Không dùng ngân sách chi tiếp khách bia rượu

Việt Nam đang là nước tiêu thụ bia rượu lớn nhất trong khu vực. TS Lê Đăng Doanh cho rằng không thể dùng ngân sách chi cho việc tiếp khách bia rượu.

Bác sĩ Phạm Hoàng Anh - chuyên gia của Tổ chức HealthBridge (Canada) cho biết: Theo số liệu nghiên cứu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam, mức tiêu thụ cồn bình quân đầu người trên 15 tuổi ở Việt Nam tăng từ 3,8 lít/người năm 2005 lên 6,6 lít/người năm 2010. Lượng tiêu thụ rượu bia từ 2,8 tỷ lít năm 2012 lên hơn 3 tỷ lít năm 2013 (nguồn Bộ Công Thương năm 2014), Việt Nam trở thành quốc gia tiêu thụ bia cao nhất Đông Nam Á và đứng thứ 3 châu Á, chỉ sau Nhật Bản, Trung Quốc. 

Kèm theo đó là gia tăng về tỷ lệ cũng như mức độ lạm dụng rượu bia ở thanh thiếu niên. Bia rượu thủ phạm gây tử vong thứ 4 trên thế giới đã được các nhà khoa học lên tiếng cảnh báo.

Không dùng ngân sách chi tiếp khách bia rượu - 1

Ảnh minh họa.

Đánh giá về tình trạng uống bia rượu của Việt Nam, TS Lê Đăng Doanh chuyên gia kinh tế thực sự lo ngại cho việc người Việt đặc biệt là thế hệ trẻ chi tiền và dành thời gian cho việc uống bia rượu. 

So sánh số tiền 3 tỷ USD mỗi năm dành cho bia rượu với việc nợ công đang tăng thực sự là điều đáng bàn. Hiện nay, dân số nước ta có khoảng 93 triệu người xếp thứ 14 trong 209 nước. Về GDP chúng ta có 187 tỷ đô la xếp thứ 50/194 nền kinh tế. Bình quân theo đầu người vượt qua nước nghèo, tham gia vào nhóm nước có thu nhập trung bình 100 - 5000 USD thì chúng ta đạt 2500 USD/người/năm. 

Nhưng TS Doanh cho rằng thu nhập ròng người Việt Nam có thể sử dụng được là 1890 USD tức giảm 162 USD có nghĩa chúng ta dựa quá nhiều vào nhà đầu tư nước ngoài. Những nhà đầu tư nước ngoài khi có lợi nhuận họ sẽ mang lợi nhuận về nước họ và xuất khẩu, nhập khẩu rất cao nhưng vẫn phụ thuộc vào thị trường thế giới. 

Mới đây, Bộ Kế hoạch đầu tư có triệu tập một số chuyên gia phối hợp với Ngân hàng thế giới để xây dựng báo cáo Việt Nam 2055, dự kiến 6/11 tới có Phó Chủ tịch Ngân hàng thế giới sang Việt Nam trao cho Thủ tướng Việt Nam. Kịch bản này đã được tính toán bởi các chuyên gia nếu đà phát triển liên tục với tốc độ 3,5 % đến năm 2055 thì chúng ta bằng Thái Lan bây giờ, tăng trưởng 5 % bằng Malaxia bây giờ, tăng trưởng 6,55 % thì sẽ bằng Chi Lê bây giờ, nếu như tăng trưởng 7 % thì ta được bằng Hàn Quốc năm 2000 như vậy chế độ tụt hậu của nước ta so với các nước bây giờ là điều chúng ta phải chú ý trong xem xét trong câu chuyện hiện nay. 

Trong khi đó, TS Lê Đăng Doanh cho rằng thực sự đáng báo động khi thế hệ trẻ Việt Nam hiện nay rất nghiện bia rượu. Cứ đến buổi chiều, các quán xá tràn ngoài người uống bia. Họ uống từ chiều tới đêm khuya. Ông lo ngại  uống như vậy người ta làm gì có sức khỏe để học tập và lao động. Giới trẻ tiêu thời gian thật thoải mái cũng như tiêu cả tiền bạc cho bia rượu. Đặc biệt, hiện nay một số địa phương bao giờ cũng ép uống say và khi nào say lăn cu đơ ra đó thì được mọi người tán thưởng là nhiệt tình, được đánh giá cao. Còn người uống ít chưa say thì bị đánh giá là thiếu chân tình. TS Doanh cho rằng không có cái thước đo tình bạn, mối quan hệ nào bằng bia rượu. 

Hiện nay, đường đồ thị tiêu thụ bia rượu ở nước ta đang tăng lên, bài toán lúc này là làm thế nào để cái đường đang tăng đó chững lại rồi giảm xuống. Tuy nhiên, điều này rất khó khăn. Vì qua nghiên cứu xã hội học người ta đánh giá việc say xưa này là thói quen phi hình thức. Trước kia ở Liên Xô người ta đã ra lệnh cấm bán rượu bia nhưng sau đó đã thất bại vì người ta xếp hàng dài mua nước hoa, đặc biệt nước hoa của phụ nữ có 30 % hàm lượng rượu họ mua để uống thay rượu. Việc đó, vô cùng hại cho sức kh ỏe của người ta và hiện nay họ vẫn uống rất nhiều rượu, tuổi thọ trung bình đàn ông Nga chỉ 52 tuổi. Trong khi đó Thụy Điển lại thành công trong việc đánh thuế rất cao đối với rượu. Rượu 30 độ Thụy Điển đánh mức thuế cao "lè lưỡi" khiến không ai dám mua rượu. Đặc biệt, Thụy Điển quy định rõ ràng việc bán rượu là của cửa hiệu nhà nước, muốn mua rượu bia phải đủ 18 tuổi. Vì thế, ở Thụy Điển việc uống rượu bia rất khác biệt Việt Nam. 

Đặc biệt, TS Doanh cho rằng không thể dùng ngân sách chi cho việc tiếp khách bia rượu. TS Doanh chia sẻ như trường hợp ở Hà Tĩnh yêu cầu cán bộ phải dùng một loại bia là hoàn toàn không được. Với việc nợ công đang tăng, sự lạc hậu của nước ta so với các nước trong khu vực thì việc cắt giảm ngân sách cho việc tiếp khách có bia rượu là thực sự cần thiết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phúc Mai (Infonet)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN