Sếp VAMC "phát sốt" vì nợ xấu bất động sản

Dù không tiết lộ con số cụ thể của bất động sản chiếm bao nhiêu trong tổng số gần 3 tỷ USD nợ xấu mà VAMC đã “gom” được, nhưng tại Hội thảo “Bất động sản Việt Nam 20 năm nhìn lại – 2 năm hướng tới” mới đây, Tổng giám đốc VAMC Nguyễn Hữu Thủy cho hay: Hiện VAMC đang có khá nhiều khu đất nhưng nó lại nằm ở những vị trí không thể kết nối được với xung quanh, kể cả ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

“Không biết Bộ Xây dựng có tính đến phương án điều chỉnh quy hoạch như thế nào để cho những khu đất dạng lởm chởm không còn là đất nông nghiệp, cũng không phải khu công nghiệp để có thể sử dụng được nhằm thu hút đầu tư?”, ông Thủy đặt câu hỏi.  

Sếp VAMC "phát sốt" vì nợ xấu bất động sản - 1

Tại Mê Linh (Hà Nội) rất nhiều dự án hiện vẫn bỏ hoang, cỏ mọc xanh ngút ngàn. Ảnh: Nguyễn Lê

Trước vấn đề đó, ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục Quản lý nhà và (Bộ Xây dựng) lý giải:  Việc tồn tại nhiều khu đất bỏ không đó là thực tế tồn tại nhiều năm qua khi thị trường sốt nóng, người người, nhà nhà làm bất động sản, không ai để ý đến việc có kết nối hay không, có đầy đủ hạ tầng hay không?

“Thậm chí khi thị trường “hot” lên, đến đất tận Ba Vì còn bán được giá cao nói gì đến đất trong nội thành Hà Nội. Nếu muốn xử lý những khu đất chưa kết nối hạ tầng đó thì VAMC phải phối hợp với UBND TP để có những quy hoạch, tạo điều kiện để có những đường kết nối phù hợp hơn”,  ông Hà hướng dẫn.

Vị Cục trưởng này cũng thẳng thắn: “Không chỉ những khu đất của anh có mà còn nhiều khu đất khác nữa, nếu những khu đất đó kết nối rồi thì họ chẳng bán cho  anh. VAMC cũng cần phải có chuyên gia, cán bộ về bất động sản để có thể khai thác những quỹ đất đó cho tốt”.

Riêng về vấn đề quy hoạch, ông Thủy cho rằng: “Quy hoạch của Việt Nam nhất là quy hoạch tại 2 thành phố lớn như Hà Nội, TP. HCM mà đặc biệt là ở Hà Nội - quy hoạch hoàn toàn có vấn đề”.

Dẫn chứng cho điều mình nói, lãnh đạo VAMC nói: Đất bỏ không rất nhiều, có thể đi một vòng bằng xe máy quanh vành đai 3, và 4 sẽ thấy toàn đất để cỏ mọc.

Nhưng nếu các dự án đó được khởi động trở lại, kết hợp với việc đầu tư kết nối hệ thống cơ sở hạ tầng, nhu cầu thiết yếu như: trường học, bệnh viện…  đảm bảo rằng người mua không phải là thiếu. Bởi lẽ, ở các thành phố lớn có lượng dân di cư trẻ về học tập và có nhu cầu ở lại sinh sống nên nhu cầu về nhà ở rất lớn.

Vì thế, ông Thủy đề nghị các cơ quan chức năng phải mạnh mẽ hơn trong việc kết nối hạ tầng để các nhà đầu tư có thể yên tâm khi bỏ tiền đầu tư vào các dự án có thể thu tiền được về.

Liên quan đến vấn đề giá nhà, vị lãnh đạo VAMC cũng rất đồng tình với ý kiến giá nhà ở Việt Nam đang rất cao. Theo ông, thị trường tốt không có nghĩa là giá tốt, thị trường tốt là đáp ứng ở vấn đề cung – cầu, vấn đề thanh khoản. Hạ tầng kém, thu nhập thuộc loại thấp nhưng giá cao không thua nước nào ở khu vực.

Một câu hỏi khác cũng được đại diện của VAMC đặt ra với lãnh đạo Cục quản lý nhà, đó là thực tế có nhiều tòa nhà đang xây với thiết kế trước đây là dạng hỗn hợp: chung cư, văn phòng, thương mại…. Nhưng có nhiều vị trí hiện chỉ có thể làm nhà ở và không phù hợp làm văn phòng, muốn điều chỉnh thì câu chuyện này có phức tạp không, thủ tục có được rút gọn hơn so với trước?

Trả lời vấn đề đó, Cục trưởng Nguyễn Mạnh Hà cho hay: Nghị quyết 02 đã quy định rõ, Chính phủ cũng cho phép chuyển đổi mục đích xây dựng nếu không phù hợp, chia nhỏ căn hộ hoặc chuyển đổi mục đích đầu tư, chuyển từ văn phòng sang khách sạn, có thể chuyển từ khách sạn sang một phần nhà ở, hay chuyển từ chung cư thành bệnh viện…

“Thủ tục rất thuận lợi, ở Hà Nội thành lập một tổ công tác giữ Bộ Xây dựng và các cơ quan ban ngành chỉ chuyên xét duyệt những dự án chuyển đổi, giải quyết khó khăn cho các dự án. Cũng như ở TP. Hồ Chí Minh, các thủ tục đã được rút gọn, thông thoáng, mất ít thời gian và nhiều dự án đã được chuyển đổi”, ông Hà nói thêm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Lê (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN