Nóng tuần qua: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lo sốt vó vì ông trùm đến sau?

Hãng hàng không giá rẻ nổi tiếng AirAsia đã bày tỏ tham vọng thâm nhập vào thị trường Việt Nam với một loạt đường bay mới. Đây là cái tên đã từng ngỏ ý muốn hợp tác với Vietjet Air của bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhưng không thành.

"Siêu giá rẻ" AirAsia lập kế hoạch cất cánh tại Việt Nam

Tại diễn đàn cấp cao du lịch Việt Nam 2018 tuần qua, Tổng giám đốc AirAsia Tony Fernandes đã ký kết với CTCP Hàng không Hải Âu của ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch Thiên Minh Group ghi nhớ hợp tác thành lập một hãng bay mới tại Việt Nam.

AirAsia không phải là cái tên lạ với người Việt Nam. Chính hãng này những năm trước đã muốn hợp tác với Vietjet  Air của bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhưng không thành. 

Trao đổi với báo chí nhân diễn đàn trên, Tổng giám đốc AirAsia cho rằng, nguyên nhân hãng này tiếp tục muốn thâm nhập Việt Nam bởi đây là thị trường có 100 triệu dân, tiềm năng du lịch lớn, nhiều bãi biển đẹp. "Nếu muốn là hãng hàng không của ASEAN, AirAsia phải đến Việt Nam" vị này nói.

Ông bày tỏ hy vọng, vào tháng 7-8 năm sau, AirAsia Vietnam có thể cất cánh với một số đường bay mới như: Kuala Lumpur – Đà Nẵng, Kuala Lumpur – Phú Quốc, Bangkok – Đà Nẵng.

AirAsia là hãng hàng không giá rẻ của Malaysia. AirAsia hiện đã vận hành nhiều năm tại Indonesia, Thái Lan, Ấn Độ và Nhật Bản.

Nóng tuần qua: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lo sốt vó vì ông trùm đến sau? - 1

AirAsia từng muốn hợp tác với Vietjet Air của bà Nguyễn Thị Phương Thảo nhưng không thành.

Ông lớn EVN lỗ nghìn tỷ, Bộ Công Thương tiết lộ có 4 phương án giá điện

Tại phiên họp báo Chính phủ tối 3/12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải khẳng định EVN không hề có lãi trong năm 2017 như một số thông tin đăng tải trước đó.

Theo ông, doanh thu bán điện năm 2017 của EVN là 289.954 tỷ trong khi chi phí sản xuất kinh doanh điện năm 2017 là 291.278 tỷ. 

EVN trong năm 2017 có thêm một số thu nhập khác như tiền gửi ngân hàng, thu từ cổ tức, lợi nhuận của các công ty EVN có hợp tác liên doanh trong ngành điện. 

Tuy nhiên, khi cộng tất cả thu chi của EVN năm 2017, thống kê cho thấy EVN vẫn lỗ 2.219 tỷ. 

Theo ông, việc xây dựng kịch bản cung ứng điện năm 2019 đang được cơ quan chức năng thực hiện theo quyết định của Thủ tướng và hiện đã có 4 kịch bản.

Trả lời cho những lo lắng tình trạng thiếu điện năm 2019, Thứ trưởng Hải cho biết, 4 phương án cung ứng điện được đưa ra đều tính toán với mục tiêu cấp đủ điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt.

Giá xăng giảm sốc, đợi giá taxi sắp nhúc nhích?

Nóng tuần qua: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lo sốt vó vì ông trùm đến sau? - 2

Một số hãng taxi cho biết đang có kế hoạch điều chỉnh giảm giá, có thể là 1.000 đồng.

Tuần qua, liên Bộ Công Thương – Tài chính đã quyết định giảm giá các mặt hàng xăng dầu trong đó giá xăng giảm tới 1.500 đồng/lít. Các loại dầu cũng giảm ở mức 784 - 1.379 đồng/lít.

Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 được bán ở mức 17.181 đồng/lít; RON95 18.459 đồng/lít; Dầu diesel 16.258 đồng/lít; Dầu hỏa 15.252 đồng/lít.

Theo thống kê, giá xăng đã có tổng cộng có 4 lần điều chỉnh giảm liên tiếp kể từ hôm 22/10. Tổng cộng, mỗi lít xăng E5RON92 giảm hơn 3.600 đồng và xăng RON95 trên 3.800 đồng.

Thông tin trên báo chí, một số hãng taxi cho biết đang có kế hoạch điều chỉnh giảm giá, có thể 1.000 đồng. Tuy nhiên, cũng có hãng cho rằng, từ đầu năm, giá xăng tăng 6 lần, có đợt điều chỉnh lên vượt mốc 20.000 đồng/lít nhưng các hãng vẫn giữ giá nên hiện chưa thể giảm giá ngay.

Sabeco được là công ty 100% vốn nước ngoài

Ủy ban chứng khoán Nhà nước tuần qua xác nhận không hạn chế tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tại Tổng Công ty Cổ phần Bia Rượu Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Điều này có nghĩa tỉ lệ sở hữu của room ngoại tại Sabeco tối đa là 100%.

Trước đó, hồi cuối năm 2017, Tập đoàn Thai Beverage (ThaiBev) của tỷ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã mua thành công 53,59% cổ phần của Sabeco. Tổng số tiền mà ThaiBev bỏ ra để nắm quyền điều hành tại Sabeco là gần 5 tỷ USD. Quy mô cuộc đấu giá này được cho là lớn nhất trong lịch sử bán vốn tại khu vực Đông Nam Á trong 3 năm trở lại đây.

Với Sabeco, báo cáo quý 3 năm nay của công ty cho thấy, dù doanh thu tài chính tăng, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp giảm song lợi nhuận sau thuế của Sabeco, chỉ đạt 1.035 tỷ đồng, giảm 10,2% so với cùng kỳ 2017.

Trong số này, lãi ròng của công ty mẹ là 975 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên, lợi nhuận một quý của công ty mẹ Sabeco rơi xuống dưới 1.000 tỷ đồng kể từ năm 2017.

Nóng tuần qua: Tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo lo sốt vó vì ông trùm đến sau? - 3

Ủy ban chứng khoán Nhà nước đã xác nhận không hạn chế tỷ lệ nhà đầu tư nước ngoài tại Sabeco.

Unilever bị truy thu 575 tỷ đồng

Trao đổi với báo chí tuần qua, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, cơ quan này đã đề nghị Tổng cục truy thu thuế với Unilever số tiền 575 tỷ đồng.

Theo quy định, từ năm 2009 tới năm 2013, các doanh nghiệp đầu tư mở rộng không thuộc diện được ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp. Giai đoạn này Unilever phát triển sản xuất, đầu tư mở rộng nên không được ưu đãi. Bởi vậy, Kiểm toán Nhà nước đã kiến nghị truy thu Unilever số tiền 575 tỷ đồng.

Theo ông Phớc, phía Unilever đưa ra lý lẽ để chứng minh mình đúng nhưng không cung cấp được chứng cứ, ví dụ như việc mở rộng sản xuất phải có hồ sơ chứng minh. Phía Kiểm toán Nhà nước đã để Unilever có 6 tháng để cung cấp tài liệu nhưng đơn vị này không cung cấp được.

Người đứng đầu Kiểm toán Nhà nước cũng cho biết, cơ quan kiểm toán đã làm việc với Uniever nhiều lần, trong đó mời cả Cục Thuế TP Hồ Chí Minh và Tổng cục Thuế để xác định số thuế phải nộp của Unilever, tuy nhiên doanh nghiệp này không có tài liệu thể hiện việc được miễn trừ thuế.

Đại gia tuần qua: Ông Phạm Nhật Vượng ”quăng bom”, mở màn cuộc chiến với cá mập

Cùng điểm lại những sự kiện đáng chú ý nhất tuần qua liên quan đến các đại gia đất Việt.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh ([Tên nguồn])
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN