Mua lại nhà tái định cư trả góp, nguy cơ không có sổ đỏ

Thực trạng mua lại nhà ở tái định cư đang diễn ra phổ biến cho dù hoạt động này tiềm ẩn nguy cơ tranh chấp rất cao.

Ồ ạt bán nhà tái định cư trả góp

Mới đây, Sở Xây dựng TP.HCM đã có văn bản báo cáo tình trạng đầu tư xây dựng, chất lượng và quản lý sử dụng nhà tái định cư trên địa bàn. Theo ông Nguyễn Văn Danh, Phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM, giai đoạn 2006 - 2010 đa phần người dân lựa chọn phương thức nhận nhà tái định cư thay vì nhận tiền mặt. Tuy nhiên, giai đoạn từ năm 2011 đến nay, hộ gia đình, cá nhân đủ điều kiện kinh tế lựa chọn nhận tiền mặt để tự lo nơi ở mới. Số còn lại do không đủ khả năng mua nhà thương mại, đã lựa chọn nhà tái định cư để được thuê mua, trả góp. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhiều căn hộ tái định cư được mua bán sang nhượng qua nhiều vòng đời… bất chấp quy định của pháp luật.

Khảo sát tại chung cư tái định cư số 203 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh (quận 1, TP.HCM), anh Văn cho biết, gia đình mua căn hộ này không có sổ đỏ vì chủ nhà còn dang dở một khoản tiền trả góp hàng tháng cho Nhà nước. Sau khi mua lại, anh Văn tiếp tục “đóng hộ” số tiền còn lại. Điều đáng nói, chính anh Văn cũng không biết căn nhà này đã qua tay bao nhiêu chủ. “Tôi chỉ được chủ nhà bán hướng dẫn để ký hợp đồng với F1, người đầu tiên mua lại căn nhà này của người tái định cư”, anh Văn chia sẻ.

Tương tự như vậy, tại chung cư Bình Khánh, quận 2, đây là khu tái định cư cho cư dân ở Thủ Thiêm, quận 4 và Cát Lái… tình trạng mua bán lại căn hộ tái định cư đang trả góp diễn ra nhan nhản. Người tới mua có thể mua lại của F1, F2, F3… chứ hiếm có trường hợp mua lại từ chính những người được Nhà nước phân suất tái định cư.

Điều đáng nói, chính nhược điểm của “nhà tái định cư đang trả góp từ từ cho Nhà nước” lại được những tay cò quảng bá như ưu điểm tới những người mua nhà. Trong khi quy định chỉ có người được hưởng suất nhà tái định cư mới được sang tên làm giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà ở (sổ hồng), thì lại bị cò mồi cố tình “lờ” đi.

“Hầu hết, các hộ dân bị di dời có thu nhập thấp, nên sau khi được bố trí tái định cư thuê mua trả góp đều công việc không ổn định. Dẫn đến không ít trường hợp chuyển nhượng suất tái định cư để hưởng chênh lệch. Điều này dẫn tới thực trạng những người được sang lại suất tái định cư không thuộc diện được Nhà nước công nhận về quyền sở hữu nên không thể thực hiện các nghĩa vụ tài chính liên quan… vì vậy Nhà nước rất khó khăn trong việc thu hồi chi phí đầu tư xây dựng”, đại diện Sở Xây dựng khẳng định.

Mua lại nhà tái định cư trả góp, nguy cơ không có sổ đỏ - 1

Tình trạng mua bán chung cư tái định cư diễn ra phổ biến tại TP HCM (Trong ảnh: Chung cư tái định cư số 203 Nguyễn Trãi, phường Nguyễn Cư Trinh)

Chỉ cấp sổ hồng cho chính chủ được tái định cư

Sau khi quyết định mua lại căn hộ tái định cư tại 203 Nguyễn Trãi (quận1, TP.HCM), chị T. đã đặt cọc và thỏa thuận về tiến độ thanh toán. Vì muốn được nhận sổ hồng, chị T. đã nhờ người bán cho mình liên hệ với “chủ gốc” - người được mua nhà tái định cư trả góp. Sau đó 2 ngày, chị T. nhận được câu trả lời: “Chủ nhà đang ở Hàn Quốc, chưa biết bao giờ về nên chưa thể làm thủ tục để ra sổ”. Kể từ đó, hợp đồng mua bán giữa chị T. và chủ nhà “tạm” xảy ra tranh chấp đối với khoản tiền cọc.

Trao đổi với Báo Giao thông, lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM khẳng định, chỉ người dân được nhận nhà tái định cư mới được đứng tên, ra sổ hồng. Về nguyên tắc người được tái định cư có quyền được quyền quyết định tự định đoạt căn nhà của mình nhưng phải đúng pháp luật. Chẳng hạn như, phải hoàn tất các nghĩa vụ liên quan, ra giấy tờ cho người dân tái định cư xong rồi mới được bán.

“Riêng đối với trường hợp mua bán nhà tái định cư với những căn nhà hình thành trong tương lai. Người được tái định cư có quyết định được mua và có hợp đồng mua bán thì thực hiện theo Luật Kinh doanh bất động sản. Nghĩa là được chuyển nhượng hợp đồng mua bán đó và người mua kế thừa toàn bộ quyền và nghĩa vụ. Tuy nhiên, với những căn nhà giao nhà và đang trả góp thì việc mua bán sang tay rủi ro khó lường. Vì giấy tờ nhà khi đóng xong tiền vẫn phải sang tên người được suất mua tái định cư này”, lãnh đạo Sở Xây dựng nói.

Theo chuyên gia kinh tế Dương Vũ, quy định chỉ cấp sổ hồng cho người được Nhà nước cấp suất nhà ở tái định cư, sẽ khiến người mua lại gặp rủi ro và có nguy cơ mất trắng. “Sau nhiều vòng đời mua bán lại nhà tái định cư, người được nhà cấp suất tái định cư có thể thay đổi chỗ ở, đi nước ngoài… thậm chí là chết. Khi đó, người mua lại những căn nhà tái định cư trả góp, mặc dù đã đóng tiền nhưng không có cách nào để ra sổ đỏ (tên chủ cũ) và sang tên mình được”, ông Vũ phân tích.

Phía Sở Xây dựng TP.HCM cũng cho hay, công tác tái định cư lâu nay chủ yếu để người dân có chỗ ở chứ chưa quan tâm đến không gian sống và các chính sách an sinh xã hội. Như đào tạo nghề, giải quyết công ăn việc làm và phục hồi thu nhập, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân sau khi di dời, tái định cư. Bởi vậy mới dẫn đến thực trạng người dân nghèo chọn hình thức mua nhà trả góp đã bán lại nhà. Và hệ quả là điểm nghẽn hiện nay nhiều chủ đầu tư dự án nhà chưa thể hoàn tất nghĩa vụ tài chính, dẫn đến việc chậm cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu đất và quyền sở hữu nhà ở cho người dân đã được bố trí tái định cư.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Yên Trang ([Tên nguồn])
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN