Hạ lãi suất: Có “bật đèn xanh” nới lỏng tiền tệ?

Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước công bố giảm lãi suất điều hành 0,25% và yêu cầu các tổ chức tín dụng giảm 0,5% lãi suất vay, tín hiệu giảm lãi suất từ các ngân hàng tới tấp bắn ra. Hư thực đợt giảm lãi suất này sẽ hiệu quả ra sao, các doanh nghiệp và nền kinh tế hưởng lợi thế nào?

Rầm rộ giảm

Ngày 10/7, 4 “ông lớn” NHTM Nhà nước là Vietcombank; VietinBank, BIDV và Agribank phát đi thông tin cho hay lập tức đồng hành giảm ngay lãi suất cho vay 1 số lĩnh vực ưu tiên phát triển kinh tế.

Hạ lãi suất: Có “bật đèn xanh” nới lỏng tiền tệ? - 1

Đồng loạt hạ lãi suất vay 0,5%/năm với các lĩnh vực ưu tiên.

Theo đó, kể từ ngày 10/7, Vietcombank lập tức giảm lãi suất cho vay đối với 05 đối tượng ưu tiên với mức điều chỉnh giảm 0,5%/năm. Bên cạnh, Vietcombank triển khai các gói tín dụng ngắn hạn và trung dài hạn đa dạng với lãi suất ưu đãi cho các ngành thiết yếu trong phát triển kinh tế và an sinh xã hội như: cho vay nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch (quy mô 10 nghìn tỷ); cho vay ngành cấp nước sạch (quy mô 10 nghìn tỷ); đồng hành cùng doanh nghiệp xuất khẩu (quy mô 10 nghìn tỷ); hợp tác phát triển ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ (quy mô 10 nghìn tỷ); cho vay phát triển ngành y tế (quy mô 30 nghìn tỷ)

Cùng thời điểm, VietinBank cho biết sẽ điều chỉnh giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND về mức tối đa 6,5%/năm đối với nhu cầu vốn thuộc 5 lĩnh vực ưu tiên của Chính phủ. BIDV cũng công bố giảm lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND thấp nhất ở mức 5,5%/năm đối với doanh nghiệp, cá nhân, hộ gia đình chịu ảnh hưởng lũ lụt tại các tỉnh miền Trung. Đối với các đối tượng ưu tiên theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, mức trần lãi suất cho vay ngắn hạn VND là 6,5%/năm. Tương tự, Agribank thực hiện giảm lãi suất cho vay ngắn hạn từ 7%/năm xuống còn 6,5%/năm và giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn từ 8,5%/năm xuống còn 8%/năm đối với các khách hàng là đối tượng ưu tiên.

Nhanh chân nhất khối cổ phần, kể từ ngày 8/7, LienVietPostBank giảm 0,25% lãi suất cho vay đối với tất cả các kỳ hạn cho các doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch xếp hạng AA trở lên. Đặc biệt, LienVietPostBank áp mức lãi suất cho vay ngắn hạn VND 6,0%/năm, thấp hơn mức trần 6,5%/năm theo quy định của NHNN đối với 05 lĩnh vực ưu tiên.

Eximbank cũng giảm lãi suất cho vay từ 7,0%/năm xuống còn 6,5%/năm với 5 lĩnh vực ưu tiên. Tại SCB, Tổng giám đốc Võ Tấn Hoàng Văn cho biết ngân hàng sẽ thực hiện giảm lãi suất cho vay tối đa là 0,5%/năm đối với các hợp đồng cho vay mới thuộc các lĩnh vực ưu tiên cũng như các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thời gian tới. Một NH khác là Sacombank cũng giảm lãi suất cho vay ngắn hạn VND xuống còn 6,5%/năm trong suốt thời hạn vay nhằm đáp ứng nhu cầu bổ sung vốn sản xuất, kinh doanh đối với khách hàng đang hoạt động trong 5 lĩnh vực ưu tiên.

Tác động thực

Ngay khi quyết định giảm lãi suất điều hành bắt đầu có hiệu lực từ 10/7, thị trường chứng khoán đã có những phản ứng trái chiều. Chỉ trong 2 ngày đầu tuần, 16 điểm đã “bay” khỏi VN-Index. Trên sàn, cổ phiếu khối ngân hàng lập tức la liệt nằm sàn. Theo giới phân tích, ít nhiều đây cũng là tác dụng phụ của việc giảm lãi suất khiến giới đầu tư lo khối nhà băng sẽ giảm lãi. Tuy nhiên, sự quan ngại đã qua đi, các nhà đầu tư đã bình tĩnh trở lại, sắc xanh cũng về với các cổ phiếu đầu tầu làng ngân hàng như VCB,CGT, BID, MBB, ACB…

Đánh giá về tác động của chính sách với thị trường, CTCK Bảo Việt (BVSC) cho rằng mức độ ảnh hưởng sẽ không quá lớn. “Mức giảm 0,25% là khá khiêm tốn trong bối cảnh các mức lãi suất tái cấp vốn, chiết khấu và lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với các ngân hàng hiện đều đang ở mức cao, lần lượt là 6,5%/năm; 4,5%/năm và 7,5%/năm”, BVSC nhận  xét.

Cũng theo BVSC, một chi tiết đáng chú ý là NHNN tuyên bố vẫn chốt chặn tăng trưởng tín dụng cả năm nay ở mức +18%. “Trong bối cảnh room tăng trưởng tín dụng bị giới hạn như trên, các ngân hàng vẫn sẽ có xu hướng tập trung và chọn lọc các khoản vay có hiệu quả cao hơn tương đối. Xét về mặt bằng lãi suất chung ra nền kinh tế, sẽ không có nhiều thay đổi sau quyết định này của NHNN.”. BVSC lưu ý.

Theo Luật sư, TS. Bùi Quang Tín - Đại học Ngân hàng TP. Hồ Chí Minh, việc giảm lãi suất trong quyết định mới nhất của NHNN là phù hợp với tín hiệu trên thị trường, như cung cầu vốn, thanh khoản không chỉ thị trường 2 mà thị trường 1 cũng khá ổn định. Biểu hiện rõ nét trong những ngày gần đây có một số ngân hàng trước giờ hay tăng lãi suất thì nay đã giảm khoảng 0,1 - 0,3%/năm các kỳ hạn ngắn.

Tuy nhiên, cùng thời điểm, nhóm phân tích SSI lại cho rằng: Việc giảm các lãi suất điều hành sẽ không có tác động nào đáng kể do nhu cầu của thị trường vốn đã rất nhỏ. “Nhóm ngân hàng quốc doanh với hệ thống mạng lưới rộng và chi phí vốn rẻ sẽ tiếp tục là nòng cốt thực thi các chính sách này. Về tổng thể, việc giảm các lãi suất trên khó có thể coi là động tác nới lỏng tiền tệ. Nhưng cũng thể hiện hỗ trợ tăng trưởng kinh tế của Chính phủ và NHNN”, SSI nói.

“Động thái điều chỉnh công cụ lãi suất điều hành của NHNN được xem là tín hiệu “bật đèn xanh” và đồng thời cũng cho thấy định hướng nới lỏng chính sách tiền tệ. NHNN đang tạo thêm “chất xúc tác” cho các ngân hàng để đẩy nhanh tiến độ”, BVSC phân tích

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Minh (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN