Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang là bao nhiêu?

NHNN ngày 9/1 cho biết, đã mua thêm hơn 6 tỷ USD năm 2018 bổ sung vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia.

Dữ trữ ngoại hối đạt 12 tuần nhập khẩu

Phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng năm 2019 sáng nay (9/1), Thống đốc Ngân hàng nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng cho biết, NHNN đã mua thêm hơn 6 tỷ USD trong cả năm 2018 để tăng dự trữ ngoại hối. Và trong hai ngày qua tiếp tục mua vào ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối.

Con số cụ thể về dự trữ ngoại hối quốc gia của nước ta đến cuối năm nay là bao nhiêu không được NHNN tiết lộ.

Được biết, những tháng đầu năm, khi cung cầu ngoại tệ khá thuận lợi, NHNN đã tranh thủ mua ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối Nhà nước.

Đến tháng 6/2018 tại phiên họp trực tuyến của Chính phủ với các địa phương, Thống đốc Lê Minh Hưng đã công bố con số dự trữ ngoại hối quốc gia đã lên tới 63,5 tỷ USD. Đây là con số kỷ lục tại thời điểm đó.

Từ 7/2/2018, NHNN bắt đầu niêm yết tỷ giá mua kỳ hạn 3 tháng để trì hoãn việc đưa tiền đồng ra mua ngoại tệ, góp phần kiểm soát nguồn tiền cung ứng, hỗ trợ kiểm soát lạm phát, trong khi vẫn mua được ngoại tệ bổ sung dự trữ ngoại hối, khuyến khích các doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm phái sinh ngoại tệ để phòng ngừa rủi ro tỷ giá.

Đến cuối năm nay, trong báo cáo thị trường tài chính năm 2018, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho biết, dự trữ ngoại hối của Việt Nam đạt khoảng 12 tuần nhập khẩu.

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng trị giá nhập khẩu của cả nước năm 2018 ước đạt 238 tỷ USD (tăng 11,5%). Như vậy, trên cơ sở số liệu này, kim ngạch nhập khẩu trung bình 12 tuần đạt 59,5 tỷ USD.

Dự trữ ngoại hối của Việt Nam đang là bao nhiêu? - 1

NHNN ngày 9/1 cho biết đã mua thêm hơn 6 tỷ USD năm 2018 bổ sung vào quỹ dự trữ ngoại hối quốc gia. Ảnh minh họa

Năm 2018, tỷ giá tăng hơn 2%

Tại hội nghị, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, chính sách tỉ giá và thị trường ngoại tệ trong năm 2018 được điều hành và hoạt động kinh doanh ngoại tệ của các tổ chức tín dụng chịu tác động rất lớn, phức tạp và khó lường từ diễn biến thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, NHNN đã chủ động và linh hoạt điều tiết thị trường ngoại hối, điều hành tỷ giá trung tâm, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ, điều tiết thanh khoản, lãi suất tiền VND hợp lý để ổn định thị trường. Nhờ đó, tỷ giá và thị trường ngoại tệ ổn định, đồng Việt Nam ổn định trong khi các đồng tiền khác trên thế giới bị mất giá mạnh.

Trong cả năm 2018, tỷ giá trung tâm tăng 1,7-1,8%, tỷ giá giao dịch liên ngân hàng tăng 2,16%.

Năm 2019, NHNN cho biết sẽ điều hành chính sách tỷ giá để đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát, tạo lòng tin thị trường và tiếp tục củng cố dự trữ ngoại hối nhà nước.

Liên quan tới công tác xử lý nợ xấu trong năm 2018, theo ông Hưng toàn hệ thống xử lý nợ xấu đã được xử lý được 149,22 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng của hệ thống tổ chức tín dụng là 1,89%, giảm so với mức 2,46% cuối năm 2016 và mức 1,99% cuối năm 2017. Đây là nỗ lực rất lớn của ngành ngân hàng trong năm qua.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tích rõ nét trên, Thống đốc NHNN cũng thừa nhận ngành ngân hàng còn nhiều tồn tại, yếu kém cần phải khắc phục triệt để trong năm 2019. Đó là phải nâng cao chất lượng và hiệu quả của công tác thanh tra giám sát, đặc biệt là giám sát từ xa đảm bảo chất lượng hoạt động của toàn hệ thống và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật trong hoạt động ngân hàng.

Đồng thời, các tổ chức tín dụng phải nỗ lực đề án tái cơ cấu và xử lý nợ xấu. Vì Nghị quyết của Chính phủ giao cuối năm 2019, nợ nội bảng xuống 2%, nợ tiềm ẩn trở thành nợ xấu, nợ bán cho Công ty quản lý nợ của các tổ chức tín dụng xuống dưới 5%. Đây là thách thức rất lớn.

Đặc biệt, vừa qua, theo lãnh đạo NHNN, trong triển khai chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước bộc lộ một số vấn đề yếu kém, rủi ro trong hoạt động của Quĩ tín dụng nhân dân ở một số địa bàn. Tới đây, Ngân hàng nhà nước xác định tiếp tục củng cố nâng cao chất lượng của quỹ tín dụng nhân dân.

Sang năm 2019, NHNN đặt mục tiêu tăng tín dụng khoảng 14% nhưng có điều chỉnh tùy theo tình hình kinh tế vĩ mô.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Cao Sơn ([Tên nguồn])
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN