Hết thời kiếm cả trăm triệu mỗi tháng, môi giới BĐS xoay sở đủ nghề kiếm sống

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Trước sự trầm lắng của thị trường BĐS, hàng loạt môi giới trong lĩnh vực này đã rời bỏ thị trường và xoay sở đủ nghề để kiếm sống.

Dù gắn bó với nghề môi giới bất động sản nhiều năm nhưng mới đây anh Tuấn (Hà Đông – Hà Nội) đã đưa ra quyết định chuyển nghề sang bán tạp hóa và hàng nước. Theo anh Tuấn, kể từ nửa cuối năm 2022 công việc môi giới BĐS đã bị chững lại, giao dịch ít dần và gần như không có trong suốt thời gian qua khiến kinh tế gia đình bị ảnh hưởng.

Người đàn ông 40 tuổi chia sẻ do thời gian dài không có giao dịch, văn phòng môi giới anh làm việc đã phải tạm thời đóng cửa. Anh và nhiều người khác buộc phải chuyển nghề vì nhiều tháng không có thu nhập, cuộc sống hàng ngày gặp nhiều khó khăn.

Có hơn chục năm làm môi giới BĐS tại khu vực Hà Đông, Hà Nội, tuy nhiên kể từ đầu năm 2023 anh Tuấn đã quyết định chuyển sang làm bảo vệ tại một dự án BĐS gần nhà. Anh Tuấn cho biết trong hơn chục năm làm môi giới BĐS tự do thì đây được xem là giai đoạn khó khăn nhất bởi lượng khách hàng quan tâm tới BĐS đầu tư đã giảm mạnh từ nửa cuối năm 2022. Trải qua gần nửa năm không có giao dịch đã buộc anh phải chuyển nghề để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Thị trường BĐS trầm lắng khiến hàng loạt môi giới thất nghiệp, chuyển nghề

Thị trường BĐS trầm lắng khiến hàng loạt môi giới thất nghiệp, chuyển nghề

Trong khi đó, chị Huyền quyết định mở cửa hàng kinh doanh bỉm, sữa trong thời gian thị trường BĐS trầm lắng để kiếm thêm thu nhập. Chị Huyền cho biết khi thị trường BĐS sôi động, mỗi tháng chị có thể chốt được cả chục hợp đồng mua bán, số tiền hoa hồng nhận được dao động từ vài chục tới cả trăm triệu đồng. Tuy nhiên thời gian qua lượng giao dịch ít hẳn, tận dụng mặt bằng sẵn có của gia đình chị quyết định mở cửa hàng kinh doanh để có “đồng ra đồng vào” chờ thị trường BĐS khởi sắc trở lại.

Chia sẻ về những khó khăn của môi giới BĐS thời điểm hiện nay, anh Sĩ – chủ một văn phòng BĐS cho biết từ năm ngoái đến tháng 5 vừa qua quy mô văn phòng môi giới của anh đã giảm tới 90% nhân sự, đa số môi giới đều nghỉ việc để đi làm việc khác.

"Dù cố gắng cầm cự nhưng với việc thị trường bất động sản mất thanh khoản, văn phòng buộc phải cắt giảm nhân sự để tồn tại. Dù làm chủ văn phòng nhưng thời gian qua tôi cũng phải xoay sở, có khi lao đao vì đang gánh hàng loạt chi phí liên quan khác", anh Sĩ chia sẻ. Chủ văn phòng BĐS này cũng cho biết không chỉ văn phòng của mình, thời gian qua nhiều đồng nghiệp cũng phải cắt giảm nhân sự hoặc tạm thời đóng cửa văn phòng nhằm cắt giảm chi phí, để tồn tại vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Theo khảo sát của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) công bố mới đây, số lượng môi giới bất động sản hiện nay hoạt động trên thị trường chỉ còn khoảng 30-40% so với thời điểm cuối năm 2022. Riêng trong 5 tháng năm nay, các doanh nghiệp môi giới đã tiếp tục sa thải thêm 10-20% nhân sự so với cuối năm 2022.

"Thị trường ghi nhận một lượng lớn môi giới bất động sản phải nghỉ việc cả vì lý do chủ động do thu nhập không đủ sống, và bị động do doanh nghiệp sa thải, doanh nghiệp tạm dừng hoạt động, doanh nghiệp phá sản…", báo cáo của VARS cho biết.

Tuy nhiên, lượng môi giới bất động sản bỏ nghề phần lớn thuộc các đối tượng "lính mới" và "tay ngang" chưa được đào tạo bài bản về nghề cũng như khả năng ứng biến trước các tình huống khó khăn của thị trường.

Ngoài môi giới bất động sản, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản là cầu nối giữa các chủ đầu tư với khách hàng đang gặp nhiều khó khăn. Nguồn thu của các doanh nghiệp này chủ yếu đến từ việc phân phối các sản phẩm bất động sản.

Tình trạng khó khăn đến từ hai chiều, giống như một chốt chặn đầu và một chốt chặn sau, khiến cho các doanh nghiệp không có cơ hội "trở mình", bị dồn vào thế "hoang mang, vô định, khó có thể vùng vẫy".

Kết quả khảo sát của VARS với các sàn giao dịch hội viên cho thấy, trong quý I năm nay, hơn 90% doanh nghiệp ghi nhận doanh thu sụt giảm so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí một số doanh nghiệp quy mô dưới 100 nhân viên có mức giảm doanh thu lên tới 70-80%.

Về quy mô lao động, trên 95% doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô lao động và có tới 50% số doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ bất động sản phải giảm quy mô lao động trên 20% so với quý II/2022. Một số doanh nghiệp có quy mô dưới 50 nhân viên thậm chí còn chấm dứt hợp đồng với hơn 90% người lao động, gần như ngừng hoạt động kinh doanh, chỉ giữ lại những vị trí quản trị trọng yếu.

Về khả năng cầm cự, dữ liệu khảo sát của VARS cũng cho thấy, nếu tình hình thị trường vẫn tiếp tục diễn biến khó khăn thì có tới 23% doanh nghiệp chỉ có thể duy trì hoạt động được tới hết quý III năm nay, 43% doanh nghiệp trụ được đến hết năm 2023.

VARS cho rằng nếu không tìm được “lối thoát” kịp thời, rất có thể thị trường sẽ phải đối mặt với kịch bản ra đi của hàng loạt các đối tượng, từ doanh nghiệp đầu tư, phát triển BĐS đến doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ BĐS và Môi giới BĐS. Nhiều người lao động sẽ lâm vào cảnh mất việc làm, hệ lụy đến cuộc sống an sinh xã hội.

Nguồn: [Link nguồn]

Doanh nghiệp liên quan đến Chủ tịch Bùi Thành Nhơn dự thu hơn 2.000 tỷ từ thoái vốn khỏi Novaland

Với mục đích cân đối danh mục đầu tư và hỗ trợ cơ cấu các khoản nợ, nghĩa vụ khác, doanh nghiệp liên quan đến đại gia Bùi Thành Nhơn lên kế hoạch thu hơn 2.000 tỷ đồng...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Anh ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN