Nhà phố 'không được ở' vẫn có giá gần chục tỷ mỗi căn

Gần đây, shophouse (nhà phố thương mại) nổi lên như một loại hình đầu tư bất động sản kiểu mới. Shophouse hút khách bởi thiết kế, vị trí, tính thương mại... Tuy nhiên, người mua nhà cần tìm hiểu kỹ pháp lý loại hình này trước khi 'xuống tiền' bởi loại hình này chỉ được kinh doanh chứ không được coi là nhà ở.

Phân khúc shophouse không chỉ nở rộ ở các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM mà còn phát triển mạnh ở nhiều địa phương như Phú Quốc, Quảng Ninh, Đà Nẵng… Về kiến trúc bề ngoài, căn shophouse giống như những căn nhà phố hay nhà liền kề ở các khu đô thị. Tuy nhiên, shophouse không có hợp đồng mua bán nhà mà chỉ là hình thức thuê mua và quyền sở hữu giới hạn trong thời gian nhất định bởi đất xây dựng shophouse thường là đất thuê có thời hạn.

Tuy nhiên, vì ưu thế nằm tại những vị trí trung tâm, có thể kinh doanh và tận dụng để ở nên thời gian qua shophouse phát triển nhanh chóng.

Nhà phố 'không được ở' vẫn có giá gần chục tỷ mỗi căn - 1

Một dự án nhà phố thương mại shophouse. Ảnh minh họa.

Hàng loạt các shophouse tại những dự án lớn như: MonCity (Mỹ Đình, Nam Từ Liêm, Hà Nội), Vinhome Mễ Trì (Nam Từ Liêm, Hà Nội), Dương Nội (Hà Đông, Hà Nội)… ra hàng đến đâu hết đến đó. Thậm chí có những nơi mua đi, bán lại chênh lệch hàng trăm triệu đồng.

Anh Đình Hưng, giám đốc một văn phòng giao dịch bất động sản khu vực phía Tây Hà Nội chia sẻ, shophouse được nhà đầu tư lựa chọn nhiều do giá rẻ hơn nhà liền kề cùng khu vực và nằm tại vị trí trung tâm. Nhiều người mua shophouse sau đó cho thuê lại kiếm lời.

Hay như một chủ đầu tư cũng mới ra mắt một dự án với hàng trăm căn shophouse nằm trên đường Tố Hữu, quận Hà Đông (Hà Nội) dù mỗi căn có diện tích 50m2, cao 3,5 tầng cũng có giá 'bán' gần 10 tỷ đồng. Theo tìm hiểu của phóng viên, những hợp đồng này được chủ đầu tư 'lách' bằng hình thức cho thuê 50 năm nhưng thanh toán tiền 1 lần duy nhất. Dự án được xây dựng trên lô đất mà chủ đầu tư đấu giá trúng và ký hợp đồng thuê đất ở Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội. Trong hợp đồng thuê nhấn mạnh, mục đích sử dụng đất thuê để thực hiện dự án đầu tư Xây dựng cơ sở thương mại, dịch vụ.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một lãnh đạo doanh nghiệp là chủ đầu tư dự án này cho rằng: “Khi soạn thảo hợp đồng mua bán đã nghiên cứu về pháp lý. Với tên gọi nhà phố thương mại hay shophouse là do  'quen tai' còn trong luật là nhà thấp tầng. Quan trọng trong hợp đồng chúng tôi đã nói rõ mục đích sử dụng dự án là thương mại, dịch vụ chứ không phải là dự án nhà ở”. 

Vị cán bộ này cho biết thêm, với mục đích trên có nghĩa khách hàng mua dự án này chỉ được phép kinh doanh thương mại, dịch vụ và vì không phải dự án về nhà ở nên khách hàng không thể đăng ký tạm trú, tạm vắng. “Vì không phải nhà ở nên thiết kế các lô đất này đều phục vụ cho mục đích kinh doanh, dịch vụ. Mỗi tầng là một sàn không thiết kế phòng ngủ, bếp như thiết kế nhà để ở. Khách hàng họ chỉ được đăng ký kinh doanh còn không được đăng ký để lưu trú như nhà ở", vị này nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo doanh nghiệp này, đất dự án là thuê của thành phố có thời hạn, được doanh nghiệp trả tiền thuê 1 lần. Việc ký hợp đồng mua bán với khách hàng là chủ đầu tư bán tài sản trên đất chứ không phải bán quyền sử dụng đất. “Chúng tôi bán cho khách hàng tài sản trên đất là ngôi nhà 3 tầng, 1 tum mà chúng tôi đầu tư xây dựng”, vị này nói rõ.

Trao đổi với Tiền Phong, một lãnh đạo Sở Xây dựng Hà Nội cho rằng, vì trong luật cũng chưa cấm nên nhiều chủ đầu tư đã lựa chọn bán nhà phố thương mại shophouse thay vì bán nhà 'kiểu' liền kề. Vị này cho rằng, người mua nhà phải cân nhắc trước khi mua bán và điều 'thiệt thòi' là không được phép đăng ký tạm trú, tạm vắng ở những căn shophouse này vì mục đích không phải để ở.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Mai (Tiền phong)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN