Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nói về thị trường sau Tết

Lãnh đạo Uỷ ban Chứng khoán tin tưởng thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng sau Tết cũng như cả năm 2018.

Thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam tăng điểm rất nhanh và mạnh trong tháng 1-2018, sau đó đột ngột rơi tự do khi chứng khoán toàn cầu "đổ sụp", rồi bất ngờ đảo chiều phụ hồi khá mạnh ngay trước thềm năm mới Mậu Tuất. Điều này khiến giới đầu tư trong nước hoang mang lo lắng về triển vọng của thị trường sau Tết. Tuy nhiên, ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch Uỷ ban chứng khoán Nhà nước, cho biết vẫn lạc quan về triển vọng của thị trường sau Tết và cả năm 2018.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nói về thị trường sau Tết - 1

Ông Trần Văn Dũng

Phóng viên: Năm 2017, TTCK Việt Nam tăng trưởng đến 50%, có người cho rằng mức tăng này khá nóng. Quan điểm của ông về điều này?

Ông Trần Văn Dũng: TTCK Việt Nam đã có sự tăng trưởng vượt bậc trong năm 2017 và được đánh giá là điểm sáng thu hút dòng vốn gián tiếp so với các nước trong khu vực. Chỉ số VN-Index và HNX-Index tăng tương ứng là 48% và 46%, đạt mức cao nhất gần 10 năm trở lại đây. Theo chúng tôi nhận định TTCK Việt Nam tăng cao bởi những lý do sau:

Thứ nhất, trong năm 2017, tình hình kinh tế Việt Nam tăng trưởng rất ấn tượng. Các chỉ số kinh tế vĩ mô mà Đảng, Quốc hội và Chính phủ đề ra đều đạt được. Có thể nói kinh tế vĩ mô đang rất ủng hộ TTCK và sẽ tiếp tục tốt lên nhờ quyết tâm hành động của Chính phủ trong nhiều vấn đề như tăng trưởng GDP, kiềm chế lạm phát, đẩy mạnh cổ phần hóa, thoái vốn, tăng dự trữ ngoại hối,…

Thứ hai, hoạt động của các doanh nghiệp niêm yết nhìn chung khởi sắc hơn so với 2016. Kết quả kinh doanh trong báo cáo tài chính 9 tháng đầu năm 2017 cho thấy sự cải thiện đáng kể cả về doanh thu (tăng 18%), lợi nhuận (tăng 23%) so với 2016. Quốc hội có Nghị quyết về xử lý nợ xấu và kết quả xử lý nợ xấu rất tích cực (trong năm 2017 hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 70.000 tỉ đồng nợ xấu, tăng 40% so với năm 2016), thanh khoản và lãi suất ổn định nên nhóm các doanh nghiệp niêm yết thuộc khối ngân hàng có sự cải thiện rõ rệt về chất lượng tài chính. Sự tăng trưởng mạnh của khối này cũng có tác động dẫn dắt TTCK trong thời gian gần đây.

Thứ ba, dòng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam năm 2017 tăng trưởng đột biến so với năm 2016, với vốn vào ròng đạt 2,9 tỉ USD (tương đương với mức tăng 130% so với năm 2016), trong đó tăng mạnh trong tháng 11 là 851 triệu USD (chiếm 29% tổng mức vào dòng năm 2017) được coi là nguyên nhân rất quan trọng khiến chỉ số chứng khoán tăng nhanh hơn.

Theo tôi, đây là ba nguyên nhân cơ bản giúp TTCK liên tục tăng điểm trong giai đoạn vừa qua. Nói một cách khác việc tăng trưởng của chỉ số chứng khoán Việt Nam là hoàn toàn có cơ sở, còn  "nóng" hay không là tuỳ vào quan điểm của từng người. Tôi cho rằng sự tăng mạnh về quy mô và chỉ số của TTCK cần tiếp tục theo dõi, nghiên cứu để có các giải pháp phù hợp.

Chủ tịch Uỷ ban Chứng khoán nói về thị trường sau Tết - 2

Nhiều người kỳ vọng TTCK sẽ tiếp tục khởi sắc trong năm Mậu Tuất 2018. Ảnh: Hoàng Triều

Chỉ hơn 1 tháng đầu của năm 2018, thị trường đã có những phiên chao đảo khiến nhà đầu tư lo lắng? Nhận định của ông về tình hình thị trường trong ngắn hạn và dài hạn dựa trên các nền tảng kinh tế đất nước?

Theo đánh giá của chúng tôi, TTCK giảm điểm chủ yếu do một số nguyên nhân sau:

Thứ nhất, TTCK quốc tế đồng loạt giảm điểm mạnh do chính sách của Mỹ và Ngân hàng Trung ương Châu Âu. Đầu tiên là việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã tăng lãi suất 3 lần trong năm 2017 và dự báo có thể tăng từ 3 đến 4 lần trong năm 2018. Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng 10% và thông tin Mỹ tăng sản lượng dầu thô làm giá dầu giảm. Ngân hàng Trung ương Anh cũng tăng lãi suất lần đầu tiên trong 8 năm.

Những diễn biến trên đã tác động đến TTCK Mỹ và thế giới, khiến cho hầu hết các chỉ số trên thế giới giảm mạnh. Ngày 8-2, Dow Jones giảm 4,15%, Nasdaq giảm 3,90%, S&P giảm 3,75%, Nikkei 225 giảm 2,32% và Kospi giảm 1,82%.

Thứ hai, TTCK Việt Nam đã tăng mạnh từ tháng 11-2017 đến hết tháng 1-2018 nên tâm lý chốt lời của các nhà đầu tư khá mạnh. Tâm lý này lại được cộng hưởng vào dịp Tết Nguyên đán và thị trường quốc tế đảo chiều nên chỉ số giảm càng nhiều hơn.

Chính từ phân tích trên, tôi tin rằng sự điều chỉnh của thị trường trong những phiên giảm điểm trước Tết chỉ mang tính ngắn hạn, còn về trung và dài hạn thị trường vẫn có đủ cơ sở để phát triển về qui mô và chất lượng.

Như tôi đã nói ở trên, kinh tế Việt Nam trong năm 2018 được các chuyên gia quốc tế kỳ vọng là sẽ rất tốt. Sự khởi sắc của nền kinh tế và những cam kết của Chính phủ trong việc tháo gỡ những rào cản đầu tư, hỗ trợ kinh tế tư nhân, những tác động tâm lý tích cực từ các đợt thoái vốn nhà nước, cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước và niêm yết các doanh nghiệp lớn, có chất lượng sẽ thu hút mạnh các dòng vốn tham gia thị trường, đặc biệt là dòng vốn ngoại, tạo cơ sở vững chắc cho một năm phát triển mạnh và bền vững của TTCK Việt Nam.

Như chúng ta đều thấy, mặc dù thị trường giảm điểm mạnh nhưng khối lượng giao dịch và giá trị giao dịch trên cả hai sàn đều tăng mạnh (HOSE tăng 38,5%, HNX tăng 53%) và giá trị giao dịch danh nghĩa trên thị trường phái sinh cũng tăng 3,1%. Trong khi đó, khối ngoại vẫn đẩy mạnh mua ròng, họ đã mua ròng 9.600 tỉ đồng trong tháng 1-2018 và mua ròng tiếp trên 5.000 tỉ trong đầu tháng 2, thậm chí mua nhiều nhất trong những phiên lao dốc trước Tết.

Xin ông cho biết kế hoạch phát triển thị trường ổn định, bền vững trong thời gian tới?

Về kế hoạch phát triển thị trường trong năm 2018, chúng tôi sẽ tập trung vào 2 nhóm kế hoạch chính: Hoàn thiện khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý, giám sát và Phát triển và tái cấu trúc TTCK.

Về hoàn thiện khung pháp lý, chúng tôi sẽ triển khai xây dựng Luật chứng khoán sửa đổi; hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Chứng khoán (sửa đổi) trình Chính phủ, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2018), trình Quốc hội thông qua năm 2019.

Về phát triển và tái cấu trúc TTCK, chúng tôi tiếp tục đẩy mạnh công tác cổ phần hóa, thoái vốn của các DNNN gắn với việc niêm yết và đăng ký giao dịch. Tăng cường rà soát xử lý kịp thời các doanh nghiệp không tuân thủ việc niêm yết/đăng ký giao dịch sau khi đã cổ phần hóa; Tăng cường kiểm tra, giám sát về tính minh bạch các thông tin trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng về vấn đề sử dụng vốn, công bố thông tin và quản trị công ty.

Đồng thời, chúng tôi sẽ đa dạng hóa các sản phẩm chứng khoán, sản phẩm cơ cấu; phát triển các sản phẩm phái sinh theo lộ trình từ đơn giản đến phức tạp, thúc đẩy sự phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Theo đó sẽ triển khai các sản phẩm cụ thể như sau: sản phẩm chứng quyền có đảm bảo (Covered Warrant), dự kiến vào tháng 3-2018; Hợp đồng tương lai trên một số chỉ số mới và hợp đồng tương lai trái phiếu Chính phủ trong Quý III/2018.

Đây là một số nhiệm vụ trọng tâm của chúng tôi trong năm 2018. Chúng tôi kỳ vọng với chỉ đạo sát sao của Chính phủ và Bộ Tài chính, Uỷ ban Chứng khoán sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan và toàn thể thành viên thị trường hoàn thành tốt các mục tiêu trên trong năm 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Sơn Nhung - Hoàng Triều (Người lao động)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN