Chứng khoán bốc hơi, suy giảm tăng trưởng kinh tế vì dịch bệnh

Đầu năm 2020, dịch viêm phổi do virus Corona đã tác động đến nhiều ngành đóng vai trò động lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam như du lịch, nông nghiệp… Trong khi đó, lạm phát có dấu hiệu tăng mạnh trở lại, thị trường chứng khoán “bốc hơi”.

Thị trường chứng khoáng phản ứng tiêu cực trước thông tin dịch bệnh. Ảnh: P.V

Thị trường chứng khoáng phản ứng tiêu cực trước thông tin dịch bệnh. Ảnh: P.V

Nguy cơ suy thoái các động lực tăng trưởng

Năm 2019, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt 7,02%, mức tăng ấn tượng trong những năm gần đây. Tuy nhiên, bước sang năm 2020, nhiều cơ quan chức năng và chuyên gia kinh tế dự báo tăng trưởng kinh tế sẽ khó khăn. Cụ thể như ngành nông nghiệp - một trong những động lực tăng trưởng của nền kinh tế trong những năm gần đây đang có dấu hiệu suy thoái.

Đánh giá của Tổng cục Thống kê cho thấy, năm 2019, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng trưởng thấp do hạn hán, biến đổi khí hậu ảnh hưởng tới năng suất và sản lượng cây trồng. Ngành chăn nuôi chịu thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi. Nông sản gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ và giá xuất khẩu. Ngành nông nghiệp chỉ tăng trưởng mức 0,61% - mức tăng thấp nhất trong giai đoạn 2011-2019. Tháng đầu tiên của năm 2020, do ảnh hưởng của dịch corona, hàng loạt mặt hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc- thị trường xuất khẩu nông sản hàng đầu của Việt Nam giảm sút.

Bên cạnh đó, ngành du lịch, một động lực tăng trưởng quan trọng của kinh tế Việt Nam cũng rơi cảnh khó khăn. Ông Kenneth Atkinson, Trưởng nhóm công tác du  lịch (Diễn đàn doanh nghiệp thường niên) đánh giá, riêng với thị trường Trung Quốc và Hàn Quốc đã chiếm hơn 50% lượng khách nước ngoài đến Việt Nam. Dịch corona đã khiến lượng khách du lịch đến Việt Nam từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh. Hàng loạt tour du lịch đến Việt Nam bị hủy bỏ.

Các chuyên gia của Khối Phân tích - Công ty CP Chứng khoán VNDIRECT đánh giá, dịch corona sẽ tác động mạnh nhất đến ngành du lịch của Việt Nam. Dựa trên tính toán của ANZ, nếu lượng khách Trung Quốc giảm 75% trong quý 1, GDP sẽ giảm 0,24% so với năm 2019. Trong khi nếu xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong quý 1/2020, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới Trung Quốc cả năm 2020 có thể giảm 0,59% GDP so với năm 2019. 

Lạm phát tăng cao, chứng khoán “bốc hơi”

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1/2020 tăng 1,23% so với tháng 12/2019 và tăng 6,43% so với tháng 1/2019. Đây là mức tăng cao nhất của chỉ số giá tháng 1 trong 7 năm gần đây. Có tới 10/11 nhóm hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng chính tăng giá. Tăng cao nhất là nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống ở mức 2,29%; nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,47%...

“Lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 1/2020 tăng 0,76% so với tháng trước, tăng 3,25% so với cùng kỳ năm trước. Trong tháng 1/2020, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản. Điều này phản ánh biến động lạm phát chung chủ yếu do các yếu tố phi tiền tệ như: giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu, giá một số dịch vụ tăng do nhu cầu cuối năm tăng”, Tổng cục Thống kê cho biết.

Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ Thống kê giá (Tổng cục Thống kê) cho rằng, để đạt mục tiêu lạm phát chỉ ở mức dưới 4% rất khó khăn. CPI năm 2020 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố như giá dịch vụ y tế, dịch vụ giáo dục tăng theo lộ trình trong năm 2020. Tiền lương tối thiểu tăng trong năm 2020…

Một trong những kênh huy động vốn cho nền kinh tế được kỳ vọng là thị trường chứng khoán cũng gặp khó khăn. Trong các phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, chỉ số VN-Index đã giảm hơn 4% xuống vùng dưới 900 điểm. Thậm chí, đà bán tháo của nhà đầu tư đã xuất hiện khiến chỉ số VN-Index trên sàn TPHCM có lúc giảm về mốc 891 điểm. Đây là vùng thấp nhất của chỉ số chứng khoán này từ cuối năm 2017 đến nay. Cùng thời điểm chỉ số VN30 cũng giảm trên 5% với toàn bộ cổ phiếu trong rổ sụt giảm.

Theo đánh giá của VNDIRECT, thị trường chứng khoán chịu ảnh hưởng chủ yếu trong thời gian cao điểm diễn ra dịch.  Ngoài tác động tiêu cực rõ rệt trong ngắn hạn đến các ngành như Hàng không (VJC, HVN), Cảng biển (GMD, VSC), Vận tải biển (VOS, VFR), Bán lẻ (VNM, LTG)…, ngành Thủy sản (ANV, IDI) và Bất động sản (NVL, NDN) có thể chịu ảnh hưởng tiêu cực trong trung hạn. Cổ phiếu thuộc ngành Dược phẩm (DHG, DBD) có thể hưởng lợi trong ngắn hạn.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Nghiên cứu Kinh tế và chính sách, Đại học Quốc gia cho rằng, hiện nay, tâm lý bi quan bao trùm toàn bộ thị trường, khiến thị trường chứng khoán giảm điểm. Có những ngành liên quan thị trường Trung Quốc hay sản phẩm lệ thuộc vào nguyên liệu Trung Quốc như du lịch. Rủi ro tiềm ẩn như ngành hàng không, dịch vụ khác.

“Trong khó khăn vẫn có những nhà đầu tư “lạnh lùng” lựa chọn cổ phiếu tiềm năng, mua vào trong khi giá thấp và chờ tăng giá”, ông Thành cho biết.

Dựa trên tính toán của ANZ, nếu lượng khách Trung Quốc giảm 75% trong quý 1, GDP sẽ giảm 0,24% so với năm 2019. Trong khi nếu xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 20% trong quý 1/2020, thì kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tới Trung Quốc cả năm 2020 có thể giảm 0,59% GDP so với năm 2019.

Nguồn: [Link nguồn]

Áp lực lạm phát tăng, giá USD trên thị trường tự do tăng

Tỷ giá USD/VND trung tâm đang tăng dần đến mốc 23.200 đồng/USD. Đồng thời, tỷ giá trên thị trường tự do và liên ngân...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Minh - Ngọc Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN