Xuất hiện nhiều Công ty XKLĐ chui: Người lao động tiếp tục sập bẫy

Sự kiện: Kinh Doanh

Sau khi Tiền Phong đăng loạt bài “Tập đoàn xuất khẩu lao động ma”, nhóm PV Tiền Phong tiếp tục tiếp cận thêm nhiều công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ) không phép tuyển lao động và thu tiền của lao động sai quy định.

Một lao động mà báo Tiền Phong phản ánh, tiếp tục đến cơ quan công an tố cáo công ty XKLĐ “chui” có dấu hiệu lừa đảo 

Một lao động mà báo Tiền Phong phản ánh, tiếp tục đến cơ quan công an tố cáo công ty XKLĐ “chui” có dấu hiệu lừa đảo 

Ngang nhiên tuyển lao động không phép

Theo tin đăng tuyển của một số công ty XKLĐ không phép (Cty Cổ phần Ja-Vitech Việt Nam, Cty Cổ phần Đầu tư và xúc tiến thương mại QLT Việt Nam, Cty Cổ phần Cung ứng nhân lực Nhật Việt; Cty Cổ phần Đầu tư và phát triển nguồn nhân lực Việt Nam…), phóng viên nộp hồ sơ để tham gia phỏng vấn.

Tại các công ty này, phóng viên được các nhân viên tư vấn giới thiệu đủ các công việc từ xây dựng cơ khí, vận hành máy, chế biến thực phẩm, nông nghiệp... với chi phí dao động từ 120-180 triệu đồng. Các công ty đều cam kết xuất cảnh nhanh, với mức lương cơ bản 26-30 triệu đồng/tháng.“Tham gia bên anh, em được phỏng vấn để làm việc ở 3 công ty mà chị đang liên kết. Nếu trượt thì sẽ phỏng vấn lại… không ảnh hưởng gì hết”, nhân viên tuyển dụng của Cty Cổ phần Đầu tư và xúc tiến thương mại QLT Việt Nam, giới thiệu.

Lãnh đạo một doanh nghiệp chia sẻ, cứ 1 công ty có giấy phép, có đến 3-4 đơn vị không có phép. “Tôi biết có những công ty lập ra chỉ để thu tiền của lao động. Họ vẫn quảng cáo có doanh nghiệp nước ngoài cần tuyển dụng và gửi lao động đi đào tạo. Tuy nhiên, cuối cùng, họ viện đủ lý do để lao động không xuất cảnh được, còn tiền đem đi kinh doanh, đầu tư. Lao động thì không đòi lại được ”, vị này cho hay.

Tại Hà Nội, riêng khu vực trên địa bàn quận Cầu Giấy và quận Nam Từ Liêm, tính sơ bộ có hơn 100 công ty đang hoạt động trong lĩnh vực XKLĐ nhưng không có giấy phép.

Mới đây, PV Tiền Phong còn nhận được một loạt đơn phản ánh của người lao động liên quan việc Cty Cổ phần Thương mại và Dịch vụ AFS Thăng Long (ngõ 176 Mai Dịch, quận Cầu Giấy) chiếm giữ hàng tỷ đồng tiền đặt cọc của kỹ sư và gần 50 thực tập sinh. Vụ việc đang được Công an quận Cầu Giấy điều tra, xử lý.

Quản lý còn lỏng lẻo

Thiếu tá Nguyễn Ngọc Minh, Đội Cảnh sát điều tra về kinh tế và chức vụ, Công an quận Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, thời gian qua, đơn vị này nhận được nhiều phản ánh của người lao động liên quan đến các vụ lừa đảo XKLĐ. Đặc biệt, số vụ liên quan thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc tăng vọt.

Theo ông Minh, các công ty không có giấy phép trong lĩnh vực này ngày càng nhiều, nở rộ như “nấm sau mưa”. “Cứ lúc nào thị trường lao động có nhu cầu lớn, các công ty “chui” và “cò mồi” lại hoạt động rầm rộ.

Chẳng hạn, thị trường Hàn Quốc sau một thời gian im ắng, nay vừa được nối lại đã xuất hiện ngay một loạt công ty “chui” và các đơn thư tố cáo của lao động. Một số công ty còn móc nối với các đối tượng “cò mồi” nước ngoài để tổ chức môi giới trái phép”, thiếu tá Minh thông tin.

Ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Quản lý Lao động Ngoài nước cho rằng, thực tế việc quản lý các công ty không được cấp giấy phép XKLĐ đang gặp nhiều khó khăn do các chế tài xử lý còn nhẹ. Cục chỉ quản lý những công ty trong phạm vi được cấp phép nên việc phát hiện những công ty “chui” phải có sự phối hợp giữa chính quyền địa phương và cơ quan chức năng.

Do đó, để tránh rủi ro, ông Liêm cho rằng, người lao động cần tìm hiểu kỹ về các doanh nghiệp bằng cách truy cập vào website của Cục Quản lý Lao động Ngoài nước để xác minh doanh nghiệp lựa chọn có được cấp phép hay không. Đồng thời, người lao động nên tránh xa các công ty môi giới và trung gian.

Liên quan đến loạt bài “Tập đoàn xuất khẩu lao động ma”, lãnh đạo Cục Quản lý Lao động Ngoài nước cho biết, Bộ LĐ-TB&XH vừa đình chỉ và dự định xóa tên Cty Cổ phần kết nối nhân lực Việt khỏi danh sách những công ty đủ điều kiện phái cử thực tập sinh sang Nhật Bản do vi phạm biên bản ghi nhớ về chương trình thực tập kỹ năng giữa hai nước. Ngoài ra, một công ty thuộc HR Group mà Tiền Phong phản ánh cũng vừa trả lại giấy phép. Trong khi đó, đại diện Cty Cổ phần nhân lực liên kết Á Châu cũng thừa nhận đã kiểm soát không tốt, để một vài nhân viên lợi dụng sơ hở ôm tiền của người lao động. Sau phản ánh của Tiền Phong, đại diện công ty này cam kết sẽ giải quyết mọi phát sinh cho người lao động. 

Xuất khẩu lao động  và những trò lừa dân nghèo

Thời gian gần đây, ở Hà Nội liên tục xuất hiện đơn thư, phản ánh về việc nhân viên công ty xuất khẩu lao động (XKLĐ)...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Dương Hưng ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN