Thu nhập bao nhiêu mỗi tháng để có thể sống được ở Hà Nội và TP.HCM?

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Mức thu nhập nào có thể sống được tại TP. Hà Nội hay TP.HCM hiện nay, đang là một câu hỏi mà rất nhiều người muốn biết.

Thu nhập 15 triệu đồng mỗi tháng chỉ vừa đủ cho một người

Với những người xa quê đến thành phố làm việc, thứ mà họ quan tâm nhất có lẽ chính là vấn đề nằm trong câu hỏi “Lương bao nhiêu thì đủ sống?”. Mới đây, xoay quanh vấn đề này, có một anh chàng nhân viên công sở đã đăng đàn hội ý mọi người với nội dung như sau: “Quan điểm của mọi người, lương bao nhiêu là đủ sống ở Hà Nội? Đã có nhà và phải thuê nhà. Theo mình là 10 triệu và 15 triệu”.

Để hiểu rõ vấn đề này hơn, chúng ta sẽ đến với những chia sẻ của những người trẻ đang sống và làm việc tại 2 thành phố Hà Nội và TP.HCM dưới đây.

Bài toán tài chính sẽ trở nên khác biệt khi chúng ta sống cùng bố mẹ và phải đi thuê trọ. Con số chi tiêu khác nhau, trọng tâm tài chính cũng nghiêng về những hướng khác nhau.

Thu nhập bao nhiêu mỗi tháng để có thể sống được ở Hà Nội và TP.HCM? - 1

Mức thu nhập bao nhiêu để có thể sống được ở thành phố lớn hiện nay? (Ảnh: Minh họa)

Dương Quỳnh Trang (24 tuổi) nhân viên một Công ty tài chính tại Thủ Đức, TP.HCM cho biết, mỗi tháng cô có thu nhập 15 triệu, chi phí tiền nhà cộng với tiền điện, nước hết 5 triệu đồng, chi phí đi lại 3 triệu đồng, chi phí ăn uống gặp gỡ bạn bè hết 5 triệu đồng, số còn lại khoảng 2 triệu đồng có thể mua sắm đồ dùng cá nhân, nên mỗi tháng không dư được đồng nào.

Trang cho biết, do mới đi làm chưa lâu, lại sống ở thành phố đắt đỏ nên mức lương này sẽ không tiết kiệm được, cô cũng chưa có quỹ dự phòng cá nhân đề phòng những trường hợp bất xấu xảy ra. “Hồi đầu năm 2022, em ốm phải nhập viện, nên đã phải vay 8 triệu đồng, đến nay khoản nợ này cũng chưa thể trả được”, Quỳnh Trang nói.

Trang chia sẻ thêm: “Sống ở TP.HCM khác với ở quê, tất cả đều phải chi tiền mới ổn được, không có tiền sẽ không thể sống được ở một nơi có hoạt động giao thương tấp nập như vậy. Em chỉ biết cố gắng xây dựng hoàn thiện bản thân, sau này được tăng lương thì mới nâng cao được cuộc sống hơn, chứ với mức thu nhập như hiện tại không thể thoải mái được”.

Trong khi đó, Trần Nhật Minh (26 tuổi) hiện đang là nhân viên văn phòng tại Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, mức thu nhập mỗi tháng khoảng 14,5 triệu đồng chỉ đủ chi phí thuê nhà trọ và phục vụ nhu cầu đi lại, ăn uống và thi thoảng mua sắm, chứ không thể tiết kiệm được gì cho bản thân.

Mỗi tháng Minh phải trả tiền thuê nhà trọ cùng với điện nước, và các dịch vụ khác hết khoảng trên 5 triệu đồng, chi phí phục vụ đi lại khoảng 2,5 triệu đồng, chi phí ăn uống khoảng 3 triệu đồng, chi phí cafe, trà đá khoảng 1,5 triệu đồng, số còn lại khoảng vài triệu đồng chỉ đủ để mua sắm một số đồ dùng cá nhân.

Minh chia sẻ, số tiền này không đủ để chi tiêu hàng tháng nếu như tháng nào có phát sinh thêm như: đám cưới bạn bè, về quê hoặc có sự kiện gì đó mà mình phải tham gia…

“Để theo kịp mức sống của người Hà Nội, thì thu nhập ít nhất cũng phải trên 20 triệu đồng, thì may ra mới có dư, với thu nhập hiện tại của em chỉ tạm đủ để sống mà thôi”, Nhật Minh nói.

Tương tự, Hoàng Minh Hòa (28 tuổi), quận Nam Từ Liêm, nhân viên truyền thông chia sẻ: "Tôi đi làm lương 15 triệu đồng một tháng. Trừ đi hết các chi phí sinh hoạt tối thiểu, cũng chỉ còn dư vài trăm nghìn đồng. Nếu không may bị ốm đau, tôi cũng chẳng dám đến viện để điều trị vì không có tiền."

Nhiều người cho rằng, đây cũng là lý do đa số người Việt không dám chủ động đến bệnh viện để khám chữa bệnh định kỳ, mà thường chờ đến khi đổ bệnh nặng mới đi viện cho đỡ tốn kém, chưa nói đến chuyện có tiền để đi du lịch. Tóm lại, người lao động mới chỉ đang tồn tại mà thôi.

Muốn bám trụ lại thành phố phải có thu nhập tầm 30-35 triệu mỗi tháng

Giới chuyên gia cho rằng, chi phí về mức sống thấp đi do người lao động không khai báo 25 - 30% chi phí khác; chi phí tiền nhà, họ khai báo rất thấp.

Theo đó, mức sống tối thiểu là cơ sở quan trọng để xây dựng lương tối thiểu, cũng là yếu tố gây tranh cãi nhiều nhất mỗi kỳ điều chỉnh lương. Trong những năm qua, theo tính toán của Tổ kỹ thuật thuộc Hội đồng tiền lương quốc gia, mức sống tối thiểu một tháng của người lao động gồm các chi phí dành cho lương thực, thực phẩm (rổ hàng hóa gồm 53 món hàng); nhóm phi lương thực, thực phẩm (áo quần, đi lại, giải trí...); nuôi một con nhỏ; nhà ở và chỉ số giá tiêu dùng CPI.

Trong đó, cơ cấu phần trăm (%) giữa nhóm lương thực thực phẩm và phi lương thực thực phẩm là 48-52. Chi phí nuôi con nhỏ bằng 70% của người lớn. Tuy nhiên, cách tính này được cho là chưa phù hợp, chưa sát thực tế trong bối cảnh giá hàng hóa lên cao.

Các chuyên gia phân tích, nếu muốn trụ được ở thành phố, trong khi chưa có nhà cửa, hai vợ chồng phải có thu nhập tầm 30-35 triệu mỗi tháng. Như thế mới vừa đủ sống, tích góp mua nhà và trả lãi ngân hàng, có khoản phòng thân... Mà với mức thu nhập kể trên, bạn cũng chỉ mua được nhà tầm hơn một tỷ đồng mà thôi. Vì vợ chồng, con cái chi tiêu sinh hoạt, học hành... ở thành phố cũng đã tốn ngót nghét 20 triệu tháng rồi.

Bình luận về vấn đề cuộc sống tại các đô thị lớn, ông Lâm Minh Chánh, chuyên gia tài chính, Giám đốc Học viện Kinh doanh và Tài chính BizUni, cho rằng khi còn trẻ, còn trí óc và sức lao động, người trẻ càng nên cân nhắc đến công việc phụ, đặt mục tiêu kiếm tiền nhiều nhất có thể.

"Theo tôi, người lao động trẻ không nên hài lòng với thu nhập hiện tại. Các bạn cần cố gắng kiếm thêm công việc thứ hai, việc làm ngoài giờ, bán thời gian… để kiếm thêm tiền. Thu nhập cao hơn tiêu dùng chính là yếu tố quan trọng hàng đầu trong việc quản lý tài chính cá nhân, gia đình", ông nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Vay tiền tỷ lướt sóng đất nền thiếu pháp lý, nhà đầu tư ”ngậm trái đắng”

Kỳ vọng lãi nhanh với suất đầu tư của mình nhưng khi thị trường BĐS rơi vào trầm lắng và ghi nhận hiện tượng giảm giá nhiều nơi, nhiều nhà đầu tư vào đất nền thiếu...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nhân Hà Phan ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN