Doanh nhân gốc Việt làm "thay đổi" Myanmar

Rita Nguyễn, một nữ doanh nhân Canada gốc Việt, đã được tạp chí Forbes “vinh danh” là một trong những doanh nhân ảnh hưởng nhất châu Á khi tạo ra một cuộc cách mạng internet ở Myanmar.

Rita Nguyễn, một doanh nhân 38 tuổi, trở thành nhà đồng sáng lập và Giám đốc điều hành (CEO) của Squar (mysquar.com) – một mạng xã hội đầu tiên dành cho giới trẻ Myanmar bằng tiếng địa phương.

Doanh nhân gốc Việt làm "thay đổi" Myanmar - 1

Ảnh: Forbes

Với một nền tảng về các trò chơi trên điện thoại di động và mạng xã hội, Rita Nguyễn đã tạo ra một cuộc cách mạng công nghệ khi Myanmar vừa thiết lập mạng 3G. Squar được ra mắt vào tháng 6.2013, với số tiền quỹ ban đầu là 500.000 USD từ một nhóm nhà đầu tư để đổi lấy 20% cổ phần. Vào cuối năm 2014, công ty này dự kiến sẽ đạt được 1,5 triệu người sử dụng, trong khi đó, số dân của Myanmar được ước tính là 60 triệu người.

Khi nhìn nhận về môi trường phát triển ở Myanmar, Rita Nguyễn đánh giá rằng: “Myanmar là một môi trường không thể tiếp cận giống như các quốc gia khác ở phương Tây. Myanmar là một quốc gia đặc biệt với một loạt những thách thức đặc biệt. Thật ngớ ngẩn khi bạn nghĩ rằng bạn có thể mua những sản phẩm ở thị trường khác và đơn giản mang về thử nghiệm chúng ở một thị trường giống như Myanmar”.

Trong quá khứ, các lĩnh vực viễn thông luôn được chi phối bởi nhà nước Myanmar, vì vậy, tình trạng này đã đẩy Myanmar trở thành quốc gia có tỷ lệ truy cập mạng không dây thấp nhất thế giới.

Theo một báo cáo của Deloitte Touche Tomatsu, chỉ có hơn 1% dân số truy cập vào internet vào đầu năm 2012 và việc truy cập vào điện thoại di động chỉ ở mức dưới 4%.

Cho đến nay, Rita nhận thấy rằng, ở đó có 3 rào cản đối với việc mở rộng các dịch vụ trực tuyến trong nước. Đó là chính trị, cơ sở hạ tầng và văn hóa. Tuy nhiên, hai rào cản đầu tiên đã được dỡ bỏ. Năm 2010 chính phủ Myanmar đã cắt giảm hầu như tất cả các hạn chế về việc sử dụng Internet, trong đó có việc kiểm duyệt, và các vấn đề về giấy phép, điều này cũng làm cho cơ sở hạ tầng của quốc gia này trở nên thuận tiện hơn.

Văn hóa có thể là một yếu tố khó có thể cải thiện được ở đây. Rita Nguyễn cho biết: “Vấn đề của chúng tôi không phải là chính trị hay cơ sở hạ tầng. Đó chính là việc dạy cho mọi người về một loại công nghệ mà họ chưa bao giờ sử dụng…. Làm thế nào để chúng tôi đưa  Internet đến một đất nước đã từng  bị loại ra khỏi thế giới trong hơn 60 năm? ".

Nhắc đến Squar, Rita lại tràn đầy nhiệt huyết chia sẻ rằng trang mạng này được xem là một điểm đến ảo có thể truy cập với một giao diện mở, có thể kết nối mọi người với nhau, dù ở đó là những người có ít hoặc không có kinh nghiệm online. Những ứng dụng của Squar luôn được xem là chủ động và hướng tới thị hiếu của người dùng như: chụp ảnh, kết bạn, phản hồi thông tin.

Rita Nguyễn cho biết, cô đang lên kế hoạch kiếm tiền trên Squar thông qua quảng cáo và quan hệ đối tác với các thương hiệu tiêu dùng lớn. Để Squar được phát triển mạnh mẽ hơn, Rita sẽ bổ sung thêm trò chơi và thương mại điện tử. Trong đó, cô cũng cho biết sẽ không cung cấp thương mại điện tử theo mô hình của phương Tây, mô hình mà đòi hỏi thẻ tín dụng mà ở đây không có.

Hiện nay, Squar đang cố gắng thu hút giới trẻ Myanmar sử dụng bằng cách tổ chức các sự kiện cộng đồng như: lễ hội thanh niên vào tháng 11, thu hút 10.000 người và các nhà tài trợ bao gồm Coca-Cola KO, Unilever, HTC HTCCY và Ooredoo.

Rita cho biết, trong các sự kiện này sẽ có sự tham gia giúp đỡ của các nhân viên trong công ty, trong đó có một nhóm bao gồm 11 nhân viên ở Yangon, chủ yếu là giải quyết vấn đề tiếp thị, một nhóm phát triển bao gồm 9 người ở TP Hồ Chí Minh, và Rita Nguyễn sẽ phân bổ thời gian phù hợp để có thể hợp tác với cả hai nhóm.

Squar được mô tả là Facebook của Myanmar. Tuy nhiên, Rita Nguyễn cho rằng Squar không được thiết kế để cạnh tranh với Facebook. Squar là một trải nghiệm gần gũi, trải nghiệm này sẽ gần gũi hơn nhiều so với việc bạn cứ cố gắng chạy theo những thứ bằng tiếng nước ngoài mà bạn không thể sử dụng được. Hiện tại, ở Myanmar không còn chỗ cho một loại mạng xã hội khác, đặc biệt là ở một thị trường luôn thụ động với những trải nghiệm và các trang web online như Myanmar.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Tuyết Nhung ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN