Nhận tin “dữ”, Quốc Cường Gia Lai mất thêm gần 180 tỷ đồng

Nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu QCG sau khi một dự án của Quốc Cường Gia Lai tại Đà Nẵng bị dừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản.

Thị trường chứng khoán hôm nay diễn biến tăng giảm trồi sụt với thanh khoản ở mức trung bình. Giá trị giao dịch toàn thị trường đạt gần 6.089 tỷ đồng, nhưng riêng trên HOSE, giao dịch thỏa thuận đã chiếm 1.870 tỷ đồng. Số mã giảm điểm áp đảo với 156 cổ phiếu, trong khi đó chi có 115 mã tăng giá. Kết thúc phiên đầu tuần, VN-Index tăng nhẹ 0,63 điểm lên 960,23 điểm, với 229,6 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng.

Các cổ phiếu “cứu tinh” cho thị trường hôm nay là nhóm dầu khí và ngân hàng. Cụ thể GAS tăng 2.500 đồng, PLX tăng 1.500 đồng, VCB tăng 500 đồng, BID tăng 300 đồng.

Những mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến chỉ số là VNM (giảm 1.700 đồng), SSI (giảm 450 đồng), BVH (giảm 2000 đồng). SAB của bia Sài Gòn Sabeco tiếp tục chuỗi ngày giảm giá khi mất 900 đồng sau những biến động về nhân sự và kế hoạch kinh doanh khiêm tốn trong năm 2018.

Sau khi được “quý nhân” giúp đỡ mua lại số trái phiếu “ế”, HAG của bầu Đức đã có phiên giao dịch khá tích cực khi tăng giá trong suốt thời gian giao dịch, khớp lệnh hơn 8,7 triệu cổ phiếu. Trong khi đó, HNG bất ngờ có một giao dịch thỏa thuận “khủng” tại giá sàn với 47,65 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng, trị giá tới gần 753 tỷ đồng. Kết phiên HNG giảm nhẹ 100 đồng, với hơn 1,3 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Nhận tin “dữ”, Quốc Cường Gia Lai mất thêm gần 180 tỷ đồng - 1

Dự án này từng thuộc tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai

Đáng chú ý nhất là diễn biến tiêu cực của QCG khi công ty và cổ đông nhận tin “dữ”. Theo đó, UBND thành phố Đà Nẵng mới đây đã có Công văn số 3767/UBND/QLĐTh gửi Sở Công thương, Sở Xây dựng, Công ty TNHH MTV Điện lực Đà Nẵng và Công ty CP Quốc Cường Gia Lai về việc tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại Tổ hợp Khu dân cư Thương mại - Dịch vụ đường 2 Tháng 9, quận Hải Châu.

Dự án trên của Quốc Cường Gia Lai dù được Sở Xây dựng phê duyệt quy hoạch hạ tầng kỹ thuật ngày 30-3-2016 và Sở Công thương thẩm định thiết kế bản vẽ thi công ngày 14-10-2016, tuy nhiên, hiện Công ty này vẫn chưa đầu tư hệ thống cung cấp điện cho dự án.

Dự án này từng được đầu tư bởi tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai nhưng sau đó đã chuyển nhượng lại cho Quốc Cường Gia Lai vào tháng 3 năm 2016. 

Nhận tin “dữ”, Quốc Cường Gia Lai mất thêm gần 180 tỷ đồng - 2

Cổ phiếu QCG của Quốc Cường Gia Lai bị bán tháo

Nhiều cá nhân mua đất tại khu vực dự án không có điện để sinh hoạt, kinh doanh. Sở Công thương Đà Nẵng đã đề nghị Công ty CP Quốc Cường Gia Lai khẩn trương đầu tư hệ thống điện trong ranh giới dự án; đồng thời, đề xuất các sở, ngành tạm ngừng cấp phép xây dựng và chuyển nhượng bất động sản tại dự án này cho đến khi Công ty CP Quốc Cường Gia Lai đầu tư hoàn thiện cơ sở hạ tầng theo Luật Kinh doanh bất động sản.

Với thông tin trên, cổ phiếu QCG đã lập tức bị nhà đầu tư bán tháo. Kết phiên, QCG “lau sàn” khi giảm 640 đồng xuống mức 8.560 đồng/cổ phiếu. Vốn hóa công ty mất 176 tỷ đồng. 

Đại gia nào đang cho Quốc Cường Gia Lai mượn cả ngàn tỷ đồng?

Lợi nhuận của Quốc Cường Gia Lai giảm sâu do chưa ghi nhận doanh thu từ căn hộ trong Quý II năm 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Sơn ([Tên nguồn])
Cường đô la và Đàm Thu Trang Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN