Thu hồi đất rất dễ bị lợi dụng!

Cùng với việc sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Quốc hội đang đồng thời tiến hành sửa đổi Luật Đất đai, trên quan điểm dự án Luật Đất đai (sửa đổi) phải bám sát các dự kiến sửa đổi Hiến pháp nội dung về đất đai.

Một trong những vấn đề lớn đang nổi lên trong dự thảo sửa đổi Luật Đất đai, cũng như trong các dự kiến sửa đổi Hiến pháp nội dung về đất đai, theo ý kiến từ đông đảo giới chuyên gia, là các quy định về thu hồi đất nếu không thận trọng sẽ bị lợi dụng làm méo mó chính sách.

Phó trưởng đoàn Quốc hội Tp.HCM, TS. Trần Du Lịch, có phân tích về khoản 3, điều 58 về thu hồi đất mâu thuẫn với khoản 2, điều 58 trong dự thảo Hiến pháp. Theo quy định tại khoản 2: tổ chức, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất để sử dụng ổn định lâu dài hoặc có thời hạn. Người sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ, bồi bổ, khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm, đúng mục đích; được chuyển quyền sử dụng đất, thực hiện các nghĩa vụ liên quan theo quy định của luật. Khoản 2 cũng khẳng định rõ: quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật bảo hộ.

Thu hồi đất rất dễ bị lợi dụng! - 1

Tuy nhiên, đến khoản 3 lại quy định: Nhà nước thu hồi đất do tổ chức, cá nhân sử dụng có bồi thường theo quy định của pháp luật trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Nếu quy định quyền sử dụng đất là quyền tài sản được pháp luật dân sự bảo hộ thì làm sao có thể thu hồi tài sản của người dân được? Mặt khác, trước đây, quy định rất rõ chỉ trong các trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh thì Nhà nước mới tiến hành trưng mua, trưng dụng. Nhưng đến dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này thì đã mở rộng thêm các trường hợp Nhà nước thu hồi đất, gồm: vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và các dự án phát triển kinh tế - xã hội.

“Theo tôi, quy định các trường hợp vì lý do quốc phòng, an ninh hoặc vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là đủ, bổ sung các dự án phát triển kinh tế - xã hội là không cần thiết. Bởi lẽ, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là bao trùm. Nếu phát triển đô thị, phát triển các khu công nghiệp... thì cũng đều phải vì lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng chứ không thể vì lợi ích nào khác cả. Việc thêm trường hợp thu hồi đất vì các dự án phát triển kinh tế - xã hội rất dễ bị lợi dụng và làm méo mó chính sách, pháp luật của Nhà nước...”, ông Lịch nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Phạm Văn Võ (Đại học Luật Tp.HCM) đề nghị bỏ trường hợp thu hồi đất cho mục đích “phát triển kinh tế”. Theo TS. Võ, dưới sức ép của giới doanh nghiệp, Nghị định 84 được ban hành hồi năm 2007 đã bổ sung rất nhiều trường hợp thu hồi đất với mục tiêu “phát triển kinh tế” và nghị định này gần như đã làm vô hiệu hóa quy định Nhà nước chỉ thu hồi đất cho dự án lớn phát triển kinh tế của Quốc hội mà Luật Đất đai 2003 đã quy định.

“Để khắc phục hạn chế này, dự thảo Luật Đất đai nên quy định rõ thu hồi đất để sử dụng vào mục đích lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng là thu hồi đất để sử dụng vào mục đích chung, phi lợi nhuận. Mọi trường hợp sử dụng đất vào mục đích kinh doanh đều coi là sử dụng đất vào mục tiêu phát triển kinh tế”, ông Võ nêu quan điểm.

Phó trưởng đoàn Quốc hội thành phố Hải Phòng, ông Trần Ngọc Vinh nhắc lại thực tế những năm qua, để phục vụ mục đích phát triển kinh tế, Chính phủ đã thu hồi quá nhiều đất để xây dựng nhà máy, khu công nghiệp, khu du lịch, sân golf và một số các dự án khác. Song sau đó vì nhiều lý do khác nhau một số dự án để lại hoang hóa, lãng phí đất đai trong khi người nông dân không có đất để canh tác dẫn đến đời sống gặp khó khăn, gây bức xúc trong nhân dân là nguyên nhân của tình trạng khiếu kiện về đất đai kéo dài.

“Đất đai cũng là một tài sản hàng hóa và quy định của Hiến pháp hiện hành cũng đã quy định, không thể dùng biện pháp thu hồi mà chỉ sử dụng cơ chế trưng mua hoặc trưng dụng trong trường hợp thật cần thiết. Để đảm bảo tính hợp hiến, theo tôi, dự thảo luật sửa đổi lần này nên quy định, Nhà nước chỉ thu hồi đất trong trường hợp thật cần thiết vì mục đích quốc phòng an ninh và phục vụ các dự án vì lợi ích công cộng. Trường hợp sử dụng đất vào mục đích phát triển kinh tế - xã hội như xây dựng cơ sở hạ tầng cho các khu kinh tế, khu công nghệ cao, khu công nghiệp, dịch vụ, các dự án 100% vốn nước ngoài, các dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức ODA thì chúng ta sử dụng cơ chế trưng mua, trưng dụng. Có như vậy mới đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, doanh nghiệp và người dân có đất”, ông Vinh nói.

Ủy viên Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, ông Huỳnh Thành nhận xét: “Cần nghiên cứu cân nhắc kỹ về vấn đề thu hồi đất. Vì vừa qua việc thu hồi đất bằng các quyết định hành chính của cơ quan nhà nước xem như là một hình thức kỷ luật đối với người sử dụng đất. Thực chất người sử dụng đất không vi phạm mà vẫn bị thu hồi!”.

Ông Thành kiến nghị, để đảm bảo quyền bình đẳng của người bị thu hồi đất và nên áp dụng cơ chế thu hồi bằng cơ chế trưng mua và trưng dụng. Nếu làm được việc này, sẽ tránh được tâm lý không đồng thuận trong nhân dân.

Nhìn nhận về các kiến nghị bỏ nội dung thu hồi đất vì mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội là “hợp lý”, Phó chủ tịch Ủy ban sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Uông Chu Lưu cho rằng: “Đây là ý kiến chúng tôi cần phải ghi nhận để xem xét khi trình ra Quốc hội để Quốc hội quyết định”. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đoàn Trần (Vneconomy)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN