Nóng tuần qua: Bộ GTVT xin "thông cảm" vì Cát Linh - Hà Đông lại "chậm chuyến"

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Bộ GTVT đã phát đi thông cáo về tiến độ thực hiện Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông.

Vẫn chưa thể vận hành tuyến đường sắt Cát Linh - Hà Đông

Theo Bộ GTVT, dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đã hoàn thành đầu tư xây dựng, lắp đặt thiết bị. Từ đầu tháng 4 đến nay, Ban Quản lý dự án Đường sắt (Ban QLDA) và Công ty Metro Hà Nội đã hoàn thành công tác bàn giao hồ sơ tài liệu, hoàn thành công tác kiểm đếm tài sản dự án tại hiện trường.

Các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành

Các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành

Theo Bộ GTVT, ngay sau khi có chứng nhận an toàn, Bộ GTVT đã khẩn trương bổ sung báo cáo “nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng đưa vào sử dụng” và gửi Hội đồng kiểm tra nhà nước. Dự kiến sau kỳ nghỉ lễ 30.4 - 1.5, Hội đồng sẽ có xem xét, đánh giá cuối cùng để ra thông báo về kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư.

"Thông báo của Hội đồng là cơ sở quan trọng để Bộ GTVT và UBND TP. Hà Nội, Tổng thầu Trung Quốc tiến hành hoàn tất thủ tục bàn giao dự án để đưa vào vận hành, khai thác", Bộ này cho biết.

"Hiện nay, các điều kiện kỹ thuật của dự án đã đảm bảo có thể vận hành, tuy nhiên các hồ sơ, thủ tục nghiệm thu còn phụ thuộc vào quy trình kiểm tra, xem xét và đánh giá kết quả thực hiện của Tư vấn an toàn ACT và Hội đồng dẫn đến mốc thời gian đó không đạt được như mong muốn. Bộ GTVT rất mong tiếp tục nhận được sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm của nhân dân và toàn xã hội", Bộ GTVT cho hay.

Vốn đầu tư ra nước ngoài tăng gần 8 lần

Trong 4 tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư ra nước ngoài cấp mới và tăng thêm đạt 545,9 triệu USD, tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2020, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Trong đó, 18 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới với tổng số vốn đạt 142,8 triệu USD, tăng 2,7 lần so với cùng kỳ. Đồng thời, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ghi nhận 9 lượt dự án điều chỉnh vốn đầu tư với tổng vốn tăng thêm là 403,2 triệu USD, tăng 25,5 lần.

Trong 10 lĩnh vực đầu tư trong 4 tháng qua, mảng khoa học công nghệ dẫn đầu với 8 dự án mới và 2 lượt dự án điều chỉnh vốn. Tổng vốn đầu tư cấp mới và tăng thêm là 270,8 triệu USD, chiếm 49,6% tổng vốn đầu tư.

Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư đạt 147,8 triệu USD, chiếm 27,1%. Tiếp theo là các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản, hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ...

Doanh nghiệp thành lập mới tăng cao nhất 4 năm

Tại báo cáo tình hình kinh tế - xã hội mới nhất, Tổng cục Thống kê cho biết tháng 4, cả nước có gần 14.900 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 179.900 tỷ đồng, tăng 33,1% về số doanh nghiệp và tăng 59,1% về vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong tháng đạt 12,1 tỷ đồng, tăng 19,6% so với tháng trước.

Trong tháng, còn có 5.745 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, tăng 26,8% so với tháng trước và tăng 50,8% so với cùng kỳ năm trước; 4.598 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 107,8% và tăng 11,6%; 5.608 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 62,2% và tăng 158,9%; 1.541 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 4,2% và tăng 57,2%.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 627.700 tỷ đồng, tăng 17,5% về số doanh nghiệp và tăng 41% về vốn đăng ký. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới trong 4 tháng đạt 14,2 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước có gần 44.200 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới

ADB cảnh báo nguy cơ bong bóng tài sản khi kinh tế Việt Nam phục hồi

Theo báo cáo mới đây của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), tăng trưởng kinh tế Việt Nam được dự báo phục hồi ở mức 6,7% trong năm 2021, bất chấp sự bùng phát trở lại của dịch Covid-19 ở các quốc gia lân cận, và tăng lên 7% năm 2022.

“Tiêu dùng nội địa trì trệ và sức cầu bên ngoài yếu do đại dịch Covid-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm ngoái. Nhưng đà tăng trưởng vẫn tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát sự lây lan của virus”, Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam Andrew Jeffries khẳng định.

“Nhưng năm nay và năm sau vẫn còn nhiều rủi ro đáng kể, trong đó có sự trở lại của các biến thể virus mới và sự chậm trễ trong chương trình vaccine của Chính phủ", ông cảnh báo.

Thanh toán không tiền mặt tiếp tục tăng trưởng mạnh

Theo số liệu từ mạng lưới VisaNet, tổng giá trị giao dịch trên thẻ tín dụng và ghi nợ Visa tăng 34% trong quý 1/2021 so với cùng kỳ năm 2020.

Đặc biệt, tỷ lệ giao dịch không tiếp xúc trên tổng số giao dịch trực tiếp của thẻ Visa tăng 230%. Đồng thời, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm của tổng giá trị giao dịch thương mại điện tử cũng tăng 5,5 lần so với quý 4/2020.

Theo bà Đặng Tuyết Dung, Giám đốc Visa tại Việt Nam và Lào, thanh toán không tiền mặt đang tăng trưởng đáng kể qua tần suất sử dụng ví điện tử, thanh toán không tiếp xúc và mã QR.

Trong đó, thẻ không tiếp xúc được dùng nhiều nhất trong danh mục thực phẩm và ăn uống, với 67% người tiêu dùng tăng cường sử dụng phương thức này trong năm 2020.

Thanh toán qua mã QR cũng tăng vọt, đặc biệt trong các giao dịch hàng ngày như thanh toán hóa đơn (71%), mua sắm trong lĩnh vực bán lẻ (58%) và tại siêu thị (57%).

Nguồn: [Link nguồn]

Lão nông làng Cự Đà làm nhà giả cổ, riêng tiền công ngốn hết cả tỷ đồng

Khi bắt tay vào xây dựng ngôi nhà này, nhiều người cho rằng ông “dở hơi” khi bỏ hàng tỷ đồng để xây nhà giả cổ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thiên Lý ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN