Dự trữ ngoại hối kỷ lục 45 tỉ USD, tỉ giá sẽ ra sao?

Theo tính toán của chuyên gia tài chính, TS Cấn Văn Lực, đến thời điểm này, tỉ giá chỉ tăng khoảng 1%, tổng mức tăng cả năm chỉ đến 1,5% cho thấy tỉ giá của Việt Nam khá ổn định.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó Thống đốc NHNN, “lượng dự trữ ngoại hối cao sẽ cho phép NHNN can thiệp để ổn định thị trường tiền tệ khi cần thiết”.

Trong khi đó ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP.HCM, cũng nhận định dự trữ ngoại hối tăng lên một phần được hỗ trợ từ lượng kiều hối mà hiện đang dự báo sẽ tăng 10% vào TP.HCM cuối năm nay.

Diễn biến tỉ giá những tháng qua được cho là khá bất ngờ đối với thị trường khi nhìn lại 3/4 chặng đường đã qua. Hồi đầu năm, tỉ giá được cơ quan điều hành, hoạch định chính sách cũng như nhiều phân tích của các chuyên gia, tổ chức trong nước cũng như quốc tế đánh giá là chịu khá nhiều áp lực.

Tỉ giá có thể tăng 2%-3% từ việc cán cân thanh toán quốc tế sẽ không thuận lợi như năm 2016, nhất là đồng USD - đồng tiền chủ chốt trong rổ tính tỉ giá của Việt Nam mạnh lên.

Cùng với đó là sự phục hồi của nền kinh tế Mỹ và lộ trình tăng lãi suất của FED với số lần tăng dự báo sẽ nhiều hơn năm trước, nhiều đồng tiền lớn khác trong khu vực giảm giá mạnh, lạm phát có khả năng tăng khi giá hàng hóa thế giới phục hồi…

Nhưng đến thời điểm này, theo tính toán của TS Cấn Văn Lực, tỉ giá chỉ tăng khoảng 1%, tổng mức tăng cả năm chỉ đến 1,5% cho thấy tỉ giá của Việt Nam khá ổn định.

Dự trữ ngoại hối kỷ lục 45 tỉ USD, tỉ giá sẽ ra sao? - 1

Với nguồn ngoại tệ dồi dào sẽ tạo thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đang bước vào những tháng cao điểm

Đáng chú ý, ngày 10-10, lần đầu tiên NHNN giảm giá mua vào USD kể từ khi áp dụng cơ chế điều hành tỉ giá mới (từ 4-1-2016), đồng thời đánh dấu sự khác biệt lớn của diễn biến tỉ giá năm nay so với những năm trước.

Động thái này được nối dài trong 3 ngày sau đó, và là lần đầu tiên thị trường chứng kiến NHNN liên tiếp hạ giá mua vào USD, cũng như sử dụng một công cụ mới để linh hoạt điều hành chính sách tỉ giá.

Là người mua bán sau cùng trên thị trường, can thiệp hoặc điều tiết qua giao dịch trực tiếp của mình khi cần, việc NHNN liên tiếp hạ giá mua vào USD như trên là tín hiệu mới, cho thấy sự linh hoạt hơn của nhà điều hành trong ứng xử với tỉ giá. Tại các NHTM, tỉ giá đã có chuỗi ngày đi xuống, trái ngược với diễn biến các năm trước - tỉ giá thường nóng lên vào những tháng cuối năm.

Điểm nhấn trong điều chỉnh chính sách tỉ giá những ngày qua còn là NHNN sử dụng công cụ giao dịch kỳ hạn, khẳng định tính linh hoạt trong chính sách điều hành của NHNN. Với việc cho phép sử dụng sản phẩm mua kỳ hạn giúp các NHTM có thêm lựa chọn bán ngoại tệ cho NHNN trong tương lai với mức giá hiện tại, mà không lo giá sẽ giảm trong tương lai.

Động thái này, theo đánh giá của một chuyên gia, sẽ mang lợi kép cho các NHTM, giúp các ngân hàng vừa chủ động cân đối nguồn ngoại tệ vừa có thêm nguồn vốn cho hoạt động kinh doanh đang bước vào những tháng cao điểm.

Quan sát thị trường những ngày qua, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia PGS-TS Nguyễn Thị Mùi đánh giá tích cực những điều chỉnh trong điều hành chính sách tỉ giá của NHNN phù hợp với thực trạng diễn biến cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, đồng thời phối hợp chặt chẽ trong việc điều hành chính sách tiền tệ một cách linh hoạt, chủ động hơn.

"Khi thấy xu hướng đồng USD giảm giá vẫn tiếp diễn, NHNN chủ động mua vào một lượng lớn để tăng dự trữ quốc gia (quy mô dự trữ ngoại hối quốc gia hiện đã lập kỷ lục mới với 45 tỉ USD). Song song với hoạt động này, NHNN đã tăng khối lượng tín phiếu NHNN với kỳ hạn dài hơn để hút bớt tiền đồng đã đưa ra mua ngoại tệ, không tạo áp lực cung tiền" - bà Mùi nói.

Theo chuyên gia kinh tế, TS Võ Trí Thành đánh giá: Thực tế, đây không phải lần đầu NHNN xử lý tình huống thông qua các công cụ chính sách tiền tệ để điều hòa lượng tiền. Cái khó ở đây, thời điểm cuối năm cung tiền thường tăng cao, nếu xử lý không khéo lại tạo áp lực lên lạm phát.

"Do đó đòi hỏi NHNN vừa khéo chọn công cụ vừa phải theo dõi sát diễn biến lạm phát để thực hiện tiền bơm - hút nhịp nhàng. Điển hình như việc nới kỳ hạn tín phiếu từ 7 ngày lên 14 ngày với khối lượng khá linh hoạt theo lượng ngoại tệ mà NHNN mua vào để đảm bảo tăng dự trữ ngoại hối không gây áp lực lên lạm phát và không ảnh hưởng đến điều hành tỉ giá” - ông Thành nhấn mạnh.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo T.L (Pháp luật TPHCM)
Tiền tệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN