Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân: Lợi cho số đông

Sự kiện: Kinh Doanh

Theo Bộ Tài chính, việc đề xuất thay đổi thang tính thuế thu nhập cá nhân (TNCN) chủ yếu hướng tới đa số người Việt đang phải nộp thuế TNCN. Qua đó giảm số lượng người bị nhảy bậc thuế và phải quyết toán thuế hằng năm. Đề xuất này cũng nhằm tăng mức thuế suất với người có nguồn thu bất thường như thu nhập từ trúng thưởng xổ số...

Giảm bậc thuế

Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất sửa đổi biểu thuế TNCN từ tiền lương, tiền công từ 7 bậc xuống còn 5 bậc, theo hướng giãn các bậc thuế đầu tiên. Qua đó, người trước đây có thu nhập chịu thuế từ trên 5 đến 10 triệu đồng phải chịu mức thuế TNCN 10%, nay được đề xuất giảm còn 5%; mức từ 10 đến 18 triệu đồng đang chịu thuế 15%, đề xuất giảm còn 10%; mức từ 18 đến 30 triệu đồng đang chịu thuế 20%, đề xuất giảm còn 10%...

Ông Phạm Đình Thi, Vụ trưởng Chính sách Thuế (Bộ Tài chính) cho biết, quy định hiện hành về TNCN còn phức tạp, phát sinh thủ tục hành chính, chưa tạo thuận lợi cho người nộp thuế và khó khăn cho công tác quản lý thuế… nên phải sửa đổi. Cùng đó, điều chỉnh mức thuế để động viên, khuyến khích cá nhân làm giàu hợp pháp. Vì vậy, Bộ Tài chính đề xuất giảm số bậc thuế TNCN từ tiền công, tiền lương còn 5 bậc, và kéo giãn khoảng cách ở các bậc thấp theo số chẵn. 

Tổ soạn thảo cũng đề xuất bổ sung, sửa đổi các quy định liên quan tới quyết toán thuế, hoàn thuế TNCN, theo hướng đơn giản thủ tục hành chính. Theo đó, quy định hiện hành thuế TNCN với khoản thu vãng lai phải chịu thuế 10% cho khoản thu nhập từ 2 triệu đồng trở lên. Cuối năm cá nhân thực hiện quyết toán thuế để được hoàn thuế, hoặc nộp bổ sung thuế. Nhưng trong thực hiện đã phát sinh nhiều trường hợp khi cơ quan thuế phát hiện vừa bị truy thu thuế vừa bị phạt mặc dù với số tiền không lớn nhưng cũng gây bức xúc cho người nộp thuế. Vì vậy, cần sửa đổi để hạn chế tối đa các trường hợp phải quyết toán thuế.

Điều chỉnh thuế thu nhập cá nhân: Lợi cho số đông - 1

Thuế thu nhập cá nhân sẽ được điều chỉnh theo hướng giảm. Ảnh: Hồng Vĩnh.

Ngoài ra, trong lần sửa đổi các luật thuế lần này, Bộ Tài chính cũng đề xuất ưu đãi thuế TNCN với một số lĩnh vực đặc biệt, ưu tiên phát triển. Như giảm 50% thuế TNCN với người làm trong lĩnh vực công nghệ và các lĩnh vực ưu tiên, khuyến khích phát triển (như nông nghiệp, chế biến nông sản…). Đồng thời, miễn thuế TNCN với các khoản thu nhập từ lợi tức tham gia hợp tác xã nông nghiệp, nông dân ký hợp đồng với doanh nghiệp tham gia “cánh đồng lớn”. 

Theo lãnh đạo Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính), tổng số thuế TNCN năm 2016 khoảng 65 nghìn tỷ đồng. Trong đó, thuế TNCN từ tiền công, tiền lương khoảng 45,7 nghìn tỷ, chiếm hơn 70% tổng số thu thuế TNCN. Phần lớn số thu thuế TNCN là từ người nước ngoài. Do đó, định hướng sửa luật để giãn các bậc thuế TNCN đầu tiên (mức 5-10% thuế) . Điều này sẽ khiến đa số người Việt phải chịu thuế TNCN rơi vào nhóm tới đây sẽ hưởng lợi. Đồng thời, thang bậc được kéo giãn cũng giúp số người bị nhảy bậc từ 5% lên 10% thuế cũng giảm đi, qua đó giảm số người phải quyết toán thuế hàng năm.

Trúng thưởng Vietlott trên 10 tỷ phải nộp 30% thuế

Theo Tổng cục Thuế, năm 2015, cá nhân có thu nhập chịu thuế TNCN trên 17,7 triệu người. Trong đó có hơn 9,3 triệu người đã quyết toán thuế, gồm hơn 490 nghìn người phải nộp thêm thuế (chiếm 5,2%) với số tiền hơn 2.900 tỷ đồng; và hơn 1,2 triệu người được hoàn thuế (chiếm 13,7%) với số tiền hơn 2.800 tỷ đồng. 

Dù số người tự quyết toán thuế chỉ chiếm 1% số người nộp thuế TNCN, nhưng theo ông Thi, vẫn gây quá tải cho cơ quan thuế. Và chủ yếu người hoàn thuế liên quan tới hoàn khoản thuế vãng lai (10% của khoản vãng lai từ 2 triệu đồng). Có tới 1 nửa số quyết toán thuế có số thuế chênh lệch ít, nhưng vẫn phải làm thủ tục phức tạp.

Để khắc phục, Bộ Tài chính đề xuất 2 phương án. Thứ nhất, bỏ quyết toán thuế, hằng năm tổ chức chi trả cho cá nhân có trách nhiệm tính lại thu nhập theo bình quân 12 tháng để xác định thuế phải nộp thêm hoặc nộp thừa. Với cách này, hầu hết các cá nhân sẽ được giảm thuế, do thu nhập các tháng được chia sẻ cho nhau và thang thuế đã được nâng lên. Đồng thời, khoản thu nhập vãng lai vẫn giữ mức thuế suất 10%, nhưng nâng hạn mức chịu thuế từ 2 triệu đồng lên 5 triệu đồng. Tuy nhiên, cách này không phù hợp thông lệ quốc tế.

Với phương án còn lại, Bộ Tài chính đề xuất, vẫn giữ quyết toán thuế, nhưng nếu mức thuế dưới 300 nghìn đồng không hoàn thuế hoặc yêu cầu nộp thuế. Nhưng quy định này vẫn phát sinh hoàn thuế hoặc nộp thêm thuế, xử phạt nộp chậm, và gây quá tải ở thời điểm quyết toán thuế.

Đặc biệt, tại lần này, Bộ Tài chính đề xuất tăng mạnh thuế TNCN với người trúng thưởng như trúng xổ số, trúng số Vietlott; trúng chương trình khuyến mại của doanh nghiệp, ngân hàng. Theo quy định hiện hành, người trúng thưởng chỉ phải chịu thuế thu nhập cá nhân 1 mức là 10%. Nhưng từ khi Việt Nam xuất hiện xổ số điện toán do Cty Xổ số Điện toán Việt Nam (Vietlott) cung cấp, đã có nhiều người trúng thưởng lớn, với số tiền từ vài chục tỷ tới hơn 100 tỷ đồng. Với mức thuế nộp là 10%, đây là điểm khá bất hợp lý vì thu nhập đột xuất quá khủng. Nhiều ý kiến đề xuất tăng thuế TNCN cho phù hợp thực tế và theo thế giới. Cụ thể, cơ quan tài chính đề xuất giải thưởng từ 5 tỷ đồng trở xuống sẽ chịu thuế TNCN mức 10%; từ trên 5 tỷ đồng tới 10 tỷ đồng sẽ chịu thuế 20%; trên 10 tỷ đồng sẽ chịu thuế 30%.

Nếu quy định trên được Chính phủ trình Quốc hội và được thông qua, hầu hết người trúng giải đặc biệt (Jackpot) của sản phẩm xổ số Mega 6/45 và Power 6/55 của Vietlott sẽ phải chịu mức thuế cao nhất là 30%. Giải Jackpot của xổ số Mega 6/45 có mức tiền thưởng thấp nhất là 12 tỷ đồng, còn Jackpot của xổ số Power 6/55 thấp nhất là 30 tỷ đồng (trừ trường hợp 1 kỳ quay có nhiều người trúng giải đặc biệt và giải bị chia nhỏ).

Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung một số khoản thu nhập phải chịu thuế TNCN, như thu từ bản quyền (gồm cả thu nhập từ chuyển giao, chuyển quyền sử dụng tài nguyên internet)…

Theo quy định hiện hành, thuế TNCN với tiền công, tiền  lương chia thành 7 bậc: Thu nhập chịu thuế đến 5 triệu đồng sẽ chịu mức thuế 5%; từ 5-10 triệu đồng mức thuế 10%; từ 10-18 triệu đồng mức thuế 15%; từ 18-32 triệu đồng mức thuế 20%; từ 32-52 triệu đồng chịu thuế 25%; từ 52-80 triệu đồng chịu thuế 30%; trên 80 triệu đồng chịu thuế 35%.

Bộ Tài chính đề xuất giảm còn 5 bậc thuế TNCN với tiền công, tiền lương: Thu nhập chịu thuế đến 10 triệu đồng mức thuế là 5%; từ 10-30 triệu đồng mức thuế 10%; từ 30-50 triệu đồng chịu thuế 20%; từ 50-80 triệu đồng chịu thuế 28%; trên 80 triệu đồng chịu thuế 35%.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Lê Hữu Việt (Tiền phong)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN