Doanh nghiệp kêu ức chế vì bị “hắt hủi”

Sự kiện: Kinh Doanh

Đại diện giới doanh nghiệp đã 2 lần nói về cảm giác “ức chế” khi không được các cơ quan hỏi ý kiến trong các dự thảo sửa đổi cắt giảm thủ tục hành chính. Thậm chí, đại diện các đơn vị còn cảnh báo: Ức chế nhiều lần sẽ làm mất niềm tin.

Đây là ý kiến được nêu lên tại Hội nghị Thúc đẩy cơ chế một cửa quốc gia, cơ chế một cửa Asean và tạo thuận lợi thương mại sáng 24/7.

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) chỉ ra vấn đề, trong cắt giảm các thủ tục kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu, doanh nghiệp đang rất tích cực.

Bằng chứng là, doanh nghiệp chủ động tham gia trong ban soạn thảo góp ý khi được mời hoặc thậm chí, dự thảo không được gửi đến, doanh nghiệp vẫn “mò” trên các trạng mạng để xem. Thế nhưng, phía ngược lại, ông cảm nhận, nhiều nơi vẫn ngại tham khảo ý kiến của doanh nghiệp.

Vị này bày tỏ mong muốn các cơ quan chức năng coi doanh nghiệp là đối tác hơn là đối tượng để cùng chung tay thực hiện mục tiêu của Chính phủ.

Ông Nam cũng bày tỏ nguyện vọng kiến nghị của doanh nghiệp được giải quyết nhanh hơn. Theo ông, các bộ “vẫn có kế hoạch” giải quyết kiến nghị nhưng chậm trong khi doanh nghiệp hàng ngày vẫn phải xuất nhập khẩu, không ngừng được. “Chi phí thời gian là vàng, là tiền” ông Nam nêu vấn đề .

Doanh nghiệp kêu ức chế vì bị “hắt hủi” - 1

Hình minh họa

Từ góc nhìn khác, ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thừa nhận, một số cải cách được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao, mà thậm chí có thể mừng rơi nước mắt vì bao nhiêu năm khổ đã được thay đổi.

Thế nhưng, vấn đề là việc cắt giảm danh mục hành hóa trong diện kiểm tra chuyên ngành có khi chỉ được thực hiện với nhóm có ít mặt hàng. Trong khi ấy, nhóm có nhiều mặt hàng thì lại không được cắt giảm.

“Nhiều khi báo cáo bộ, ngành cắt giảm lớn nhưng chưa chắc đã đạt được mục tiêu” ông Cung cảnh báo.

Chưa kể, theo ông Cung, tình trạng một mặt hàng kiểm tra 2-3 bộ vẫn chiếm hơn 50%. Tương tự, trong 1 bộ, một mặt hàng đó có thể phải sự kiểm tra của 2-3 cục. 

Ông Cung đưa ra thống kê, hiện có khoảng 350 văn bản liên quan tới kiểm tra chuyên ngành trong đó ngành nông nghiệp nhiều nhất với khoảng 100 văn bản. 

“Khi yêu cầu các bộ sửa thông tư liên quan thì các bộ nói là không đổi được quy định ở luật. Nhưng họ lại không kiến nghị sửa luật” ông Cung nói.

Từ đó, vấn đề theo ông là không nên chỉ dừng lại ở rà soát các thủ tục để cắt giảm như bấy lâu này mà cần có giải pháp cụ thể, có thể là sửa ngay từ luật. Tuy vậy, ông cũng cho rằng, với một số thông tư doanh nghiệp kêu ca lâu nay như kiểm dịch động vật, thực vật thì nên xem xét sửa ngay.

Lắng nghe những ý kiến này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các cơ quan phấn đầu để hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành xuống dưới 15% tổng lượng hàng hóa. Hiện tại, tỷ lệ này đang là 19,4%.

Thủ tướng yêu cầu chấm dứt ngay tình trạng có danh mục hàng hóa trong diện kiểm tra chuyên ngành nhưng không quy định rõ về tiêu chuẩn, quy chuẩn. 

Vấn đề được Thủ tướng lưu ý là “nói nhiều nhưng các bộ không hành động, vẫn tiêu cực thì không thể thuận lợi được”. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng,vẫn có tình trạng doanh nghiệp phải đi lại mât nhiều thời gian và chậm trễ.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành phải tiếp tục rà soát các văn bản pháp quy,cùng chugn tay để tạo thuận lợi thương mại nhưng vẫn kiểm soát chống gian lận.

Theo Thủ tướng, Việt Nam phải là nơi để quan khách quốc tế, người dân, nhà đầu tư, khách du lịch có môi trường tốt nhất, thuận lợi nhất, “mọi người thấy thoải mái, thuận lợi như về nhà mình”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN