'Lộ' DN được đề xuất làm hơn 2 km đường đổi lấy 40 ha đất 'vàng'
Trong bối cảnh các dự án BT có nhiều tồn tại, sai phạm việc Hà Nội công bố thông tin xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (dài hơn 2,8 km) với kinh phí 1.404 tỷ đồng theo hình thức BT. Đổi lại nhà đầu tư được thanh toán bằng quỹ đất gần 40 ha được xem đất “vàng” tại quận trung tâm đang gây nhiều chú ý của dư luận.
Hai DN được “chọn mặt gửi vàng”
Trên cổng thông tin của Sở Kế hoạch- Đầu tư Hà Nội hiện đang công bố thông tin Dự án xây dựng tuyến đường từ đường Lê Trọng Tấn đến đường Vành đai 3 (quận Thanh Xuân) theo hình thức hợp đồng BT (hợp đồng xây dựng - chuyển giao đổi).
Tuyến đường có chiều dài 2,85 km với tổng vốn đầu tư dự kiến 1.412 tỷ đồng. Trong đó chi phí xây dựng là 274 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 967 tỷ đồng, còn lại là các chi phí khác. Thời gian thực hiện dự kiến từ 2018 đến 2020.
Nguồn vốn đầu tư là vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp và vốn huy động hợp pháp khác, với phương án thu hồi vốn, Hà Nội dự kiến quỹ đất thanh toán cho dự án BT tại phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm gồm các ô quy hoạch 3-1, 3-2, 4-1, 4-2 với diện tích khoảng 39,8 ha thuộc quy hoạch phân khu S4.
Dù có nhiều tồn tại, sai phạm trong các dự án BT nhưng Hà Nội vẫn muốn triển khai nhiều dự án theo hình thức này. (Ảnh minh họa).
Tại Hội nghị “Hợp tác đầu tư và phát triển” diễn ra cuối tuần qua, Hà Nội cũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho nhà đầu tư thực hiện dự án này.
Cụ thể, dự án xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn đến đường vành đai 3 theo hợp đồng BT do Liên danh Công ty CP Phát triển nhân lực LOD và Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt đầu tư, với kinh phí là 1.404 tỷ đồng.
Theo giới thiệu trên website, Công ty Cổ phần phát triển nguồn nhân lực LOD, trước đây chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu lao động. Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng có tham gia vào một vài dự án bất động sản. Còn Công ty TNHH Phát triển Bắc Việt ngành nghề chính được giới thiệu là kinh doanh bất động sản. Ngoài ra bán buôn máy móc, thiết bị y tế…
Đổi đất làm hạ tầng, Hà Nội kỳ vọng gì?
Liên quan đến các dự án theo hình thức hợp đồng BT trên địa bàn Hà Nội thời gian qua, hiện các cơ quan chức năng đang được yêu cầu thanh tra, kiểm tra và đưa ra phương án xử lý nhiều dự án sai phạm; nhiều dự án lấy đất “vàng” gây xôn xao dư luận.
Thậm chí, mới đây Hà Nội đã thành lập Tổ công tác đôn đốc thực hiện rà soát và lên phương án xử lý sai phạm một số dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT, BOT trong lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn Hà Nội theo kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Điều đáng nói, cuối tuần qua, ngoài dự án BT đường Lê Trọng Tấn, Hà Nội cũng đã trao quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư và giấy chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án về hạ tầng giao thông để triển khai trong thời gian tới.
Đơn cử, Dự án xây dựng các tuyến đường giao thông đấu nối hạ tầng các khu đô thị, dân cư quận Hà Đông do liên danh Công ty CP đầu tư Văn Phú Invest và Công ty CP đầu tư Hải Phát đầu tư, với kinh phí là 1.961 tỷ đồng.
Dự án Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên đoạn nối từ đường Minh Khai đến đường vành đai 2,5 do Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng và đô thị Vĩnh Hưng đầu tư, với kinh phí là 1.373 tỷ đồng; Dự án Tuyến đường từ đê sông Hồng đến khu đô thị mới C2, Gamuda quận Hoàng Mai do Công ty TNHH TM và DV KS Tân Hoàng Minh đầu tư, với kinh phí là 989 tỷ đồng; Dự án Vành đai 2: Đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở (ghép với đoạn dưới thấp Vĩnh Tuy - Chợ Mơ - Ngã Tư Vọng) do Công ty CP đầu tư, với kinh phí 9.559 tỷ đồng.
Trước đấy, Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ cho đầu tư thêm 16 dự án BT với tổng mức đầu tư trên 130.000 tỷ đồng. Trong số này có 12 dự án BT giao thông và 4 dự án BT môi trường. Với các dự án về giao thông, có một số dự án với mức đầu tư lớn như đường vành đai 2,5 (đoạn Trần Duy Hưng - Dịch Vọng): trên 5.000 tỷ đồng; Vành đai 3,5: 25.000 tỷ đồng; Vành đai 4: 35.900 tỷ đồng; Cầu Trần Hưng Đạo qua sông Hồng: 7.000 tỷ đồng; Cầu Mễ Sở và đường dẫn 2 đầu cầu; đường trên cao Vành đai 2 đoạn cầu Vĩnh Tuy - Ngã Tư Vọng… Các dự án môi trường, gồm: Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (Bắc Từ Liêm): 4.200 tỷ đồng; Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở: 3.000 tỷ đồng; Trạm bơm Đông Mỹ: 1.200 tỷ đồng; Trạm chuyển nước sông Tích sang sông Đáy: 800 tỷ đồng.
Quá trình triển khai dự án, thành phố còn đề xuất được hưởng cơ chế đặc thù (miễn nhiều thủ tục theo quy định). Cụ thể, thành phố kiến nghị: Đối với một số dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, có tác động lớn đến phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết ách tắc giao thông cần triển khai sớm, nếu thực hiện lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của Luật Đấu thầu, Nghị định của Chính phủ sẽ mất nhiều thời gian, không đáp ứng được mục tiêu, tiến độ. “Dự án càng chậm triển khai thực hiện sẽ càng lãng phí và giảm hiệu quả khai thác. Vì vậy cần có cơ chế đặc thù trong việc lựa chọn nhà đầu tư đối với một số dự án bức xúc dân sinh”, văn bản kiến nghị nêu rõ.
“Các dự án xin chủ trương đặc thù đều được Hà Nội đưa ra lý do tính cấp bách, cấp thiết… Tuy nhiên, nhiều dự án đã không thực hiện đúng quy trình, không chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư”, một vị cán bộ chỉ rõ. |