Lỗ đậm vì chứng khoán lao dốc

Chỉ trong thời gian ngắn, VN-Index mất gần 200 điểm (hơn 15%) khiến nhiều nhà đầu tư trở tay không kịp, phải khóc ròng

Từ thời điểm đạt đỉnh hơn 1.211 điểm vào ngày 9-4 đến nay, VN-Index đã mất tới gần 190 điểm, tương ứng 15%. Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư đã thua lỗ rất lớn khi nhiều cổ phiếu mất 30%-40% giá trị.

Không kịp trở tay

Đóng cửa phiên giao dịch chứng khoán ngày 3-5, HNX-Index trên sàn Hà Nội tăng nhẹ 1,54 điểm, lên 122,51 điểm, trong khi VN-Index trên sàn TP HCM vẫn giảm 2,62 điểm chốt phiên ở 1.026,46 điểm. Trước đó, trong phiên giao dịch, trước áp lực bán của hàng loạt cổ phiếu chủ chốt, VN-Index có thời điểm mất tới hơn 25 điểm xuống chỉ còn 1.004 điểm.

Lỗ đậm vì chứng khoán lao dốc - 1

Rất nhiều nhà đầu tư thua lỗ lớn trước làn sóng bán tháo trên thị trường chứng khoán

Sáng 3-5, gặp chúng tôi tại sàn của Công ty Chứng khoán Bản Việt, khi VN-Index đang rớt hơn 20 điểm, chị Hoàng Thanh (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM) buồn rầu kể chị đã mất gần 200 triệu đồng chỉ sau 2 tuần mua mã HBC. Cụ thể, ngày 18-4, một người bạn rủ chị mua cổ phiếu HBC vì được tin sắp tới sẽ được chia cổ tức 50% bằng cổ phiếu và 5% bằng tiền mặt. Ngay sau đó, chị nói môi giới đặt lệnh khớp 20.000 cổ phiếu HBC với giá 47.900 đồng/cổ phiếu (tổng số tiền gần 960 triệu đồng). Đáng buồn là khi vừa khớp lệnh, VN-Index liên tục lao dốc suốt từ đó đến nay. Cổ phiếu HBC theo đó cũng lao dốc chỉ còn 38.150 đồng/cổ phiếu và chỉ tăng nhẹ lên 41.000 đồng vài phiên gần đây.

Xót hơn nữa là trường hợp của anh Phạm Hải Hà (ngụ quận 8, TP HCM), người đang nắm giữ trên gần 50.000 cổ phiếu SCR. Anh Hà mua cổ phiếu này với mức giá 11.000 đồng cách đây hơn 8 tháng. Đến đầu tháng 4, cổ phiếu SCR vượt lên trên 14.000 đồng, nhiều người khuyên anh bán để chốt lãi 30%. Nhưng trong cơn "say máu", anh Hà vẫn giữ để chờ lên 15.000 đồng, nếu tốt có thể lên 18.000 đồng/cổ phiếu. Đến nay, khi cổ phiếu "đảo chiều" chỉ còn hơn 10.000 đồng, anh Hà lỗ ngược tới 40% giá trị.

Trao đổi với chuyên viên môi giới tại các công ty chứng khoán thời điểm này, phóng viên đều nhận được câu trả lời chung đó là nhiều nhà đầu tư không "thoát" ra kịp, đã thua lỗ rất nặng, nhất là những người tham gia "bắt đáy" trong khoảng 2-3 tuần trở lại đây. Những người này mua vào đúng "đỉnh", không kịp trở tay nên chỉ biết khóc mà nhìn cổ phiếu "lao dốc" vì bán cũng không được, mua cũng chẳng xong.

Giảm tới mức nào?

Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Chứng khoán Sài Gòn (SSI), nhận định việc thị trường chứng khoán giảm mạnh những ngày qua là do thị trường đã tăng quá nhiều và không thể tăng mãi. Điều này không hẳn là quá xấu nhưng ông lo lắng nhất về động thái của khối ngoại liên tục bán ròng và những diễn biến khó lường của nền kinh tế thế giới.

Thực tế, thị trường chứng khoán giảm mạnh thời gian gần đây là do chịu ảnh hướng lớn từ động thái bán ròng của khối ngoại. Trước đó, khối này đã mua ròng 5 quý liên tiếp (từ đầu năm 2017 tới cuối quý I/2018) với tổng giá trị gần 11.100 tỉ đồng, gần đây lại quay ra bán ròng liên tục. Trong tháng 4 vừa qua, nếu trừ đi các giao dịch thỏa thuận 3.600 tỉ đồng từ cổ phiếu NVL thì khối này đã bán ròng 2.000 tỉ đồng. Chỉ riêng 2 phiên đầu tháng 5, họ đã bán ròng tới gần 1.400 tỉ đồng, một con số rất lớn.

Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SJC Huỳnh Anh Tuấn cũng đồng tình với quan điểm thị trường giảm vừa qua là câu chuyện "tăng quá đà, đi nhanh quá trong thời gian ngắn nên rớt nhanh" và cũng chủ yếu tập trung vào những cổ phiếu vốn hóa lớn. Điều dễ hiểu là trước đây những mã này đã tăng mạnh.

Theo ông Tuấn, thị trường giảm ngoài yếu tố nước ngoài tác động và một số cổ phiếu bị công ty chứng khoán bán giải chấp để thu hồi nợ thì yếu tố về hoạt động kinh doanh của ngân hàng và các doanh nghiệp lớn không như kỳ vọng cũng tác động không nhỏ đến giá cổ phiếu. Vì trước đó, các mã này đã tăng gấp 2-3 lần. "Nhiều người nói VN-Index phải về mức 900 điểm thì mới tăng lại nhưng tôi lại cho rằng thị trường giảm đến mức nào không còn quan trọng mà cái chính ở đây là động thái bán ra của nhà đầu tư nước ngoài vẫn chưa dừng lại. Chỉ khi nào họ không bán ròng nữa thì thị trường mới không còn giảm mạnh. Đó cũng là lý do nhà đầu tư nên thận trọng cơ cấu lại danh mục" - ông Tuấn nhấn mạnh.

Chuyên gia tài chính chứng khoán Phan Dũng Khánh lưu ý nhà đầu tư trong giai đoạn này cần thận trọng, nên đứng ngoài thị trường. Còn nếu muốn đầu tư và chấp nhận rủi ro có thể mua vào các mã chứng khoán thuộc nhóm cổ phiếu nhỏ (penny) bởi nhóm cổ phiếu này không giảm nhiều trong thời gian qua, thậm chí có nhiều mã huề vốn hoặc tăng giá trong khi thị trường giảm mạnh. Đối với thị trường chứng khoán phái sinh, nhà đầu tư nên mở vị thế bán, bởi thị trường xuống sẽ có cơ hội kiếm lãi. "Trong thời gian tới, thị trường sẽ có những đợt hồi phục. Đó chính là cơ hội để nhà đầu tư bán ra cổ phiếu, nhất là cổ phiếu blue chips và mã ngân hàng vì đã dẫn dắt thị trường trong thời gian dài" - ông Khánh nhận định. 

Mất 20 tỉ USD vốn hóa

Theo Bloomberg, sự sụt giảm mạnh từ giữa tháng 4 đến nay đã khiến thị trường chứng khoán Việt Nam đánh mất vị trí là thị trường tăng trưởng ấn tượng nhất châu Á từ đầu năm 2018 xuống thành thị trường chứng khoán giảm mạnh nhất thế giới chỉ trong tháng 4. Với việc giảm mạnh trong khoảng thời gian từ đầu tháng 4 đến nay, giá trị vốn hóa thị trường Việt Nam đã giảm khoảng 20 tỉ USD. Từ đó, ngôi vị dẫn đầu châu Á về tăng trưởng đã thuộc về thị trường chứng khoán Singapore.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung (Người lao động)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN