thuộc vào sự phát huy vai trò của từng Liên đoàn thể thao quốc gia.

Trong thời gian thể thao Việt Nam hầu như ngưng trệ thi đấu vì dịch COVID-19 thì bắn súng vẫn tạo được những giải đấu nội bộ được tổ chức quy củ nhờ vai trò của Liên đoàn Bắn súng Việt Nam. Việc này được giới chuyên môn đánh giá là giúp ích rất nhiều cho VĐV và càng cần duy trì nhất là trong thời gian tới, sẽ khó ra nước ngoài tập huấn, thi đấu do dịch COVID-19 trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp.

Minh Khuê

Nguồn: [Link nguồn]

Ánh Viên và VĐV Việt Nam được hỗ trợ việc làm khi giải nghệ

Một tin vui mới với các VĐV Việt Nam, khi họ có cơ hội được hỗ trợ về việc làm sau khi nghỉ thi đấu.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Minh Hà ([Tên nguồn])
SEA Games 32 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN