Phân bổ tín dụng đều trong năm

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2014 từ 12%-14%, kiểm soát để phân bổ đều cho các tổ chức tín dụng, các tháng trong năm.

Tại Chỉ thị 01 của Ngân hàng (NH) Nhà nước về điều hành chính sách tiền tệ, bảo đảm hoạt động NH năm 2014, tiếp tục đưa ra mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 12%-14% trong năm nay và yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng các giải pháp tăng trưởng phù hợp với khả năng huy động vốn, kiểm soát chất lượng tín dụng và nợ xấu.

Không dồn vào cuối năm

Năm 2013, tốc độ tăng trưởng tín dụng của hệ thống NH là 12,58%, đạt kế hoạch đề ra, phù hợp với tốc độ tăng trưởng nền kinh tế. Tuy nhiên, tín dụng tăng trưởng chủ yếu tập trung vào quý IV, phân bổ chưa đều. Tình trạng 6 tháng đầu năm tín dụng “lẹt đẹt” nhưng đến gần cuối năm tiền đổ ra nền kinh tế nhiều lại ảnh hưởng đến việc kiểm soát lạm phát lại tái diễn trong năm qua.

Phân bổ tín dụng đều trong năm - 1

Cần phân bổ tăng trưởng tín dụng đều trong năm để tránh tăng lạm phát. Ảnh: HỒNG THÚY

Vụ trưởng Vụ Tín dụng - NH Nhà nước, ông Nguyễn Viết Mạnh, cho biết năm nay, NH Nhà nước sẽ kiểm soát tín dụng tăng từ 12%-14%, thực hiện phân bổ đều trong năm để phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát. Do kiểm soát không tốt nên khối lượng tín dụng tăng mạnh nhưng không giúp tăng trưởng GDP, mà lại đẩy lạm phát lên cao. “Trước đây, tín dụng mỗi năm tăng từ 40%-50% nhưng GDP chỉ hơn 6%, 2 năm qua, tín dụng tăng thấp nhưng tốc độ tăng GDP vẫn bảo đảm trên 5%” - ông Mạnh cho biết.

Năm 2014, các tổ chức tín dụng tiếp tục cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: nông nghiệp nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Với các đối tượng khác, chỉ cần có phương án kinh doanh tốt, tài chính tốt là có thể tiếp cận được lãi suất cho vay chỉ từ 6%-7% khi thanh khoản của NH dồi dào. Ngoài ra, NH Nhà nước sẽ chỉ đạo các NH thương mại tiếp tục nghiên cứu cho vay các lĩnh vực đặc thù như tái canh cây cà phê, nuôi trồng thủy sản, tạm trữ lúa gạo…

Tăng trưởng ròng còn rất thấp

Chuyên gia kinh tế - TS Lê Xuân Nghĩa cho rằng tăng trưởng tín dụng vẫn xoay quanh 11%-12%, nếu trừ đi lạm phát, trừ đi lãi nhập vào gốc (chẳng hạn vay 100 tỉ không trả được đúng hạn thì lãi nhập gốc lên thành 110 tỉ đồng và coi đây là tăng trưởng tín dụng), trừ đi những khoản tăng “giả tạo” thì tăng trưởng ròng của tín dụng còn rất thấp. Điều này không đủ kích cầu và vực dậy khu vực tư nhân, doanh nghiệp nội địa.

Do đó, điều quan trọng là phải tập trung xử lý nợ xấu để phá băng tín dụng, qua đó phục hồi thị trường bất động sản (BĐS). Nước Mỹ phải mất 5 năm tảng băng tín dụng mới bắt đầu tan. Tại Việt Nam, phá băng tín dụng phải gắn với xử lý nợ xấu. Đến nay, khoảng 1/3 nợ xấu đã được xử lý bằng cách trích lập dự phòng rủi ro, hạch toán ra ngoại bảng và công ty mua bán nợ (VMC) xử lý…

Thời gian tới, phải quyết liệt xử lý nợ xấu hơn nữa để tạo mối quan hệ lành mạnh giữa NH và doanh nghiệp, tạo cơ hội đầu tư mới cho doanh nghiệp. Kết quả, việc xử lý chậm đã khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế chỉ khoảng tối đa 6% trong 2 năm qua. Nền kinh tế muốn thoát khỏi chu kỳ tăng trưởng thấp cần có bước đột phá, đẩy nhanh tiến trình xử lý nợ xấu, tái cơ cấu NH một cách quyết liệt. “NH yếu kém phải sáp nhập, thậm chí phá sản, để chúng ta giành lại quyền điều hành hệ tuần hoàn cơ thể thông suốt, lành mạnh và minh bạch”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo LINH ANH (Người lao động)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN