TS. Lê Xuân Nghĩa: Xóa nợ xấu, cần nguồn tiền thực sự

Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đưa ra các giải pháp đột phá để loại bỏ sạch nợ xấu ra khỏi bảng cân đối tài chính của các ngân hàng.

Giải pháp thứ nhất được ông Nghĩa nhắc tới, là phải có một nguồn tiền thực sự để mạnh tay tái cấp vốn cho ngân hàng thương mại. Đặc biệt là ngân hàng thương mại quốc doanh, để cho phép họ xóa những khoản nợ biết chắc là không thể thu hồi được ví dụ như nợ của doanh nghiệp Nhà nước.

Nếu làm được như vậy, vị chuyên gia là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, thì tín dụng sẽ tăng trở lại, thị trường bất động sản phục hồi nhanh hơn và gánh nặng về nợ xấu cũng nhẹ đi.

Trong 3 chương trình tái cấu trúc ngân hàng, đầu tư công và DN Nhà nước, tái cấu trúc ngân hàng là cấp bách nhất, tạo điều kiện cho hai chương trình kia thành công.

Cũng theo ông Nghĩa, hiện các nhà đầu tư nước ngoài cũng nhìn vào tiến trình giải quyết nợ xấu của Việt Nam để quyết định có đầu tư không. “Nếu tiến trình tái cấu trúc ngân hàng có tín hiệu chậm lại là nhà đầu tư sẽ mất lòng tin lâu dài”- ông Nghĩa nhấn mạnh.

TS. Lê Xuân Nghĩa: Xóa nợ xấu, cần nguồn tiền thực sự - 1

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần trao quyền năng nhiều hơn cho VAMC trong việc xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng

Nhóm giải pháp thứ 2 được Nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia đề xuất, là tăng quyền lực của VAMC, cụ thể là VAMC cần được chủ động trong các thủ tục pháp lý, thủ tục mua những khoản nợ xấu có vướng mắc về pháp lý. Sau khi mua rồi thì tìm nhà đầu tư để bán và bán xong thì hoàn tất được thủ tục về quyền sở hữu và quyền sử dụng cho nhà đầu tư. 

Có thể những quyền này của VAMC sẽ xung đột với quy định pháp luật hiện tại, song cần xác định đây chỉ là “giải pháp tình thế” để VAMC xử lý nhanh các khoản nợ và sẽ được hủy bỏ khi “công việc” của VAMC hoàn tất.

Từ đầu năm tới nay quá trình mua bán nợ xấu của VAMC đang có chiều hướng chậm lại. Đến hết tháng 8/2014, VAMC đã mua được 19.630 tỷ đồng nợ xấu gốc, của 1.044 khách hàng và 1.899 khoản nợ vay, với giá mua 16.237 tỷ đồng. Tổng cộng, từ thời điểm bắt đầu mua nợ xấu vào tháng 10/2013, công ty này đã mua gần 59.000 tỷ đồng nợ của 35 TCTD (gồm 2.057 khách hàng và 3.536 khoản nợ) với giá mua 48.976 tỷ đồng.

Lý giải sự chững lại của VAMC trong hoạt động mua bán nợ, ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐQT VAMC cho hay, VAMC mua nợ xấu theo lộ trình và kế hoạch cơ cấu lại nợ của các ngân hàng, chứ không phải mua nợ về để lấy lãi.

Ngoài ra, công ty này cũng đang gặp khó trong việc phát mãi tài sản đảm bảo thông qua phương án bán đấu giá. Đã 3 lần VAMC tổ chức các cuộc đấu giá số tài sản trên nhưng đều thất bại.

Cùng với hàng loạt vướng mắc trong xử lý nợ, VAMC vừa có đề xuất được tăng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng, để có thể triển khai dễ dàng hơn mua nợ theo giá thị trường, chứ không phải theo trái phiếu đặc biệt như trước đây. Lãnh đạo VAMC cũng cho biết, đề xuất này trước mắt đã nhận được sự đồng thuận từ Thống đốc NHNN, nhưng còn cần sự phê duyệt từ các cấp cao hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoài Anh (Infonet.vn)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN