Hành trình thành doanh nhân của chàng trai không chân

Bị tai nạn mất cả đôi chân ở độ tuổi 18, Chung gượng vượt qua nỗi đau để sống, vươn lên đầy nghị lực.

Chung trực tiếp nấu xà bông thảo dược tại hội chợ

Chung trực tiếp nấu xà bông thảo dược tại hội chợ

Bị tai nạn mất cả đôi chân ở độ tuổi 18 đầy ước mơ, hoài bão, Chung đã từng có ý định quyên sinh. Nhưng vì thương mẹ một đời lam lũ, Chung gượng vượt qua nỗi đau để sống, vươn lên đầy nghị lực.

“Nghĩ đến mẹ, không dám chết”

Trong căn phòng nhỏ sực nức mùi thơm các loại thảo dược ở ngõ phố Đại La, quận Hai Bà Trưng (Hà Nội) của Nguyễn Văn Chung (SN 1984, ở xã Minh Cường, huyện Thường Tín, Hà Nội), ông chủ thương hiệu xà bông thiên nhiên Sam-sôn quần áo lấm lem, đang hào hứng dọn dẹp các loại sản phẩm xà bông sáp ong, mướp đắng, than tre, bạc hà…

Ở căn phòng nhỏ này, lỉnh kỉnh hàng hóa, các hũ đựng nguyên liệu để Chung vừa bán, giới thiệu hàng, vừa có thể nghiên cứu, pha chế.

“Không chỉ có xà bông thiên nhiên, Sam-sôn còn có cả muối tắm thiên nhiên, muối ngâm chân, dầu gội, tinh dầu… tất cả đều tuyệt đối an toàn với người sử dụng”, Chung nói, giơ tay chỉ vào các sản phẩm được thiết kế với đa dạng mẫu mã, từ bông hoa hồng, hình trái tim, con vật… được bày biện trên các giá hàng.

Sẽ thật bình thường, nếu như ông chủ còn đôi chân nguyên vẹn như bao người bình thường khác.

“Hôm ấy, tôi ra đồng làm ruộng với mẹ, rồi tranh thủ xuống trạm bơm ở xã Minh Cường bắt cá. Có một người cùng làng đánh rơi cái xô và cái cờ lê, nhờ tôi lặn xuống mò giúp. Tôi lấy được cái xô lên, khi lặn xuống lần 2 để mò tìm cái cờ lê thì bị máy bơm gần đó chém đứt cụt lìa 2 chân”, Chung kể về sự việc xảy ra cách đây 18 năm.

Khỏi phải nói, tai nạn nguy kịch ấy đã giáng đòn chí mạng thế nào vào cậu thanh niên mười tám tràn đầy sức sống và người mẹ góa phụ nghèo một mình nuôi 6 con thơ.

Tỉnh dậy sau ca phẫu thuật, Chung phải nằm bất động 6 tháng trời trên giường bệnh. Nhiều lúc, nhìn thấy đôi chân không còn, Chung đã bật khóc và không còn muốn sống nữa.

“Nhưng lúc toan tìm đến cái chết, tôi lại nhớ ra tôi chưa làm gì được để báo hiếu mẹ già. Mẹ tôi cơ cực lắm, sống một tuổi thơ lam lũ, khổ sở. Khi lấy chồng thì còn khổ hơn, nhà chồng cũng nghèo, lại không được lòng mẹ chồng”, Chung kể.

Chung là con út trong gia đình có 6 người con. Đến khi Chung học lớp 1 thì bố mất, rồi 2 người anh kế Trung đi chơi bị tai nạn giao thông, sau đó đến lượt Chung gặp nạn mất đôi chân.

“6 tháng tôi ở trên giường bệnh, mẹ cận kề chăm sóc lo toan. Vì vậy, tôi không dám chết, tôi nghĩ mẹ vất vả, khổ sở vậy vẫn cố gắng gồng gánh nuôi 6 đứa con, thì tôi phải sống”, Chung tâm sự.

Nghị lực phi thường của chàng trai tàn tật

Chung tại gian hàng pha chế của mình

Chung tại gian hàng pha chế của mình

Nghĩ là làm, Chung xỏ dép vào bàn tay và di chuyển theo cách này. Nhiều lần anh ngã lộn nhào vì mất thăng bằng, nhưng cứ hết cơn đau anh lại xỏ dép, chống tay đi tiếp.

Tháng 11/2002, Chung một mình lên Hà Nội, ăn ở và tập làm quen với đôi chân giả tại Bệnh viện Bạch Mai. Những ngày đầu lắp chân giả lần tường tập đi, máu tóe ra ở phần đùi cắt cụt tiếp xúc với chân giả và nước mắt tràn trên mặt chàng trai trẻ.

Nhưng ở đây, Chung được gặp những người cùng cảnh ngộ với mình và được giới thiệu đến với Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật TP Hà Nội. Tại đây, Chung được tập luyện ở 2 bộ môn là ném lao - đẩy tạ và bơi lội.

Những tháng ngày dầm mưa dãi nắng lăn xe từ Bệnh viện Bạch Mai đến Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật TP Hà Nội ở Khúc Hạo tập luyện đã giúp Chung được chọn đi thi đấu giải đấu tiền ParaGames.

Tại đây, Chung đạt được nhiều thành tích cao ở cả 2 nội dung ném lao - đẩy tạ và bơi lội. Chung được chọn vào danh sách chính thức của đoàn thể thao Việt Nam tham gia thi đấu tại ParaGames năm 2003. Được vào TP HCM huấn luyện 3 tháng, Chung đã không phụ lòng mong mỏi của đội tuyển khi đạt hai tấm Huy chương bạc về bơi lội.

“Tôi vẫn nhớ năm đó, tôi được thưởng 30 triệu đồng và tôi đã gửi mẹ sửa sang lại ngôi nhà ở quê. Sau đó, ở kỳ thi ParaGames tại Philippines năm 2005, tại Thái Lan năm 2008 và Indonesia năm 2011, tôi tiếp tục giành các huy chương vàng, bạc, đồng”, Chung vui vẻ kể lại.

Và chính từ niềm đam mê thể thao đã tạo cơ duyên đưa Chung đến với con đường kinh doanh hôm nay. Chung vẫn nhớ, thời điểm là vận động viên bơi lội, da của anh thường nứt nẻ, khô ráp.

Được người bạn cùng khu trọ tên Vũ Trung Đức, vốn là sinh viên chuyên ngành công nghệ sinh học, Đại học Bách Khoa tặng một sản phẩm xà bông có chiết xuất từ thiên nhiên, Chung rất thích vì sản phẩm giúp da mềm mại, đỡ nứt nẻ.

Từ đó, Chung mày mò tìm hiểu và năm 2013, với số vốn ít ỏi 30 triệu đồng tiết kiệm được trong 10 năm thi đấu thể thao, được sự hỗ trợ của Đức, anh bắt tay vào sản xuất xà bông thảo dược với thương hiệu xà bông Sam-sôn.

“Vạn sự khởi đầu nan, với người bình thường đã khó khăn, với tôi còn khó khăn hơn nhiều, nhất là khi làm xà bông thảo dược, mọi công đoạn đều thủ công”, Chung kể khi nhớ lại những ngày phải vượt hàng chục cây số để tìm hiểu công thức chế tác nhưng phôi xà bông có thành phần chính từ dầu cọ, dầu dừa, dịch chiết bồ hòn, tinh dầu, phụ gia đường mía, muối tinh, dịch chiết quả chanh, mật ong, bột nghệ, phấn hoa, bột sả và các loại tinh dầu…

“Chúng tôi nấu những bánh xà bông thảo dược đầu tiên từ một chiếc xoong nhỏ ngay trong phòng trọ. Nấu khó lắm, sôi quá chút là xà bông nhão, phôi tràn ra, hỏng cả mẻ hàng. Tôi đã mất 1 năm kỳ cạch nấu như vậy cho đến khi ra sản phẩm của mình”, anh Chung nói.

Sản xuất được bánh xà bông thảo dược rồi, để đưa được hàng ra thị trường, Chung tìm đến các hội chợ, xin phép được trực tiếp pha chế các dược liệu ngay tại gian hàng để khách hàng có thể xem và cảm nhận. Rời hội chợ về, Chung bán và giới thiệu sản phẩm trên Facebook cá nhân. Dần dần, lượng khách hàng của xà bông Sam-sôn tăng dần.

Từ những ngày đầu tự tay làm tất cả các khâu từ tìm kiếm nguồn nguyên liệu, chế biến, làm khuôn và giao bán, đến nay, Chung đã xây dựng được thương hiệu sản phẩm của riêng mình, có xưởng sản xuất riêng với 30 nhân viên và khu dược liệu được trồng tại hợp tác xã ở Nho Quan, Ninh Bình do anh Đức làm chủ.

Ông chủ trẻ cho biết, hiện anh đang có 6 đại lý chính đặt tại các thành phố lớn như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM… Trung bình mỗi tháng cơ sở xuất ra thị trường từ 3.000 - 5.000 sản phẩm.

“Mẹ đã yên lòng về tôi. Và tôi đã có thể báo hiếu cho mẹ”, Chung mỉm cười hạnh phúc.

Anh Vũ Trung Đức (trú huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình) cho hay, Chung là người rất thông minh, nghị lực và có hoài bão rất lớn. Từ những bánh xà bông thảo dược đầu tiên, giờ đây Chung còn ấp ủ nguyện vọng đưa những sản phẩm thảo dược tự nhiên của Việt Nam ra với bạn bè thế giới, đồng thời mong muốn đóng góp nhiều hơn cho hoạt động sản xuất sạch, bảo vệ môi trường.

Nguồn: [Link nguồn]

Giá vàng hôm nay 15/11: Chốt tuần ”cao vút”, hứa hẹn vàng sắp tăng phi mã?

Trong tuần qua giá vàng giảm mạnh nhưng chốt phiên cuối tuần ở mức cao.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lưu Huế ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN