Vàng lao dốc: “Nhà thầu” méo mặt

Hôm nay, giá vàng trong nước “lao dốc” xuống điểm “đen” 41 triệu đồng/lượng. Tham chiếu theo giá thị trường và giá trúng thầu ở 6 phiên đấu thầu vàng trước đó, các “nhà thầu” đang lỗ nặng.

Càng trúng thầu, càng lỗ vốn

Sau khi phiên đấu thầu vàng lần thứ 6 kết thúc, giá vàng ngày hôm sau (13/4) đột ngột lao dốc hơn 1 triệu đồng/lượng quanh mức 41,70 - 42,12 triệu đồng/lượng mua vào – bán ra.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước thông qua việc đấu thầu vàng miếng đã chào bán thành công 158.200/196.000 lượng vàng, tương đương hơn 6 tấn vàng. Qua các phiên đấu thầu, chỉ có 21 đơn vị trúng thầu, trong đó hầu hết là các Ngân hàng thương mại.

Tại phiên đấu thầu đầu tiên, ngày 28/3, lượng vàng chào bán thành công là 2.000/26.000 lượng vàng. Giá trúng thầu 2.000 lượng vàng này là 43,81 triệu đồng, cao hơn giá vàng trong nước thời điểm đó 100.000 đồng /lượng. Điều này lý giải tại sao các đơn vị không mặn mà trả giá.

Từ phiên thứ 2, NHNN đã điều chỉnh giá mời thầu hợp lý hơn so với giá thị trường khiến lượng vàng trúng thầu cao hơn. Theo đó, giá trúng thầu dao động từ 42,97 - 43,35 triệu đồng/lượng.

Tuy nhiên, với giá trúng thầu đó, khi giá vàng lao dốc về mức 42,2 triệu đồng/lượng ngày 13/4, các đơn vị đã lỗ trung bình 1 triệu đồng/lượng. Thế nhưng, theo nhận định của một số chuyên gia, giá vàng có thể phục hồi trong tuần mới này do giá vàng đã xuống đáy.

Vàng lao dốc: “Nhà thầu” méo mặt - 1
Hôm nay (15/4), giá vàng trong nước “lao dốc” xuống điểm “đen” 41 triệu đồng/lượng.

Trái với dự đoán, sáng ngày 15/4, giá vàng tiếp tục lập đáy mới, giảm thêm khoảng 700.000 đồng/lượng và chạm ngưỡng 41 triệu đồng/lượng.

Sau các phiên đấu thầu, NHNN cho biết, lượng vàng miếng trúng thầu của các đơn vị đã được sử dụng để bán ra thị trường và một phần vàng đã được dùng để tất toán số dư vàng huy động của một số tổ chức tín dụng, góp phần giảm áp lực mua vàng trên thị trường của các tổ chức tín dụng. Điều này đồng nghĩa với việc, nếu chưa bán hết lượng vàng trúng thầu trước ngày 15/4, các đơn vị đang lỗ từ 1,3 – 1,7 triệu đồng/lượng.

Qua đấu thầu, các đơn vị đang nhận “quả đắng” lỗ. Trong khi đó, NHNN đánh giá các phiên đấu thầu đã có kết quả như mong đợi: công khai, minh bạch…

Vàng giảm do đấu thầu?

Sáng nay, giá vàng SJC trong nước dao động trong khoảng 41,00 – 41,85 triệu đồng/lượng, giảm gần 2 triệu đồng/lượng so với thời điềm trước khi đấu thầu vàng ngày 28/3. Mức giảm giá này theo đà lao dốc của giá vàng thế giới. Lúc này tại thị trường châu Á, giá vàng đang giao dịch ở mức 1.440,9 USD/ounce, giảm 36,10 USD/ounce tương đương với 36,45 triệu đồng/lượng. Giá vàng đang trên đà rơi thẳng đứng.

Như vậy giá vàng đã có đợt giảm mạnh nhất trong 2 năm trở lại đây và rơi xuống vùng rất thấp. Giá vàng giảm khi gói nới lỏng định lượng của Mỹ rơi vào tình trạng không chắc chắn.

Mục tiêu đấu thầu vàng của NHNN nhằm ổn định giá vàng và cân bằng với giá thế giới. Mặc dù giá vàng trong nước đã giảm sâu nhưng khoảng cách với giá thế giới vẫn còn khá xa, ở mức hơn 5 triệu đồng/lượng bởi giá vàng thế giới cũng liên tục giảm. Điều này cho thấy, việc giá vàng trong nước đi xuống trong thời điểm hiện tại chưa chắc có phải do đấu thầu hay không?

Theo Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối ( NHNN) Nguyễn Quang Huy, để khoảng cách giá vàng nội và ngoại thu hẹp cần có thời gian.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc độc quyền vàng miếng của NHNN có thể dẫn đến tình trạng đầu cơ khiến thị trường méo mó.

Tại hội nghị Tổng kết công tác Chống buôn lậu, gian lận thương mại (Bộ Công thương) ngày 6/4, Thiếu tướng Nguyễn Tiến Lực – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát phòng chống tội phạm (Bộ Công an) cho rằng: việc quy định SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia đã đem lại lợi ích cho Công ty SJC và bất lợicho các thương hiệu vàng miếng khác.

Theo ông Lực, sau khi nhà nước giao doanh nghiệp SJC được dập và kinh doanh vàng miếng là thương hiệu vàng quốc gia, độ chênh lệch giá vàng nội và vàng ngoại ngày càng nới rộng. Không chỉ khiến giá vàng lệch pha nhau, tình trạng vàng nhái SJC, vàng kém chất lượng đã xuất hiện. Vô hình trung, việc độc quyền vàng miếng khiến thị trường vàng thêm rối loạn.

“Từ tháng 7/2012 đến tháng 4/2013, 300 lượng vàng nhái SJC đã bị phát hiện”, ông Lực thông tin.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Trà ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN