Nóng tuần qua: Rúng động vì "ông trùm ngân hàng" một thời hô mưa gọi gió bị bắt

Không chỉ Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nhà nước cũng đã phải lên tiếng trấn an người dân sau khi Bộ Công an chính thức khởi tố bị can và bắt ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV.

Ngành ngân hàng liên tục trấn an sau vụ bắt ông Bắc Hà

Nóng tuần qua: Rúng động vì "ông trùm ngân hàng" một thời hô mưa gọi gió bị bắt - 1

Ngân hàng Nhà nước lên tiếng khẳng định, mọi hoạt động của BIDV đều bình thường, thanh khoản ổn định sau việc ông Trần Bắc Hà, nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV bị khởi tố và tạm giam.

Ngày 29/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Bộ Công an đã khởi tố bị can và bắt tạm giam ông Trần Bắc Hà – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và ông Trần Lục Lang – nguyên Phó Tổng Giám đốc BIDV về tội “vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng”.

Ngay sau thông tin này, tối cùng ngày, Ngân hàng Nhà nước đã phải phát đi thông tin khẳng định những sai phạm này đã xảy ra từ những năm trước đây. Ngân hàng Nhà nước khẳng định, do các cá nhân trên đã nghỉ hưu, không còn nắm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý tại BIDV nên vụ việc này không ảnh hưởng đến hoạt động của BIDV.

"Mọi hoạt động của BIDV đều bình thường, thanh khoản ổn định, mọi quyền lợi của khách hàng, người gửi tiền được bảo đảm" ngành ngân hàng lên tiếng.

BIDV ngay sau đó cũng có thông cáo khẳng định vẫn đang hoạt động bình thường. 

Đáng chú ý, trước thông tin xấu, giá BID vẫn đứng vững và chỉ giảm nhẹ 0,2%. Tới phiên ngày 30/11, BID thậm chí còn tăng.

Quyết định bất ngờ trong cuộc chiến Vinasun-Grab

Trong phiên xét xử mới nhất ngày 30/11 trong vụ Vinasun kiện đòi Grab bồi thường hơn 41 tỷ, tình tiết đáng chú ý nhất là việc Grab xin tòa thêm thời gian để trao đổi với nội bộ công ty và thương lượng với Vinasun, tìm cách hợp tác. Trái với thái độ cương quyết trước đó, phía Vinasun đồng ý và ghi nhận thiện chí hòa giải này.

Trao đổi sau đó với báo chí, Grab tỏ ra hài lòng và cho rằng kết quả trên là tích cực dành cho tất cả mọi người khi các bên cân nhắc hướng thỏa thuận ôn hòa để giải quyết vụ kiện.

Cũng theo Grab, các doanh nghiệp taxi và các công ty công nghệ có thể cùng tồn tại song song, cùng học hỏi lẫn nhau để phát triển.

Trước đó, Vinasun cho rằng việc cạnh tranh không lành mạnh của Grab như khuyến mãi, giảm giá trái/vượt quy định pháp luật;... gây thiệt hại về doanh thu, lợi nhuận của Vinasun nên hãng khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại hơn 41,2 tỉ đồng. Tuy nhiên, phía Grab bác bỏ hoàn toàn quan điểm trên và đề nghị đình chỉ giải quyết vụ án.

Nóng tuần qua: Rúng động vì "ông trùm ngân hàng" một thời hô mưa gọi gió bị bắt - 2

Grab xin tòa thêm thời gian để trao đổi với nội bộ công ty và thương lượng với Vinasun và Vinasun đã đồng ý.

Tranh cãi gay gắt sau đề xuất sửa nghị định 

Tại Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018, đại diện Vingroup đã "phàn nàn" về quy định tại nghị định 20/2017/NĐ-CP: Tổng chi phí lãi vay của doanh nghiệp được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không được vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần.

Đại diện công ty này cho rằng, công ty này đầu tư vào các lĩnh vực cần nhiều vốn như nông nghiệp công nghệ cao, giáo dục, sản xuất công nghiệp nặng,... Các dự án của Vingroup không thể tự vay vốn ngân hàng được mà phải thông qua công ty mẹ của tập đoàn. Bởi vậy, các chi phí lãi vay của tập đoàn này rất lớn. Sự khống chế trên theo đại diện Vingroup khiến doanh nghiệp bị ảnh hưởng vì nhiều chi phí lãi vay không được trừ khi tính thu nhập chịu thuế.

Công ty này đề nghị chưa áp dụng quy định trên và đề xuất sửa nghị định. Ý kiến này sau đó cũng được Công ty chứng khoán Vietcombank đồng tình.

Tuy nhiên, ngược lại, lãnh đạo ngành thuế thì bày tỏ, tại sao DN FDI không kêu mà chỉ có DN nội kêu. Theo vị này, doanh nghiệp muốn làm ăn toàn cầu nhưng lại muốn chính sách riêng thì khó.

Chuyển cơ quan công an điều tra sai phạm tại PVN

Tuần qua, Kiểm toán nhà nước đã gửi công văn đến Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an đề nghị điều tra làm rõ một số sai phạm thông qua kiểm toán tại Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.

Cụ thể, từ năm 2010 đến 2015, Ban Quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc Hoá Dầu Nghi Sơn thuộc PVN đã gửi tiền có kỳ hạn tại 2 ngân hàng số tiền hơn 22 tỷ đồng. Tuy nhiên, Ban Quản lý không hạch toán đầy đủ lãi tiền gửi có kỳ hạn vào sổ kế toán mà chỉ phản ánh tiền lãi không kỳ hạn để nhận tiền chênh lệch lãi suất. 

Để che giấu, Ban Quản lý Dự án đã thỏa thuận với ngân hàng để được nhận chênh lệch lãi suất bằng hình thức nhận bằng tiền mặt.

Ngoài ra, qua báo cáo kết quả rà soát đối chiếu của PVN với MB cho thấy, Ban Quản lý Dự án đã không phản ánh trung thực số liệu phát sinh 1.626 tỷ đồng.

Phía Kiểm toán Nhà nước cho rằng, nội dung này có thể còn tiềm ẩn những sai phạm ở phạm vi và mức độ rộng hơn. Qua đó, KTNN đề nghị Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an điều tra làm rõ, xử lý theo quy định của pháp luật.

Nóng tuần qua: Rúng động vì "ông trùm ngân hàng" một thời hô mưa gọi gió bị bắt - 3

Theo kết luận của Kiểm toán Nhà nước, Ban Quản lý Dự án Công trình Liên hợp Lọc Hoá Dầu Nghi Sơn thuộc PVN đã để ngoài sổ sách số tiền hàng chục tỷ đồng.

Vàng Bồng Miêu phá sản, để lại khoản nợ khủng

Hội nghị chủ nợ Công ty TNHH khai thác vàng Bồng Miêu lần thứ nhất đã được Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam tổ chức tuần qua.

Trong những năm qua tình hình kinh doanh của Vàng Bồng Miêu gặp rất nhiều khó khăn, nợ nhà cung cấp nguyên liệu, nợ thuế, bảo hiểm xã hội, cùng với việc không xuất khẩu được vàng nên công ty đã tạm ngưng hoạt động. Giấy phép khai thác khoáng sản vàng tại mỏ vàng Bồng Miêu của công ty cũng hết hạn từ năm 2016.

Theo báo, DN này có 100 chủ nợ với số tiền hơn 943 tỷ đồng, bao gồm cả 108 tỷ đồng tiền nợ thuế và hơn 4,2 tỷ đồng nợ BHXH (tính đến 31/10/2017). Trong khi ấy, theo kết quả kiểm kê định giá tài sản, cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, máy móc có khả năng thu hồi chỉ khoảng 34 tỉ đồng.

Tại hội nghị, có 14/24 chủ nợ (tỷ lệ hơn 58) biểu quyết đề nghị tuyên bố phá sản Công ty vàng Bồng Miêu. Với kết quả này, hội nghị chủ nợ đã thông qua nghị quyết với phương án phá sản với Bồng Miêu.

Ngân hàng Nhà nước nói gì về việc khởi tố cựu Chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà?

NHNN khẳng định những sai phạm này đã xảy ra từ những năm trước đây và NHNN đã chỉ đạo BIDV khẩn trương chấn chỉnh,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phương Linh  ([Tên nguồn])
Bản tin tài chính kinh doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN