"Siêu ủy ban" quản vốn doanh nghiệp nhà nước ra sao?

Sự kiện: Kinh Doanh

Ðến nay, phương thức hoạt động của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (được gọi là “siêu ủy ban”) cơ bản được hoàn thiện chỉ chờ ngày thông qua. Song nhiều ý kiến còn tỏ ra băn khoăn liệu siêu ủy ban quản lý vốn cho đạt được hiệu quả cao hơn?

Quản 1,5 triệu tỷ đồng

Siêu ủy ban này trực thuộc Chính phủ, được thành lập vào tháng 2/2018 do ông Nguyễn Hoàng Anh làm Chủ tịch. Tuy nhiên, dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ cơ cấu chưa được ban hành. Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế trung ương (cơ quan soạn thảo), Bộ KH&ÐT đã có tờ trình nghị định và chờ Chính phủ phê duyệt.

Theo dự thảo nghị định này, danh sách các “ông lớn” sẽ được chuyển giao về ủy ban, giảm cả về số lượng và số vốn so với trước đó. Cụ thể, dự kiến siêu ủy ban sẽ có 20 doanh nghiệp nhà nước (DNNN) lớn. Tổng trị giá vốn chủ sở hữu nhà nước của các DN này trên 821 nghìn tỷ đồng, tổng trị giá tài sản trên 1,5 triệu tỷ đồng. Số vốn này tương đương 50% giá trị vốn chủ sở hữu nhà nước và tổng giá trị tài sản của khu vực DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Ðại diện Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) cho biết, số vốn 5,4 triệu tỷ đồng là số ước tính toàn bộ vốn của DNNN do Tổng cục Thống kê công bố. Sau khi rà soát, CIEM đưa ra con số chính thức 1,5 triệu tỷ đồng dựa trên  báo cáo đầy đủ của bộ, ngành và DN. Số vốn này tương đương 50% giá trị vốn chủ nhà nước và tổng giá trị tài sản của khu vực DN do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Siêu uỷ ban sẽ gồm 7 đơn vị chuyên môn gồm: Vụ Nông nghiệp, Vụ Công nghiệp, Vụ Năng lượng, Vụ Công nghệ và hạ tầng, Vụ Tổng hợp, Vụ Pháp chế, kiểm soát nội bộ, Vụ Tổ chức cán bộ; Văn phòng và Trung tâm thông tin. Con số này giảm 3 đơn vị so với dự thảo trước đó.

Sau khi dự thảo nghị định về quản lý vốn được ban hành, trong vòng 90 ngày, các bộ có liên quan và ủy ban hoàn thành ký Biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại các DNNN có tên trong danh sách.

Theo Bộ KH&ÐT, để việc chuyển giao các DNNN về “siêu ủy ban” thuận lợi, dự thảo nghị định quy định những nội dung quản lý thuộc chức năng “chủ sở hữu” do cơ quan đại diện chủ sở hữu thực hiện. Siêu ủy ban chỉ thực hiện chức năng chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp.

"Siêu ủy ban" quản vốn doanh nghiệp nhà nước ra sao? - 1

20 DNNN gồm các tập đoàn, tổng công ty sẽ sớm về với siêu ủy ban. Ảnh: Như Ý.

Thẩm quyền phải lớn hơn

Với quyền lực lớn, siêu ủy ban sẽ quản lý vốn nhà nước tại các DN như thế nào? Ông Nguyễn Ðình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, để kiểm soát tốt nguồn vốn nhà nước tại các DN NN trực thuộc, các giải pháp công nghệ thông tin sẽ được áp dụng triệt để trong vận hành siêu ủy ban. Theo đó, siêu ủy ban đang xây dựng hệ thống cổng thông tin và sẽ quản lý DN trên cơ sở các bộ chỉ số. Việc tiếp cận DN sẽ dựa trên 3 yếu tố, gồm: Mô hình công nghệ thông tin; cơ sở dữ liệu trực tuyến và giám sát, quản lý DN thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu. Từ đó, ủy ban này sẽ có cơ sở tham mưu cho Chính phủ cách quản lý vốn hiệu quả nhất.

Dự kiến, số lượng DNNN chuyển giao về siêu ủy ban có cùng bộ chỉ số chung và chia nhỏ thành 4 nhóm với từng bộ chỉ số riêng. Việc áp dụng bộ chỉ số nhằm kết nối, giám sát và theo dõi trực tiếp hoạt động của DN để nắm việc tăng giảm giá trị vốn nhà nước, tổng tài sản, tổng vốn chủ sở hữu, đóng góp ngân sách, năng suất lao động, tiền lương…

Theo ông Cung, thành lập siêu ủy ban, xây dựng hệ thống thông tin giám sát hiện đại để quản lý vốn là bước tiến lớn, nhưng để làm được điều này phụ thuộc vào việc DN có nhập dữ liệu để đánh giá hay không. “Thẩm quyền của ủy ban này phải mạnh hơn, vừa phải có “củ cà rốt” và cả “cây gậy” mạnh thì mới thực hiện được. Nếu không tạo những điều kiện, công cụ, quyền lực, nhân lực và động lực thì sẽ có những hạn chế và sẽ không đạt được kỳ vọng”, ông Cung nhấn mạnh.

Danh sách dự kiến 20 DNNN chuyển về “siêu ủy ban” gồm: SCIC, Cty mẹ của các tập đoàn: Xăng dầu Việt Nam, Hoá chất Việt Nam; Dầu khí Việt Nam; Công nghiệp cao su Việt Nam; Than khoáng sản Việt Nam; Bưu chính Viễn thông Việt Nam; Tổng Cty Viễn thông VTC; Mobifone, Tổng Cty thuốc lá Việt Nam; Tổng Cty hàng không Việt Nam; Tổng Cty Hàng hải Việt Nam; Tổng Cty đường sắt Việt Nam; Tổng Cty đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam; Tổng Cty Cà phê Việt Nam; Tổng Cty lương thực miền Nam, Tổng Cty lương thực miền Bắc, Tổng Cty lâm nghiệp Việt Nam.

Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước - ông Nguyễn Hoàng Anh cho hay: thực hiện chỉ đạo của Chính phủ là ứng dụng CMCN 4.0 vào quản lý doanh nghiệp, hiện siêu ủy ban đã đi vào thực hiện liên kết với doanh nghiệp và Chính phủ điện tử.           

K.Huyền

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN