Nóng tuần qua: Đề xuất “chẳng giống ai” cuối cùng đã tạm dừng

Sự kiện: Kinh Doanh

Cuối cùng thì đề xuất lạ với siêu thị như phải mở cửa tới 22 giờ cả ngày lễ hay không giảm giá quá 3 lần một năm đã được cơ quan chức năng xem xét tạm dừng. Một câu chuyện nóng khác gây nhiều tranh cãi ở Hà Nội là vụ đổi đất lấy hạ tầng tuần qua cũng đã thêm diễn biến mới.

Bỏ quy định “không giống ai” với siêu thị

Sau nhiều phản ứng gay gắt về quy định "không giống ai" như siêu thị phải tới tới 22 giờ, cả ngày lễ, không được giảm giá quá 3 lần/năm, Bộ Công thương đã yêu cầu dừng thực hiện dự thảo này.

Trong công văn yêu cầu dừng, Bộ Công thương cho rằng sau khi căn cứ vào sự cần thiết và thực tiễn quản lý hiện nay, việc dừng xây dựng dự thảo nghị định về phát triển và quản lý ngành phân phối là cần thiết.

Trước đó, dự thảo đưa ra đã gây nhiều tranh cãi như quy định siêu thị phải có diện tích tối thiểu 250m2 trở lên, không được giảm giá quá 3 lần/năm và phải kéo dài tối thiểu 30 ngày. Dự thảo quy định yêu cầu siêu thị, trung tâm thương mại phải mở cửa tất cả các ngày trong tuần, kể cả ngày nghỉ lễ, tối thiểu từ 10 giờ đến 22 giờ.

Nhiều ý kiến sau đó cho rằng, những quy định trên can thiệp quá sâu vào việc kinh doanh của các doanh nghiệp và thậm chí làm khó các đơn vị.

Nóng tuần qua: Đề xuất “chẳng giống ai” cuối cùng đã tạm dừng - 1

Bộ Công thương đã yêu cầu dừng thực hiện dự thảo với nhiều đề xuất với siêu thị không giống ai

Yeah1 lập kỷ lục chào sàn ở Việt Nam

27,3 triệu cổ phiếu YEG của Công ty CP Tập đoàn Yeah1 vừa lên sàn niêm yết với giá 250.000 đồng/cổ phiếu. Chỉ ít lâu sau đó, YEG tăng sàn thêm 50.00 đồng/cổ phiếu và lên mức 300.000 đồng/cổ phiếu. 

Yeah1 đã soán ngôi Sabeco (SAB) để chính thức trở thành doanh nghiệp đầu tiên niêm yết ở thị trường chứng khoán Việt Nam với mức giá kỷ lục.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, với công ty truyền thông như Yeah1 mà mức định giá cực kỳ lớn như thế thì là quá bất thường với thị trường.

Các chuyên gia tài chính đánh giá, với thị trường Việt Nam hiện nay, chưa có doanh nghiệp được định giá kiểu như vậy mà thành công, chủ yếu đẩy giá để kiếm lợi nhuận ngắn hạn.

Grab “phản pháo” sau lệnh cấm mở rộng địa bàn

Nóng tuần qua: Đề xuất “chẳng giống ai” cuối cùng đã tạm dừng - 2

Bộ Giao Thông Vận tải cấm Grab mở rộng địa bàn nhưng Grab thì cho rằng đơn vị này có thể hoạt động trên toàn quốc.

Công ty Grab Việt Nam vừa có phản hồi sau khi Bộ Giao thông Vận tải bác đề xuất mở rộng dịch vụ GrabTaxi ra nhiều tỉnh thành như Ninh Thuận, Đồng Tháp, Gia Lai…

Doanh nghiệp này cho biết GrabTaxi đã được đăng ký với Bộ Công Thương là ứng dụng sàn giao dịch thương mại điện tử có phạm vi hoạt động trên toàn quốc và được hoạt động hoàn toàn hợp pháp.

Grab cũng cho rằng, theo hướng dẫn của Bộ Giao thông Vận tải, dịch vụ GrabTaxi có thể hoạt động tại tất cả các tỉnh, thành phố trên toàn quốc sau khi đã ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh với những đơn vị kinh doanh taxi và được Sở Giao thông Vận tải địa phương cấp phép.

Trước đó, Bộ Giao thông Vận tải đã có công văn yêu cầu GrabTaxi chỉ được phép hoạt động tại 5 địa phương, bao gồm Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Đà Nẵng và Quảng Ninh trong đề án thí điểm ứng dụng khoa học công nghệ kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng.

Hà Nội lên tiếng vụ đổi 700 ha đất lấy 5 con đường

Tuần qua, sự kiện đáng chú ý là Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội đã lên tiếng giải thích về việc Thành phố Hà Nội chấp thuận đổi khoảng 700 ha đất lấy 5 tuyến đường trên địa bàn thành phố.

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định, đây là các dự án đã được nghiên cứu trong giai đoạn từ năm 2009 đến 2015. 5 dự án đã được UBND Thành phố Hà Nội báo cáo và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thực hiện theo hình thức BT. 

Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cho hay, diện tích đất giao cho các dự án làm đường trên chỉ để nhà đầu tư lập nghiên cứu quy hoạch và họ chỉ được khai thác một phần diện tích đất đó.

Tuy nhiên, trước đó, Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra, việc hầu hết dự án BT lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định thầu, làm giảm sự cạnh tranh và tiềm ẩn rủi ro chọn nhà đầu tư không đủ năng lực. Việc thực hiện dự án theo đánh giá còn kẽ hở dẫn đến thất thoát ngân sách đặc biệt quy định về thời điểm giao đất để thanh toán dự án BT không rõ ràng.

Nóng tuần qua: Đề xuất “chẳng giống ai” cuối cùng đã tạm dừng - 3

Hà Nội khẳng định việc đổi 700 ha lấy 5 con đường đã được báo cáo và Thủ tướng Chính phủ chấp thuận.

Có thêm 240.000 người nghèo nếu tăng thuế VAT

Theo tính toán của nhóm nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Chính sách và Kinh tế (VEPR) và  Oxfam, nếu Việt Nam tăng thuế từ 5-10% hiện tại lên 6-12%, tỷ lệ nghèo tăng lên 0,26 điểm %, tương ứng với khoảng 240.000 người nghèo tăng lên.

Nhóm nghiên cứu này cũng đề xuất thêm một phương án tăng thuế VAT khác là đánh mức thuế chung là 10% (các mặt hàng chịu thuế 5% lên 10%, các mặt hàng chịu thuế 0% và 10% giữ nguyên) 

Tuy nhiên, với phương án trên, nhóm tính toán, Việt Nam cũng sẽ có thêm khoảng 202.000 người nghèo. 

Bởi vậy, phía VEPR và Oxfam kiến nghị cần cân nhắc khi điều chỉnh thuế VAT. Nếu bất đắc dĩ phải tăng thì cần tính tới các nguồn khác như thuế tài sản người giàu, tránh tập trung vào đối tượng phổ thông, yếu thế.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyên Khôi ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN