Các ngân hàng tăng lãi suất huy động

Sự kiện: Kinh tế toàn cảnh

Lãi suất huy động của nhiều ngân hàng thương mại tiếp tục tăng, góp phần tạo sức ép điều chỉnh lãi suất cho vay

Từ cuối tháng 7-2022 đến nay, nhiều ngân hàng (NH) thương mại tiếp tục điều chỉnh biểu lãi suất huy động theo hướng tăng đáng kể, thậm chí có NH tăng lãi suất tiền gửi hơn 1 điểm % so với trước đó.

Kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm

Theo ghi nhận của Báo Người Lao Động, nếu vài tháng trước, chỉ một số NH thương mại tăng lãi suất huy động ở các kỳ hạn dài, với tần suất điều chỉnh không quá nhiều thì từ cuối tháng 7 đến nay, tiếp tục có thêm nhiều NH thương mại gia nhập làn sóng tăng lãi suất gửi tiết kiệm ở các kỳ hạn như Techcombank, MBBank, ACB, VPBank, HDBank…

Đơn cử như NH TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) tăng lãi suất huy động kỳ hạn từ 7-11 tháng từ 4%/năm lên mức cao nhất 5,55% năm (tùy độ tuổi, số tiền gửi); kỳ hạn từ 13-23 tháng lãi suất tăng lên 5,95%/năm thay vì 4,7%/năm ở biểu lãi suất trước. Hiện mức lãi suất tiền gửi cao nhất tại Techcombank là 6,4%/năm, thay vì 5,4%/năm của biểu lãi suất trước. Như vậy, lãi suất huy động tăng thêm cao nhất tại NH này khoảng 1,2 điểm %.

Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, có thể khiến lãi suất cho vay tăng theo Ảnh: TẤN THẠNH

Nhiều ngân hàng thương mại tăng lãi suất huy động, có thể khiến lãi suất cho vay tăng theo Ảnh: TẤN THẠNH

Ngay cả "ông lớn" là Vietcombank cũng tăng lãi suất tiền gửi ở các kỳ hạn dài lên 5,6%/năm, bằng với các NH thương mại nhà nước khác là BIDV, Agribank và VietinBank…

Báo cáo cập nhật kinh tế vĩ mô tháng 8-2022 của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS) cho thấy trong tháng 8, nhiều NH thương mại đã tăng lãi suất huy động thêm 0,1-0,5 điểm %, tùy kỳ hạn. Theo đó, lãi suất huy động từ đầu năm tới nay đã được nhiều NH điều chỉnh tăng từ 0,8-1 điểm %. Từ nay đến cuối năm, VCBS dự báo xu hướng tăng lãi suất huy động vẫn tiếp diễn, mặt bằng lãi suất huy động dự báo tăng 1-1,5 điểm % cho cả năm nay.

Về phía người gửi tiền, lãi suất huy động tăng lên đã kích thích nhu cầu gửi tiết kiệm nhiều hơn trong bối cảnh các kênh đầu tư khác chưa thật sự hấp dẫn.

Lãi suất cho vay "nhích" theo?

Theo giới chuyên môn, lãi suất huy động tăng đang góp phần tạo sức ép điều chỉnh lãi suất cho vay.

Lãnh đạo một số NH thương mại lý giải việc lãi suất huy động tăng nhằm chuẩn bị nguồn vốn cho vay ngay trong trường hợp NH Nhà nước nới room tín dụng vào cuối năm. Đồng thời, từ đầu năm đến nay, tăng trưởng tín dụng khoảng 9,4% nhưng tăng trưởng huy động vốn chỉ khoảng 4,51% - tốc độ huy động vốn khá thấp - nên lãi suất huy động đẩy lên để kích thích người gửi tiền, bảo đảm thanh khoản.

PGS-TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế, nhận định: "Dù không quá lo ngại cuộc đua tăng lãi suất huy động sẽ tiếp diễn nhưng áp lực điều chỉnh lãi suất cho vay là có. NH Nhà nước đặt mục tiêu phấn đấu ổn định mặt bằng lãi suất hoặc có thể giảm lãi vay từ 0,5%-1%/năm nhưng trong bối cảnh hiện tại là rất khó".

Hiện nay, lãi suất cho vay đã nhích lên ở một số NH thương mại. Thực tế cho thấy nhiều người vay mua nhà đang phải trả lãi suất từ 11%-12%/năm ở các NH thương mại, trong khi không còn các gói tín dụng ưu đãi như trước đây. Một số doanh nghiệp cũng thông tin đã nhận được thông báo tăng lãi suất cho vay, với mức tăng khoảng 0,5 điểm % so với trước.

TS Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng Chính phủ, nhận định: Động thái tăng lãi suất huy động của một số NH thương mại vừa qua có thể nhằm đáp ứng hệ số an toàn vốn (CAR) để tránh việc mất cân đối tỉ lệ huy động vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn. Có điều khi lãi suất đầu vào tăng và room tín dụng hạn chế, các NH thương mại sẽ cân nhắc kỹ hơn việc giải ngân cho khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.

"Lãi suất huy động vẫn tăng trong khi room tín dụng chưa được nới là không có mâu thuẫn. Bởi nửa đầu năm nay, các NH đã đẩy tốc độ cho vay quá nhanh và giờ là lúc phải tái cơ cấu cho vay, tập trung vốn cho sản xuất - kinh doanh thay vì đổ vốn vào bất động sản. Riêng việc tăng lãi suất cho vay, các NH cần cân nhắc việc doanh nghiệp và thị trường có chấp nhận hay không, khi áp lực lạm phát vẫn cao, khó khăn trên thị trường quốc tế vẫn rất lớn" - TS Nguyễn Đức Kiên nhấn mạnh. 

Điều chỉnh phần room tín dụng còn lại

Tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hôm 11-8, Thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết trong bối cảnh lạm phát tăng cao, cần có mức lãi suất phù hợp. Đối với room tín dụng, thời gian sắp tới, NH Nhà nước sẽ rà soát, điều chỉnh nốt phần tăng trưởng của dữ liệu 14% còn lại; tiếp tục theo dõi diễn biến lạm phát để phối hợp với các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ đạt những mục tiêu đề ra.

Nguồn: [Link nguồn]

Tỉnh có chi phí sinh hoạt rẻ nhất nước ta, thu nhập đầu người tăng gần 90 lần so với năm 1992

Tỉnh này có giá sinh hoạt rẻ nhất cả nước, thu nhập trong những năm qua tăng nhanh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo THÁI PHƯƠNG ([Tên nguồn])
Kinh tế toàn cảnh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN