Đìu hiu khu tái định cư Thủ Thiêm: Vì đâu nên nỗi?

Khu tái định cư được cho là “sang chảnh” bậc nhất TP.HCM mang dáng dấp kiểu mẫu cho cuộc sống văn minh hiện đại. Tuy nhiên, điều lạ lùng, khu vực này lại đang bị người dân chê.

Người dân không mặn mà

Đìu hiu khu tái định cư Thủ Thiêm: Vì đâu nên nỗi? - 1

Bảng tên khu tái định cư nằm lẩn khuất trong cây um tùm.

Theo ghi nhận của PV báo Người Đưa Tin, hiện nay khu vực Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM) đang mọc lên hàng loạt dự án nhà cao tầng. Một khu đô thị mới với các công trình hiện đại đang dần lộ diện. Một cuộc sống mới đang bắt đầu với nhiều gia đình. Tuy nhiên, điều trớ trêu và lạ lùng là nhiều người lại chê cuộc sống văn minh, hiện đại này với những lý do tưởng như rất “bình dân” nhưng lại phù hợp với tình trạng thực tế tại đây.

Theo tìm hiểu của PV, trên các trang môi giới BĐS đều nhan nhản rao tin với cụm tiêu đề quen thuộc: “Nhượng gấp căn chung cư Bình Khánh”, “Bán lại suất chung cư tái định cư Bình Khánh”, “Suất tái định cư chung cư Bình Khánh chỉ 460 triệu đồng”...

Trong vai người mua nhà ở khu đô thị Thủ Thiêm, PV tiếp cận người tên Thắng đang rao bán căn hộ 66m², 2 phòng ngủ ở lầu 6 (lô C) của chủ đầu tư Cosaco với giá 1,7 tỷ đồng. “Anh có thể trả trước khoảng 600 triệu đồng là nhận nhà, số còn lại ngân hàng cho vay tới 15 năm”, Thắng tư vấn.

Tuy nhiên, tìm hiểu của PV cho thấy, Thắng không phải chủ căn hộ mà là người môi giới bán lại các căn hộ dạng này cho một công ty môi giới BĐS. Hiện Thắng đang rao bán rất nhiều căn hộ tại khu tái định cư Bình Khánh. Số căn hộ được rao bán của nhiều chủ đầu tư như: Thuần Việt, Đức Khải... Bên cạnh đó cũng có hàng loạt căn hộ được rao cho thuê với giá từ 6 - 12 triệu đồng/tháng, tùy diện tích, tầng lầu và hướng nhìn.

Điều này hoàn toàn trái ngược với những gì đang diễn ra trên thực tế, khi có rất ít người dân được bố trí tái định cư ở trong các căn hộ này. Từ đây có thể thấy, rất nhiều căn hộ đã bị bán lại hoặc cho thuê mà chủ sở hữu đa phần là nhà đầu tư, chứ không phải người dân được bố trí suất tái định cư.

Theo tìm hiểu của PV, ông Mỹ, một nhà đầu tư nhỏ tại TP.HCM đã gom 7 căn tại chung cư tái định cư Bình Khánh để đầu tư, bán kiếm lời. Hiện nay, ông đã bán được 4 căn, số còn lại chắc sẽ bán hết trong năm nay.

Sở dĩ, người dân không mặn mà với cuộc sống “sang chảnh” trên các tầng cao, hiện đại, có người bảo vệ là bởi họ ngại chi phí, không có việc làm và không quen với lối sinh hoạt chung cư.

“Chúng tôi đã sinh sống bao nhiêu đời giờ bắt leo lên đó thì không quen. Điều quan trọng là giờ ở đây thì làm cái gì mà ăn. Trước còn có đất nuôi mấy con heo, con gà, bán rau ở chợ Bình Khánh cũng đủ ăn qua ngày”, bà Tình, một người dân từng sống ở đường Lương Định Của, phường An Phú, quận 2 cho biết.

Đìu hiu khu tái định cư Thủ Thiêm: Vì đâu nên nỗi? - 2

Khu tái định cư “sang chảnh” nhưng vắng người ở.

Theo thông tin PV có được, dự án tái định cư Bình Khánh đã hoàn thành từ năm 2014 và giao nhà lần lượt theo tiến độ. Tuy nhiên đến nay, rất ít người dân đến ở với hàng ngàn lý do khác nhau. Mấu chốt vẫn là công việc, con cái học hành, ngại cuộc sống trên cao và quan trọng là không đủ tiền để mua nhà tại khu vực này...

“Tiền đền bù ít ỏi, phải lo cuộc sống hàng ngày, trong khi gia đình có tới 6 người, được mua một căn hộ hơn 60m² nhưng lại không đủ tiền, do vậy phải đi thuê nhà ở, kiếm kế mưu sinh. Giờ ở đó, người ta toàn cho thuê văn phòng, ki- ốt, cửa hàng... tiền đâu mà thuê, nên ở lại cũng không biết làm gì”, ông Vĩnh, một người dân ở khu vực Thủ Thiêm đang thuê nhà ở quận 9 nói.

Trước thực trạng này, một số chủ đầu tư đã chỉnh sửa lại các dự án và bán căn hộ tái định cư thành căn hộ thương mại. Giá bán căn hộ khu vực này đang ở mức 34 – 40 triệu đồng/m² và rao bán tràn lan trên thị trường. Với mức giá này, người nghèo, người thu nhập thấp rất khó có thể tiếp cận được nhà ở trong khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Nút thắt khó… gỡ

Đìu hiu khu tái định cư Thủ Thiêm: Vì đâu nên nỗi? - 3

Chỉ lác đác một vài hộ dân dọn đến ở.

Chương trình xây dựng 12.500 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm nhằm tái định cư tại chỗ cho các hộ dân thuộc 5 phường trung tâm của khu đô thị này. Dự án gồm 3 khu: Khu 30,2ha Bình Khánh (4.216 căn); khu 38,4ha Bình Khánh (6.220 căn); khu 17,3ha An Phú- Bình Khánh (1.844 căn).

Đây là dự án được lãnh đạo TP.HCM yêu cầu phải xây dựng để trở thành kiểu mẫu, đáp ứng các tiêu chuẩn về nơi ở khang trang, hiện đại và văn minh cho người dân. Đây cũng sẽ là mô hình để TP nhân rộng, đồng thời tạo sự yên tâm cho người dân khi đến với ngôi nhà mới.

Tuy nhiên, tình trạng thưa vắng, chỉ số ít người dân tái định cư đến ở đã phản ánh nhiều bất cập trong công tác tái định cư. Nhìn nhận về điều này, TS. Nguyễn Anh Tuấn, chuyên gia về đô thị học tại TP.HCM cho rằng:

“Đã đến lúc cơ quan chức năng cần tính đến nhiều giải pháp đồng bộ hơn trong việc tái định cư. Điều đầu tiên là phải tổ chức các khóa học cơ bản về “cuộc sống mới” ở trên cao. Nói tưởng chừng như đơn giản nhưng thực tế người dân rất ngại khi bước vào cuộc sống mới ở chung cư. Càng mới, càng hiện đại lại càng sợ. Chính tâm lý này sẽ khiến họ nghĩ tới các dịch vụ, phí, gửi xe... vốn rất xa lạ khi trở về ngôi nhà của mình”.

“Bên cạnh đó, nhất quyết phải đào tạo và giải quyết việc làm cho số dân này. Điều này cần phải làm trước khi có quyết định thực hiện dự án. Nếu không như hiện nay, chính quyền lại chạy theo giải quyết các vấn đề dân sinh, phúc lợi xã hội cho các đối tượng này là rất khó khăn, phức tạp.

Đồng thời, ảnh hưởng tới chất lượng cuộc sống, đô thị của TP. Một vấn đề quan trọng khác, khi tính toán chỗ tái định cư đương nhiên, người dân khu vực đó phải được ưu tiên. Có thể không tái định cư trực tiếp ở vị trí cũ nhưng không thể bố trí cho họ quá xa. Ví như từ quận 2, 9, Thủ Đức... đưa về huyện Bình Chánh thì chẳng ai ở là đương nhiên”, TS. Tuấn cho biết thêm.

Đồng quan điểm, TS. Nguyễn Văn Hồng, trường đại học Tôn Đức Thắng, phân tích: “Đã làm là phải quy hoạch, tính toán kỹ lưỡng và phát triển bền vững, tránh gây ra những xáo trộn quá lớn cho cuộc sống của người dân. Số lượng dân trong một dự án như ở Thủ Thiêm cần giải tỏa là rất lớn, vì vậy phải có phương án để họ tiếp cận nhà ở.

Rõ ràng, ngoài có đủ tiền để sở hữu nhà, người dân cần phải thích nghi với cuộc sống mới, bao gồm cả văn hóa, sinh kế, tiếp cận các dịch vụ. Trong khi đó, chúng ta cứ làm nhưng lại quên mất những yếu tố này, mặc dù nó cực kỳ quan trọng”.

Lý giải về sự thưa vắng này, ông Võ Văn Hoan, Chánh văn phòng UBND TP.HCM cho biết: “Người dân tái định cư chỉ muốn nhận đất nền hoặc tiền để tự lo nơi ở mới. Trong khi đó, nhiều khu vực gần trung tâm, giá nhà tái định cư thường cao hơn so với người dân nhận được khi đền bù giải tỏa. Bên cạnh đó, nhiều người cũng chưa quen cuộc sống, sinh hoạt của nhà chung cư. Do đó, một số khu vực tái định cư, người dân không vào ở”.

Tập trung giải quyết trong năm 2018

Liên quan đến việc khiếu nại của người dân trong việc thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư... tại dự án khu đô thị Thủ Thiêm, mới đây, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo các cơ quan chức năng, đặc biệt là đề nghị HĐND tập trung giám sát việc giải quyết khiếu nại liên quan. Đồng thời, ông cũng yêu cầu ngành chức năng thành phố phải công khai các kết luận thanh tra để người dân được biết.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Thanh Tùng (Người đưa tin)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN