Bí chỗ gửi vàng

Các ngân hàng đang giảm mạnh lãi suất huy động vàng, ngừng huy động hoặc thu phí giữ hộ vàng khiến người dân khó khăn, không biết gửi vàng ở đâu

Nhu cầu gửi vàng để sinh lời và an toàn của người dân là rất lớn khi thống kê cho thấy lượng vàng trong dân vào khoảng 500 tấn. Tuy nhiên, các ngân hàng (NH) hiện đang hạn chế huy động vàng theo yêu cầu của NH Nhà nước.

Ngân hàng “chê” vàng

Trái với cảnh nhộn nhịp chạy đua mời khách gửi vàng, giữ chân khách hàng bằng lãi suất cao như trước, hiện nhiều NH đã ngưng huy động hoặc thu phí giữ hộ vàng. Chị Loan, nhà ở quận 2 - TPHCM, cho biết cách đây vài ngày, chị đến nhiều NH để gửi 6 chỉ vàng nhưng không nơi nào nhận. Tại Chi nhánh NH Á Châu (ACB) nằm trên đường Nguyễn Thị Định, quận 2, chị Loan khá bất ngờ khi biết NH này đã ngừng huy động vàng với số lượng dưới 1 lượng, dù trước đó lãi suất gửi vàng lên tới 3%/năm. Đối với khách hàng gửi từ 1 lượng vàng trở lên, lãi suất áp dụng khá thấp, chỉ còn 1%/năm kỳ hạn từ 1 đến 3 tháng.

Tại Chi nhánh NH Đông Á trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, nhân viên giao dịch cho biết NH đã có lệnh không nhận gửi vàng. Nếu khách hàng có nhu cầu, NH sẽ giữ hộ và phải đóng phí giữ hộ 0,05% số vàng gửi. Tại NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank), lãi suất gửi vàng kỳ hạn từ 1-3 tháng là 0,8%/năm đối với số vàng dưới 10 lượng; từ 10 lượng trở lên kỳ hạn 1-3 tháng cũng chỉ 1%/năm. Tại NH Nam Á, lãi suất huy động vàng 4%/năm trước đây đã giảm xuống chỉ còn từ 1,1% đến 1,2%/năm kỳ hạn từ 1 đến 6 tháng, khách hàng không được phép rút trước hạn. Hiện lãi suất huy động vàng cao nhất được ghi nhận tại NH TMCP Sài Gòn (SCB) cũng chỉ 2,2%/năm kỳ hạn 6 tháng đến 11 tháng.

Khách hàng khó tìm được nơi gửi vàng do mới đây, NH Nhà nước đã có công văn yêu cầu các NH thương mại thực hiện nghiêm lộ trình ngừng huy động vàng. Các tổ chức tín dụng chỉ phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng với khối lượng cần thiết để đáp ứng nhu cầu chi trả theo yêu cầu của khách hàng khi số vàng thu nợ và tồn quỹ không đủ chi trả. Theo Phó Tổng Giám đốc ACB Nguyễn Thanh Toại, các NH phải chấp hành quy định và buộc phải điều chỉnh giảm lãi suất vàng, dù trên thực tế, nhu cầu gửi vàng của người dân vẫn rất lớn.

Bí chỗ gửi vàng - 1

Với lượng vàng lớn ở trong dân, khách hàng không biết tìm chỗ gửi khi các ngân hàng ngưng huy động vàng.

Tiện quản lý, khó cho dân

Việc các NH nhanh chóng giảm lãi suất vàng khi NH Nhà nước yêu cầu là khá “lạ”. Cuối tháng 4-2011, NH Nhà nước ra Thông tư 11 yêu cầu các NH thương mại ngừng huy động và cho vay bằng vàng. Các nghiệp vụ ủy thác đầu tư, các hình thức cấp tín dụng khác bằng vàng cũng bị cấm từ ngày 1-5-2011. NH chỉ được phát hành chứng chỉ ngắn hạn bằng vàng cho đến ngày 1-5-2012. Sát ngày áp dụng, một cuộc đua đẩy lãi suất vàng tăng cao rồi đón đầu “lách” luật qua hình thức chuyển từ gửi vàng tiết kiệm sang giữ hộ vàng khá rầm rộ. Lợi tức giữ hộ vàng tăng vùn vụt lên gần 4%/năm, tương đương với lãi suất gửi vàng tiết kiệm. Thị trường vàng trở nên méo mó.

Trước tình hình này, cuối tháng 4-2012, NH Nhà nước ra tiếp Thông tư 12 sửa đổi Thông tư 11, cho phép các NH thương mại được huy động vàng đến ngày 25-11-2012. “Việc tuân thủ quy định là một trong những cơ sở để xem xét cấp giấy phép kinh doanh mua bán vàng miếng cho các tổ chức tín dụng” - NH Nhà nước khẳng định trong thông tư. Với yêu cầu này, tình trạng lộn xộn trên trong việc huy động vàng tại các NH đã được lặp lại nhưng người dân lại gặp khó khăn trong việc gửi vàng, nhất là khi lãi suất vàng không còn hấp dẫn.

Theo TS Cao Sĩ Kiêm, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, NH Nhà nước cần nhanh chóng đưa ra đề án huy động vàng để tận dụng nguồn lực này phục vụ nền kinh tế. Đề án được đánh giá rất tốt nhưng đến nay vẫn chưa thấy “hình hài” khi NH Nhà nước đang xem xét phương án huy động an toàn, hiệu quả và phải tính toán bảo đảm quyền lợi của NH, khách hàng cùng những rủi ro có thể gặp phải.

Về việc này, chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Trí Hiếu nói: “Người dân muốn gửi vàng nhưng không biết gửi ở đâu. Điều này tạo ra một “lỗ hổng” lưu thông trên thị trường mà NH Nhà nước phải “trám” ngay”.

Cần thiết có đề án huy động vàng

Theo TS Lê Xuân Nghĩa, nguyên phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, việc triển khai đề án huy động vàng là rất cần thiết. Tuy nhiên, cần xem xét kỹ lưỡng để đề án ra đời phải đáp ứng được 3 yêu cầu: nhu cầu gửi vàng của người dân, chuyển vốn vàng thành tiền đồng và cho phép các NH kinh doanh vàng qua tài khoản quốc tế để cân đối.

Nếu giải quyết được các vấn đề trên, các NH sẽ huy động vàng và biến nguồn vàng này thành tiền dùng một phần cho doanh nghiệp vay vốn để sản xuất vàng trang sức, một phần bán cho NH Nhà nước để khi cần có thể mua lại.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Thái Phương (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN