Tan giấc mộng làm giàu nhờ taxi công nghệ 4.0

Sự kiện: Kinh Doanh

Nhiều tài xế taxi công nghệ đang “sốt xình xịch” vì taxi công nghệ không chỉ bị đánh thuế tăng, giờ lại cộng thêm chuyện gắn “mào” khiến họ sẽ mất những vị khách thân quen của mình. Trong khi đó, không ít tài xế đã phải vay ngân hàng để mua xe ô tô làm taxi công nghệ với hi vọng “đổi đời”, nay đang dần “vỡ mộng” khi liên tục phải bù lỗ, gánh các khoản nợ chồng chất.

Tan giấc mộng làm giàu nhờ taxi công nghệ 4.0 - 1

Hiện nay mỗi ngày vẫn có cả trăm lượt lái xe đăng kí với công ty ứng dụng phần mềm gọi xe Grab với “giấc mộng đổi đời”. Ảnh minh họa

Nhiều tài xế chọn phương án bán xe cắt lỗ

Mấy tháng gần đây, anh Phạm Hồng Thảo ở khu đô thị Nam Trung Yên (quận Cầu Giấy, Hà Nội) đang “đứng ngồi không yên” vì món nợ vay đầu tư ôtô chạy Grab. Tháng 10/2015 chứng kiến cảnh bạn bè kiếm vài chục triệu đồng/tháng từ việc tham gia ứng dụng chia sẻ hành trình Uber, anh Thảo nghỉ việc tại một công ty thiết kế phần mềm, về vay vốn bên ngoài để đầu tư xe.

Theo anh Thảo tính toán chỉ cần trên 1 năm, anh có thể thu hồi vốn và có lời. Thế nhưng, anh sớm vỡ mộng vì nguồn thu không như ý, thay vì thu nhập từ 30- 40 triệu đồng/tháng như các hãng taxi công nghệ quảng cáo, bình quân thu nhập thực tế của anh là 10-15 triệu đồng/tháng sau khi trừ hết các chi phí thì chỉ đảm bảo chi tiêu cuộc sống hàng ngày và trả lãi ngân hàng.

Cuối năm 2015, anh Hà Huy Thành, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội đã vay mượn từ bạn bè và ngân hàng gần 700 triệu đồng để đầu tư 2 xe huyndai I10 chạy Grab. Anh Thành cho biết sau khoảng thời gian đầu “ngọt ngào” với thu nhập hấp dẫn từ chính sách thưởng và hỗ trợ cao từ công ty Grab. Thế nhưng từ tháng 3 trở lại đây với việc công ty Grab mua lại toàn bộ cổ phần của công ty cạnh tranh trực tiếp là Uber thì việc kinh doanh chạy Grab thực sự đi xuống. Lợi nhuận từ kinh doanh xe không còn hấp dẫn do sự cắt giảm thưởng và hỗ trợ từ phía công ty, ngoài khoản chiết khấu lên đến 23,6% doanh thu cho những tài khoản đăng kí trước năm 2015, thì các lái xe hiện nay phải chịu thêm khoản thuế thu nhập cá nhân là 5%. Việc kinh doanh bị sụt giảm, chi phí lại tăng đang khiến anh Thành thấy bế tắc.

Cũng trong cảnh khóc dở mếu dở, anh Đặng Thanh Quang- lái xe công nghệ Grab từ những năm đầu 2016 chua chát chia sẻ: "Không còn giai đoạn “hoàng kim” nữa, làm việc 10-12 giờ/ngày thu nhập của tôi cũng chỉ đạt 1-1,2 triệu/ngày. Trong khi tiền xăng hết gần 400.000 đồng và chiết khấu cho tổng đài grab là 28,6 % và phải gánh thêm 5% “thuế thân”, số còn lại chẳng là bao. Quá áp lực về việc trả nợ ngân hàng, tôi quyết định bán xe cắt lỗ nặng. Nhiều lái xe như tôi cũng phải chọn phương án như vậy”.

Tiềm ẩn rủi ro nhưng vẫn hút tài xế?

Tan giấc mộng làm giàu nhờ taxi công nghệ 4.0 - 2

Lái xe taxi công nghệ Hà Hoàng Linh ở quận Đống Đa phải tranh thủ thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi để ăn trưa trong lúc chờ khách. Ảnh: N.H

Tìm hiểu sơ bộ hiện nay trên thị trường taxi công nghệ có các phần mềm gọi xe như Xelo, Tnet, VaTO nhưng Grab hiện vẫn đang giữ vững vị trí độc tôn với hơn 90% thị phần khách hàng, Theo chia sẻ của đa phần lái xe taxi công nghệ đều cho rằng sự quản lý giữa bên cung ứng công ty phần mềm Grab với các lái xe được xem là đối tác vẫn còn nhiều lỗ hổng. Sự kiện các lái xe biểu tình ngày 25/01 phản đối chính sách tăng chiết khấu của hãng taxi công nghệ là một điển hình. Bên cạnh đó những khúc mắc, hay sự cố phát sinh của hành khách khi tham gia sử dụng phần mềm gọi xe trên chưa được xử lý triệt để dẫn đến nhiều tình trạng thất lạc đồ đạc, tranh cãi giữa lái xe và khách hàng là điều không hiếm gặp.

Hiện nay với “chiêu bài” quảng cáo thu nhập lên đến 35-40 triệu đồng/tháng và chỉ tranh thủ trong thời gian nhàn rỗi khiến nhiều người vẫn đổ xô đi mua xe dẫn đến sự quá tải taxi công nghệ… khiến không ít người đối mặt với thua lỗ, nợ xấu...

Điểm đặc biệt cho các lái xe công nghệ khi đã trở thành đối tác của các công ty cung ứng phần mềm như Grab sẽ chịu nhiều trói buộc như: nghe điện thoại trong lúc lái xe; không cài dây an toàn; có hành vi không chuẩn mực với khách hàng sẽ bị khóa tài khoản hoạt động từ 3-7 ngày hoặc ngưng hợp tác vĩnh viễn… cũng gây không ít khó khăn cho tài xế.

Chưa kể, Bộ GTVT hiện đang lấy ý kiến dự thảo lần 4 Nghị định 86 về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Điểm đáng chú ý trong dự thảo lần này là nhiều quy định áp dụng với các loại xe sử dụng hợp đồng điện tử, tính tiền thông qua phần mềm (xe Grab), có nội dung giống như taxi truyền thống.

Theo đó, xe hợp đồng điện tử phải có phù hiệu “xe taxi” gắn trên kính xe, niêm yết đầy đủ các thông tin theo quy định, có hộp đèn với chữ "taxi điện tử " gắn cố định trên nóc xe. Như vậy lúc đó taxi công nghệ sẽ không có điểm ưu biệt so với taxi truyền thống khi giá thành và chất lượng như nhau, phân khúc thị phần gọi xe sẽ bão hòa, “miếng bánh” sẽ chia đều và lượng lái xe taxi công nghệ sẽ sụt giảm do nhiều người chỉ tranh thủ lúc nhàn rỗi, và số còn lại sẽ phải cạnh tranh bình đẳng với taxi truyền thống, nhiều người đầu tư xe sẽ phải lao đao, gặp khó.

Bình luận về việc này, anh Nguyễn Văn Bình, lái taxi công nghệ chia sẻ: “Bình thường nhiều người chọn taxi công nghệ để ngoại giao nhưng nếu gắn “mào” nhiều khách quen sẽ không chọn chúng tôi nữa. Liên tiếp gặp nhiều khó khăn đang khiến anh em trong nghề nản lòng. Thậm chí, rất nhiều đồng nghiệp của tôi đã bỏ nghề trước khi quy định taxi công nghệ gắn “mào” đi vào thực tế. Vì hiện tại với những quy định của hãng đưa ra anh em taxi đã gặp khó rồi”.

Từ những khó khăn phân tích nói trên, có thể thấy lái xe công nghệ phải đứng trước hai con đường: một là phải bán xe chịu lỗ, hai là phải tham gia vào các hãng taxi truyền thống đang dần bão hòa trong khi các khoản nợ của ngân hàng vẫn phải giải quyết. Điều này sẽ gây ra những hệ quả khôn lường, nhất là những đối tượng mua xe trả góp với các ngân hàng.

Rõ ràng đây đang là hồi chuông cảnh tỉnh cho những người có ý định mua xe ôtô để kinh doanh taxi công nghệ trong bối cảnh thị trường gọi xe đang ngày càng bão hòa. Cơ quan bảo vệ quyền lợi của các lái xe dưới cái tên gọi mỹ miều là “đối tác” còn chưa có, trong khi hằng ngày vẫn còn hàng trăm lượt người ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM vẫn ồ ạt đăng kí tham gia để trở thành “ đối tác” của các hãng taxi công nghệ. Quả là không dễ để tài xế làm giàu với taxi công nghệ 4.0!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyễn Hiếu ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN