Từ hôm nay 1/1/2018 phát hành, sử dụng tiền ảo Bitcoin sẽ bị truy cứu hình sự

Sự kiện: Tiền điện tử

Từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp, bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam; việc phát hành, cung ứng, sử dụng bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm tại Việt Nam.

Từ hôm nay 1/1/2018 phát hành, sử dụng tiền ảo Bitcoin sẽ bị truy cứu hình sự - 1

Về chế tài xử lý vi phạm, theo quy định tại khoản 6 Điều 27 Nghị định 96/2014/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính ở mức phạt tiền từ 150 triệu đến 200 triệu đồng.

Đồng thời, từ ngày 01/01/2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 206 Bộ luật Hình sự 2015 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Bitcoin ra đời từ năm 2008, bắt đầu được giao dịch trên sàn Mt.Gox - sàn giao dịch Bitcoin lớn nhất thế giới vào tháng 6/2010, đến năm 2013 được sử dụng trên cả phương diện thanh toán, giao dịch hàng hóa và tài sản đầu tư tại nhiều quốc gia.

Người sáng lập Bitcoin đã viết ra những thuật toán mật mã cao cấp mà nền tảng của nó là một mã nguồn mở. Bất cứ ai hiểu về lập trình cũng có thể tham gia "đào Bitcoin" bằng cách dùng hệ thống máy tính để giải các thuật toán ngày một phức tạp. Không có một ngân hàng trung ương nào, kể cả người đã tạo ra nó có thể quản lý Bitcoin.

Giá Bitcoin đã tăng chóng mặt trong năm 2017. Ngày 1/1/2017, giá mỗi đồng Bitcoin là 970 USD. Gần 12 tháng sau, mỗi đồng tiền này xác lập mức đỉnh 20.000 USD. Trước sự tăng nóng của đồng tiền ảo này, không chỉ trên thế giới mà nhiều người tại Việt Nam cũng bị cuốn vào. Không ít người sẵn sàng vay tiền để đầu tư Bitcoin, và số khác thì đua nhau mua máy đào.

Mới đây, Cục Hải quan TP HCM cho biết, tính đến cuối tháng 10/2017 đã tiếp nhận 98 tờ khai nhập khẩu 1.478 bộ máy xử lý dữ liệu tự động giải mã Bitcoin và Litecoin tại Chi cục hải quan Chuyển phát nhanh.

Theo Cục Hải quan TP HCM, máy xử lý dữ liệu tự động không thuộc danh mục cấm hoặc tạm ngừng xuất nhập khẩu theo Nghị định về hoạt động mua bán hàng hoá quốc tế, nhưng việc phát hành và sử dụng các đồng tiền ảo lại chưa được pháp luật Việt Nam công nhận. Do đó, đơn vị này đã báo cáo Tổng cục để xin ý kiến chỉ đạo khi tình trạng nhập khẩu mặt hàng này tăng nhanh trong vài tháng trở lại đây và có khả năng gây nhiều hệ lụy.

Bitcoin mang tính ẩn danh cao nên dễ trở thành công cụ cho các tội phạm như rửa tiền, mua bán ma túy, trốn thuế… mà họ sử dụng. Rủi ro thứ hai, đồng tiền ảo này được sử dụng dưới hình thức kỹ thuật số nên dễ bị tấn công, dễ bị ngừng giao dịch, đánh cắp dữ liệu. Thứ ba là giá trị đồng tiền này biến động rất mạnh, rất phức tạp trong thời gian ngắn. Bitcoin không bị chi phối và kiểm soát giao dịch bởi cơ quan quản lý nhà nước nào, do đó, người sở hữu Bitcoin sẽ chịu toàn bộ rủi ro vì không có cơ chế bảo vệ quyền lợi.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thùy (Infonet)
Tiền điện tử Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN