Ông Đặng Văn Thành nợ Sacombank bao nhiêu?

Nhóm các doanh nghiệp liên quan đến Công ty Thành Thành Công (bà Huỳnh Bích Ngọc - vợ ông Đặng Văn Thành - đang đảm nhận vai trò cố vấn) hiện còn nợ Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín 3.900 tỉ đồng

Ngày 3-4, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng (NH) Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), cho biết: Các doanh nghiệp (DN) gia đình và DN liên quan đến ông Đặng Văn Thành, nguyên chủ tịch HĐQT Sacombank, đã từng vay của NH này 7.000 tỉ đồng.

Bán cổ phiếu thu hồi nợ hơn 1.668 tỉ đồng


Theo Sacombank, ông Đặng Văn Thành và ông Đặng Hồng Anh (con ông Thành, đồng thời là thành viên HĐQT Sacombank) đã ủy quyền cho HĐQT được toàn quyền mua, bán gần 80 triệu cổ phiếu mà 2 ông đang nắm giữ với giá 20.000 đồng/cổ phiếu, để thanh toán các khoản vay 1.596 tỉ đồng liên quan trực tiếp đến các công ty của gia đình ông Thành. Đây là số tiền Sacombank đã cho nhóm DN này vay nhiều năm trước và trước tháng 5-2012 (thời điểm ông Thành còn nắm giữ chức danh chủ tịch HĐQT Sacombank).

Ông Đặng Văn Thành nợ Sacombank bao nhiêu? - 1

Khách hàng gửi tiết kiệm tại Sacombank. Ảnh: HỒNG THÚY

Cụ thể, sau khi bán số cổ phiếu được ủy quyền, Sacombank sẽ thu hồi được 172 tỉ đồng đã cho Công ty Tân Việt vay; cấn trừ được 678 tỉ đồng đã cho Công ty Địa ốc Sài Gòn Thương Tín (Sacomreal) vay; thu hồi 329 tỉ đồng mà Sacombank đầu tư vào trái phiếu Sacomreal; 18 tỉ đồng cho vay đối với Công ty Thành Thành Công và thu hồi 192 tỉ đồng đầu tư vào trái phiếu của công ty này; thu hồi 148 tỉ đồng đầu tư vào trái phiếu Công ty Đặng Huỳnh và 59 tỉ đồng cho Công ty Thành Ngọc vay.

Điều mà giới đầu tư quan tâm là khi Sacombank bán ra gần 80 triệu cổ phiếu sẽ tác động mạnh đến thị trường chứng khoán, cổ phiếu Sacombank có thể bị pha loãng. Tuy nhiên, ông Phạm Hữu Phú cho biết Sacombank đã ký hợp đồng bán toàn bộ số cổ phiếu cho 2 nhà đầu tư cá nhân theo phương thức thỏa thuận với giá 20.900 đồng/cổ phiếu và bên mua đã đặt cọc. “Chậm nhất là đến ngày 31-5, Sacombank sẽ thu về hơn 1.668 tỉ đồng bao gồm cả vốn và lãi của số tiền đã cho nhóm công ty thuộc gia đình ông Thành vay” - ông Phú nói.

Chằng chịt nhóm công ty liên quan

Đề cập tính pháp lý và nguyên tắc tín dụng khi Sacombank cho các công ty gia đình ông Thành vay tiền, ông Phú cho rằng các khoản vay này đều có tài sản thế chấp là cổ phiếu, bất động sản, hàng hóa tồn kho, máy móc, nhà xưởng… nhưng chưa chắc đã đầy đủ.

Tuy nhiên, Thanh tra NH Nhà nước đã kết luận: Các khoản vay liên quan đến công ty gia đình ông Thành và nhóm công ty liên quan đến Công ty Thành Thành Công đều trái quy định. Bởi, Luật Các tổ chức tín dụng không cho phép một NH cho nhóm công ty liên quan đến thành viên HĐQT vay quá 25% vốn điều lệ của NH đó.

Trong khi đó, số tiền mà Sacombank cho các công ty gia đình ông Thành và nhóm công ty liên quan đến Công ty Thành Thành Công vay đã lên tới 7.000 tỉ đồng, tương đương hơn 51% vốn điều lệ của NH này - 10.700 tỉ đồng. Vì thế, NH Nhà nước đã đề nghị đến hết tháng 12-2013, Sacombank phải giảm tỉ lệ cho vay đối với nhóm công ty liên quan đến ông Thành và Công ty Thành Thành Công về mức 25% vốn điều lệ.

Theo Sacombank, hiện các nhóm công ty liên quan đến Công ty Thành Thành Công còn nợ 3.900 tỉ đồng, bao gồm tiền cho vay và đầu tư trái phiếu vào nhóm công ty này, trong đó có các khoản vay đã đến hạn phải trả và còn thời hạn vay. Đơn cử, Công ty Tân Thắng, chuyên kinh doanh bất động sản nằm trong nhóm công ty liên quan, còn nợ Sacombank song năng lực trả nợ khá tốt.

Có thể đưa tỉ lệ nợ về đúng quy định

Giới phân tích cho rằng để giảm tỉ lệ cho vay đối với nhóm công ty liên quan, ngoài việc Sacombank phải tích cực thu hồi nợ, ông Thành cần bán ra 40% vốn góp cổ phần tại Công ty Tân Thắng hoặc thoái hết vốn tại các công ty liên quan đến Công ty Thành Thành Công, đồng nghĩa các công ty đó trở thành khách hàng bình thường của Sacombank và không còn liên quan đến ông Thành. Khi đó, tỉ lệ cho nhóm công ty liên quan của Sacombank vay sẽ giảm về đúng quy định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thy Thơ (Báo Người lao động)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN