Máy bay Boeing bị "bỏ rơi" cả thập kỷ ở sân bay Nội Bài giờ ra sao?

Sự kiện: Kinh Doanh

Trong suốt 1 thập kỷ bị “bỏ rơi” tại sân bay Nội Bài, chiếc máy bay Boeing 727 – 200 nhiều lần được Cục Hàng không Việt Nam rao bán thanh lý nhưng lại chẳng hề có người tới mua.

Máy bay Boeing B727-200 mang tên Air Dream thuộc Hãng hàng không Royal Khmer Airlines (RKA), quốc tịch Campuchia, khai thác tuyến Hà Nội - Siem Reap - Hà Nội do gặp sự cố đã đỗ lại sân bay quốc tế Nội Bài từ tháng 5/2007 đến nay.

Mặc dù Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần trao đổi với đại diện hãng Royal Khmer Airlines về việc khắc phục sự cố, di dời máy bay khỏi sân bay Nội Bài và thanh toán phí lưu đỗ tuy nhiên, hãng này không thực hiện cũng như không có liên hệ nào.

Ủy ban Nhà nước về hàng không dân dụng của Campuchia sau đó thông báo: Giấy chứng nhận khai thác của hãng hàng không Royal Khmer Airlines đã bị thu hồi, máy bay B727-200 này bị xóa đăng ký quốc tịch Campuchia. Do đó, Cục Hàng không Việt Nam có thể xử lý máy bay này theo các quy định của pháp luật Việt Nam.

Về tình trạng kỹ thuật hiện tại của máy bay B727-200, Cục Hàng không đánh giá là đã xuống cấp trầm trọng, hỏng hóc nặng; máy bay không có lý lịch quản lý, không có hồ sơ bảo dưỡng. Chiếc Boeing bị bỏ rơi cũng được xác nhận đã hết khả năng bay và không thể khôi phục để phục vụ vận tải hàng không.

Máy bay Boeing bị "bỏ rơi" cả thập kỷ ở sân bay Nội Bài giờ ra sao? - 1

Cận cảnh chiếc máy bay Boeing bị bỏ rơi, "phơi nắng dầm mưa" tại sân bay Nội Bài.

Trong suốt 10 năm qua, đã nhiều lần các cơ quan chức năng lên phương án thanh lý chiếc máy bay nói trên, tuy nhiên tới nay vẫn không hề có người tới mua mặc dù cả chiếc máy bay thương mại “sừng sững” giờ nhiều khả năng sẽ chỉ bán được theo giá sắt vụn.

Mới đây nhất, hồi đầu tháng 2/2017, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã chỉ đạo xác lập quyền sở hữu Nhà nước và phương án xử lý đối với máy bay Boeing 727 này.

Cụ thể, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đồng ý cho Cục Hàng không Việt Nam thực hiện xác lập quyền sở hữu Nhà nước đối với máy bay Boeing 727-200, trên cơ sở vận dụng các quy định tại Nghị định 29/2014/NĐ-CP của Chính phủ.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng chấp thuận phương án bán đấu giá đối với chiếc máy bay nói trên và giao bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện bán đấu giá tài sản theo đúng quy định.

Số tiền thu được từ việc bán đấu giá tài sản sau khi trừ chi phí liên quan được nộp vào ngân sách Nhà nước. Trường hợp số tiền thu được từ bán đấu giá không đủ để thanh toán các khoản chi phí (ước tính đã lên tới hơn 10 tỷ đồng), đề nghị hỗ trợ từ ngân sách.

Đây không phải lần đầu tiên chiếc máy bay này được đặt vấn đề thanh lý. Trước đó, vào năm 2011, Trưởng ban vận tải hàng không Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, chiếc máy bay này chưa thể thanh lý, bởi không có quy định về bán đấu giá máy bay ở Việt Nam.

Đến cuối năm 2014, Cục Hàng không Việt Nam đã có văn bản gửi nhà chức trách Campuchia thông báo về việc quyết thanh lý, di dời chiếc máy bay Boeing 727-200 theo đúng quy định.

Một số phương án xử lý khác cũng đã được đưa ra như, Học viện Hàng không xin chiếc máy bay dùng để làm giáo cụ nhưng không được chấp nhận vì liên quan đến việc xử lý phí dịch vụ cho đơn vị trông giữ tàu là Tổng công ty Cảng Hàng không Việt Nam.

Mới đây nhất, ngày 28/10, trả lời Zing.vn, ông Trịnh Quốc Tuấn, Chánh văn phòng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, sau khi có chỉ đạo của Bộ, Cục đã gấp rút tìm đơn vị thẩm định giá chiếc Boeing 727-200. 

Tuy nhiên, khó khăn nhất là chưa tìm được cơ quan thẩm định. Cục Hàng không đã liên hệ với một số đơn vị thẩm định trong nước nhưng họ chưa nhận lời. Ngoài ra, chiếc máy bay không có bất cứ giấy tờ gì nên khó xác định giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Ly (Người đưa tin)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN