Khai Xuân, chứng khoán bùng nổ, vàng phập phù

Trong ngày đầu tiên của năm mới, nhà đầu tư chứng khoán đã có một phiên khai xuân tưng bừng. Trái ngược, thị trường vàng giao dịch thận trọng, giá giảm.

Chứng khoán bùng nổ phiên khai xuân

Thị trường chứng khoán đã có một phiên giao dịch đầu năm Mậu Tuất khởi sắc. Sắc xanh phủ kín trên các sàn giao dịch ngay từ những phút đầu tiên khai trương. Một số ý kiến cho rằng, điều này xuất phát từ động lực của hai phiên tăng điểm mạnh cuối năm 2017 và niềm tin của giới đầu tư vào sự tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, có một yếu tố khác là thị trường chứng khoán thế giới tăng khá mạnh trong suốt thời gian thị trường trong nước nghỉ Tết. Điều này đã tạo hiệu ứng và tác động tới thị trường chứng khoán trong nước.

Tiền đổ vào ngân hàng sau Tết

Trước Tết, doanh nghiệp rút tiền cho tiêu thì sau Tết dòng tiền cũng sẽ quay trở lại với ngân hàng. Do đó, một số ngân hàng sẽ tận dụng cơ hội này để thu hút người gửi. Thậm chí, có một số ngân hàng đã công bố nâng lãi suất huy động ngay trước Tết để hút vốn từ dân. Lãnh đạo một ngân hàng cho biết, diễn biến dòng tiền vào ngân hàng sau Tết là chu kỳ “chảy” tự nhiên của dòng tiền. Tuy nhiên, theo vị này cũng cho rằng, hiện người dân đã thay đổi tư duy so với trước đây. Bởi khi mang tiền gửi vào ngân hàng, phần lớn khách hàng sẽ chọn yếu tố an toàn đầu tiên, sau đó mới tới yếu tố lãi suất.

Trong phiên đầu năm mới, nhà đầu tư không chỉ hướng dòng tiền vào một số mã cổ phiếu lớn mà lan tỏa đều khắp thị trường đúng như nhận định trước đó của Công ty CP Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC). BSC cho rằng, thị trường hồi phục trên diện rộng không chỉ ở các mã cổ phiếu trụ và vốn hóa lớn sẽ tạo tâm lý tốt cho giai đoạn sau kỳ nghỉ Tết khiến nhà đầu tư giải phóng lượng tiền mới vào thị trường. Theo thống kê, thanh khoản toàn thị trường đạt 232 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 6.620 tỷ đồng. Dù thanh khoản không bứt phá nhưng đáng mừng là cả ba chỉ số của thị trường đều tăng điểm. Trong đó, chỉ số VN-Index tăng mạnh mẽ 27,42 điểm (2,59%) lên 1.087,15 điểm khi đóng cửa; HNX-Index cũng tăng 1,54 điểm (1,24%) lên 125,85 điểm và Upcom-Index tăng 0,88 điểm (1,5%) lên 59,37 điểm.

Trong đó, tăng cực mạnh và đều là nhóm cổ phiếu ngân hàng. Ngoài ra, các cổ phiếu “nóng” khác trong lĩnh vực chứng khoán, bất động sản, xây dựng nhờ thu hút được dòng vốn nên cũng đồng loạt tăng điểm trong phiên. Theo tính toán, với phiên tăng điểm mạnh ngày đầu năm Mậu Tuất, giá trị vốn hóa của thị trường chứng khoán tăng gần 85 nghìn tỷ đồng so với đóng cửa cuối năm Đinh Dậu.

Vàng khó đoán trước ngày Thần Tài

Trái ngược với không khí tràn đầy hứng khởi trên thị trường chứng khoán và không khí bùng nổ của thị trường vàng năm ngoái, nhà đầu tư trên thị trường vàng trong ngày đầu năm Mậu Tuất có phần bình tĩnh và cẩn trọng hơn trước diễn biến phức tạp của thị trường trước ngày Thần Tài. Ghi nhận của PV Báo Giao thông ngày đầu năm cho thấy, dù đã chuẩn bị vàng cho khách mua đón lộc đầu xuân nhưng các tiệm nhỏ vẫn khá vắng khách. Tại một số tiệm vàng lớn, khách hàng tới chủ yếu mua đồ nữ trang. Một khách hàng tên Hoa (Cầu Giấy, Hà Nội) tại cửa hàng vàng Bảo Tín Minh Châu, Cầu Giấy cho biết, đi chọn 3 chỉ vàng để làm quà cưới cho người cháu chứ chưa có ý định mua tích trữ hay đầu tư.

Khai Xuân, chứng khoán bùng nổ, vàng phập phù - 1

Thị trường chứng khoán đã có phiên khai xuân tưng bừng với sắc xanh phủ kín bảng giao dịch giúp vốn hóa thị trường tăng gần 85 nghìn tỷ đồng - Ảnh: T.N

Trong ngày đầu năm, giá vàng giảm 20.000 - 70.000 đồng trong buổi sáng ngay khi vừa niêm yết, sau đó, đa số các thương hiệu tiếp tục giảm thêm vào buổi chiều từ 10.000 - 100.000 đồng/lượng tùy thương hiệu. Chỉ riêng giá vàng Rồng Thăng Long của Bảo Tín Minh Châu tăng cả hai chiều lên 37,02-37,47 triệu đồng/lượng và giá vàng DOJI của Tập đoàn DOJI tăng 20 nghìn đồng chiều bán ra lên 37,22 triệu đồng/lượng.

Diễn biến của giá vàng trong nước chịu tác động từ thị trường thế giới. Trong ngày này, chỉ tính từ buổi sáng tới chiều (theo giờ Việt Nam) giá vàng thế giới tại châu Á cũng giảm tới 32 USD/ounce. Giá vàng thế giới đã ghi nhận phiên giảm giá thứ ba liên tiếp và xuống mức thấp nhất kể từ đầu tuần. Tới chiều 21/2, giá vàng thế giới thấp hơn giá vàng trong nước 840.000 đồng/lượng (chưa tính thuế và các khoản phí).

Kiều hối đổ vào BĐS tiếp tục gia tăng

Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM, thị trường bất động sản năm 2018 nhiều khả năng vẫn giữ được ổn định như năm 2017. Trong đó, phân khúc thị trường căn hộ vừa túi tiền có 1-2 phòng ngủ, có giá bán trên dưới 1 tỷ đồng/căn vẫn là phân khúc chủ đạo và có tính thanh khoản cao nhất của thị trường bất động sản; phân khúc nhà ở xã hội sẽ phát triển mạnh hơn; phân khúc thị trường cao cấp sẽ có sự tái cấu trúc mạnh mẽ để phù hợp với sức mua của thị trường; dự báo phân khúc thị trường condotel, đất nền phân lô sẽ còn tiếp tục tăng trưởng nóng và tình hình tranh chấp ở các chung cư tiếp tục diễn biến ngày càng gay gắt, phức tạp, cần được kiểm soát và xử lý hiệu quả, kịp thời.

Đáng chú ý, trong năm 2018, dòng vốn FDI và nguồn kiều hối đổ vào thị trường bất động sản được dự báo sẽ tăng. Bà Sunny Hoàng Hà,  Phó giám đốc bộ phận Kinh doanh Quốc tế, Savills TP HCM nhận định: “Thị trường BĐS Việt Nam đang sở hữu nhiều yếu tố thuận lợi cho khách hàng, đơn cử như sự đa dạng từ các sản phẩm cũng như những ưu đãi về giá cả, chương trình chăm sóc khách hàng hợp lý từ các chủ đầu tư”.

Theo đánh giá của CBRE và Vietnam Report, FDI, kiều hối đang gia tăng sẽ tiếp tục giúp thị trường bất động sản Việt Nam tăng trưởng nhanh trong các năm tiếp theo. Bên cạnh đó, sự quan tâm của các tập đoàn bán lẻ quốc tế, các tập đoàn du lịch, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng là cơ hội thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản phục vụ nhu cầu bán lẻ và bất động sản du lịch.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn - Hoàng Ngân (Báo Giao thông)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN