Năm 2020 mới xử lý xong 12 dự án thua lỗ

Sự kiện: Kinh Doanh

Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, doanh nghiệp; làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật…

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh vừa có báo cáo về tình hình xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án, doanh nghiệp (DN) chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương gửi đến đại biểu Quốc hội tại kỳ họp đang diễn ra.

Tổng lỗ 16.126 tỉ đồng, tổng nợ 55.063 tỉ đồng

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá 12 dự án tồn tại, yếu kém, chậm tiến độ, kém hiệu quả đều có quy mô đầu tư lớn, thuộc nhóm A. Tuy nhiên, những khuyết điểm, sai sót, thậm chí sai phạm trong quá trình đầu tư, xây dựng, vận hành và khai thác đã làm cho các dự án, DN rơi vào tình trạng dở dang hoặc hoạt động thua lỗ, kém hiệu quả, phải điều chỉnh tổng mức đầu tư lên cao so với dự toán ban đầu; hầu hết các gói thầu EPC của dự án, DN đều có phát sinh tranh chấp giữa chủ đầu tư với nhà thầu và chưa được xử lý triệt để; khi đi vào vận hành sản xuất đều gặp khó khăn về tài chính, nhân sự và thị trường.

Năm 2020 mới xử lý xong 12 dự án thua lỗ - 1

Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, một trong 12 dự án kém hiệu quả của ngành Công Thương Ảnh: TỬ TRỰC

Trong 12 dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả của ngành Công Thương, 6 nhà máy đang vận hành sản xuất, kinh doanh nhưng thua lỗ (4 nhà máy sản xuất phân bón; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS) và Nhà máy Thép Việt Trung); 3 dự án dừng thi công do chi phí tăng cao và thiếu vốn (sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ, mở rộng giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên, Nhà máy Bột giấy Phương Nam); 3 nhà máy phải dừng sản xuất do giá thành cao, thua lỗ lớn (Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Dung Quất, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước, Nhà máy Sản xuất xơ sợi Đình Vũ - PVTex).

Tổng mức đầu tư ban đầu của 12 dự án nêu trên là 43.673,63 tỉ đồng, sau đó được phê duyệt điều chỉnh tăng lên 63.610,96 tỉ đồng (tăng 45,65%). Trong đó, vốn chủ sở hữu 14.350,04 tỉ đồng, chiếm 22,56%; vốn vay 47.451,24 tỉ đồng, chiếm 74,6%; còn lại 2,84% là từ các nguồn khác. Vốn vay các ngân hàng trong nước 41.801,24 tỉ đồng, trong đó vay Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) 16.858,63 tỉ đồng và vay nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 6.617,24 tỉ đồng.

Tổng số lỗ lũy kế của 10 nhà máy đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất tới thời điểm 31-12-2016 là 16.126,02 tỉ đồng, tổng số vốn chủ sở hữu của các nhà máy này còn lại là 3.985,14 tỉ đồng; tổng tài sản của 12 nhà máy 57.679,02 tỉ đồng; tổng nợ phải trả 55.063,38 tỉ đồng, trong đó nợ phải trả VDB 10.633,43 tỉ đồng và nợ phải trả nước ngoài có bảo lãnh của Chính phủ là 4.299,83 tỉ đồng. Trong đó, tổng số vốn đã giải ngân của 3 dự án dở dang, đang dừng thi công là 8.614 tỉ đồng, trên tổng nguồn thanh toán dự kiến 13.066 tỉ đồng.

Có thể cho phá sản

Theo Bộ Công Thương, quan điểm của Chính phủ là kiên quyết xử lý các dự án, DN thua lỗ, kém hiệu quả theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các DN; nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, DN. Bảo đảm thực hiện các phương án xử lý theo đúng quy định của pháp luật, công khai; hết sức lưu ý đối với khâu định giá tài sản, nhất là giá trị quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất. Tiến hành thanh tra, kiểm toán, điều tra làm rõ những sai phạm, vi phạm pháp luật ở từng dự án, DN; làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, tổ chức liên quan; xử lý nghiêm minh và sớm hoàn tất các thủ tục tố tụng theo quy định của pháp luật; không để tái diễn những yếu kém, khuyết điểm trong quá trình quản lý điều hành đối với DN nhà nước như thời gian qua.

Để xử lý các dự án, DN chậm tiến độ, kém hiệu quả, ngành Công Thương xác định đối với nhóm 4 dự án nhà máy sản xuất phân bón, gồm Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng là tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Sau khi hoạt động có hiệu quả sẽ thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước khỏi DN (dự kiến sau năm 2018).

Đối với nhóm 3 dự án sản xuất nhiên liệu sinh học, Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại trước khi các đơn vị của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ ưu tiên chọn phương án Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PVOIL) chuyển nhượng/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án thực hiện không thành công sẽ xem xét lựa chọn các phương án còn lại, như tiếp tục triển khai dự án với nhà thầu là Tổng Công ty CP Xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); tiếp tục triển khai dự án, thanh lý hợp đồng với nhà thầu PVC để tìm nhà thầu khác hoặc dừng triển khai dự án, cho phá sản công ty.

Còn dự án Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước thì ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại trước khi PVOIL chuyển nhượng vốn/thoái vốn khỏi dự án. Trong trường hợp phương án thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn phương án cho thuê tài chính - bán tài sản.

Đối với nhóm 2 dự án đầu tư sản xuất thép, dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên ưu tiên chọn phương án thoái vốn nhà nước và tái cơ cấu lại Công ty CP Gang thép Thái Nguyên. Trong trường hợp phương án thực hiện không thành công sẽ xem xét cân nhắc lựa chọn các phương án bán dự án hoặc kêu gọi DN, nhà đầu tư góp vốn. Dự án khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai tập trung xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.

Đối với dự án Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ, ưu tiên chọn phương án khởi động, vận hành lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn hoặc phương án Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi dầu khí (PVTex) chuyển nhượng công ty. Trong trường hợp cả 2 phương án triển khai không thành công thì sẽ xem xét phương án phá sản theo quy định.

Đối với Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS), ưu tiên chọn phương án chuyển đổi sở hữu thông qua định giá, bán đấu giá tài sản, công nợ. Trong trường hợp phương án thực hiện không thành công sẽ chuyển sang phương án phá sản.

Đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam, đã khẩn trương tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc để tiếp tục triển khai tổ chức bán đấu giá đối với toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho của dự án; đồng thời, Tổng Công ty Giấy Việt Nam tiếp tục tập trung thu hồi các khoản nợ phải thu của dự án; lập báo cáo tình hình thực hiện các khoản nợ phải thu, phải trả của dự án đến thời điểm 31-12- 2016.

Về lộ trình xử lý, Bộ Công Thương cho biết trong năm 2017 là hoàn thành phương án xử lý đối với từng dự án, DN và kế hoạch chi tiết tổ chức triển khai thực hiện. Đến hết năm 2018, phấn đấu xử lý căn bản các tồn tại, yếu kém và đến năm 2020, hoàn thành việc xử lý tồn tại, yếu kém ở các dự án, DN.

12 dự án kém hiệu quả

Theo Bộ Công Thương, 12 dự án tồn tại, yếu kém, chậm tiến độ, kém hiệu quả gồm: Nhà máy Sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ (PVTex); Nhà máy Bột giấy Phương Nam; mở rộng sản xuất giai đoạn 2 Nhà máy Gang thép Thái Nguyên (TISCO); Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi; Nhà máy Sản xuất đạm Ninh Bình; Nhà máy Sản xuất đạm Hà Bắc; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai; Nhà máy Sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng; Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ; Nhà máy Sản xuất nhiên liệu sinh học Bình Phước; Công ty TNHH MTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); khai thác và tuyển quặng sắt mỏ Quý Xa và dự án Nhà máy Gang thép Lào Cai.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Trân (Người lao động)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN