Đất công thành đất 'ông'

Ban thường vụ Thành ủy TPHCM thống nhất đề xuất kỷ luật ông Tất Thành Cang và báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương xem xét xử lý theo quy định của Đảng là giọt nước tràn ly cho tình trạng buông lỏng quản lý và trục lợi đất công lâu nay.

Đất công thành đất 'ông' - 1

Khu nhà đất công vụ của Đài khí tượng thủy văn Nam Bộ ở quận 1 đã được bán cho doanh nghiệp xây khách sạn không đúng chỉ đạo.

Câu chuyện 33 ha đất công ở Phước Kiển, huyện Nhà Bè của Công ty Tân Thuận thuộc Văn phòng Thành ury TPHCM được đem bán rẻ cho Quốc Cường Gia Lai gây thất thoát ngân sách hơn 2.400 tỷ đồng diễn ra từ 19/5/2017. Tưởng chừng mọi việc mua bán thuận chèo mát mái, không ngờ những phản ánh của cử tri về khuất tất trong thương vụ này đã phơi trần sự thật.

Việc chuyển nhượng đất công cho Quốc Cường Gia Lai giá rẻ so với thị trường bắt đầu từ Tổng Giám đốc Công ty Tân Thuận Trần Công Thiện. Ông này có tờ trình lên Hội đồng thành viên công ty phương án chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại Dự án Khu dân cư Phước Kiển cho Quốc Cường Gia Lai. Sau đó, Công ty Tân Thuận có văn bản gửi Văn phòng Thành ủy xin chủ trương về phương án chuyển nhượng phần đất đã đền bù tại dự án này. Một tuần sau, Văn phòng Thành ủy có Thông báo truyền đạt ý kiến chỉ đạo của ông Tất Thành Cang- Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, chấp thuận chủ trương cho Công ty Tân Thuận được chuyển nhượng thay vì hợp tác kinh doanh như đề xuất khu đất trên.

Đất công thành đất 'ông' - 2

Không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất và tài sản trên đất, gần 5.000m2 đất “vàng” ở số 8-12 Lê Duẩn (quận 1, TPHCM) được chuyển nhượng cho doanh nghiệp gây thất thoát gần 2.000 tỷ đồng. Ảnh: Ngô Bình.

Từ chỉ đạo “chấp thuận” của ông Tất Thành Cang, Quốc Cường Gia Lai và Công ty Tân Thuận đã ký kết hợp đồng việc chuyển nhượng 33 ha đất này với giá chỉ 419 tỷ đồng.

Đây không phải là sự việc hi hữu. Giữa tháng 5/2018, Thanh tra Chính phủ cũng chỉ ra hàng loạt sai phạm liên quan đến việc “xâu xé” đất công tại khu đất “kim cương” gần 5.000m2 ở số 8-12 đường Lê Duẩn - Quận 1, TPHCM. Việc hà hơi tiếp sức để doanh nghiệp có được khu đất này có liên quan đến trách nhiệm của ông Nguyễn Thành Tài- nguyên Phó chủ tịch UBND TPHCM thời kỳ 2011-2015.

Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra, khi chuyển nhượng khu đất cho Công ty CP Đầu tư Lavenue, UBND TPHCM đã không tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản trên đất tại vị trí đắc địa này. Điều đáng nói, khu đất số 8-12 đường Lê Duẩn có lợi thế đặc biệt về thương mại do có 3 mặt tiền đường gồm đường Lê Duẩn, đường Hai Bà Trưng và đường Nguyễn Văn Chiêm, gần kề Dinh Độc Lập, Nhà thờ Đức Bà có giá thị trường hơn 400 triệu đồng/m2. Theo cơ quan chức năng nếu đấu giá khu đất này sẽ mang lại cho ngân sách trên 2.000 tỷ đồng. Thế nhưng, bằng các chiêu thức, đất “kim cương” trên chỉ được Công ty CP Đầu tư Lavenue nộp tiền sử dụng đất và các loại thuế phí chỉ 700 tỷ đồng.

Đất công đang được các cơ quan quản lý và doanh nghiệp xem là “miếng bánh béo bở” và mặc sức xâu xé. Mới đây, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hoà Bình đã công văn chỉ đạo Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra căn cứ pháp lý việc tách nhà đất số 8A từ khu đất 1.200m2 ở số 8 Mạc Đĩnh Chi, phường Bến Nghé, Quận 1.

Trước đó, tháng 7/2013, hơn 1.200m2 đất “vàng” trong tổng số 3.086m2 của Đài khí tượng thuỷ văn khu vực Nam bộ trên đường Mạc Đĩnh Chi  đã được đem bán cho doanh nghiệp bất động sản. Khu đất này là nhà công vụ là biểu tượng của ngành; nhân chứng lịch sử từ khi thành lập ngành và là nơi lưu giữ các di vật về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.

Thế nhưng, vì lợi ích trước mắt nó được cắt bán đấu giá với mức khởi điểm 145 tỷ đồng. Sau đó, một đơn vị bất động sản trúng với giá 238 tỷ đồng và nộp cho Bộ Tài nguyên - Môi trường. Hiện khu đất này là một khách sạn 4 sao. Theo kết luận của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thì “Nhà đất số 8 Mạc Đĩnh Chi trước đây là Chi cục Khí tượng Sài Gòn, thuộc Sở Khí tượng Đông Dương, công trình có ý nghĩa lịch sử và hiện đang là trụ sở của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ và Phân viện Khoa học KTTV, không phải cơ sở nhà đất dôi dư.Vì vậy, Bộ TN-MT không được bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất đối với cơ sở nhà đất nêu trên”. Thế nhưng, thực tế bây giờ khu đất này đã thành khách sạn 4 sao.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM cho biết từ năm 2011 đến tháng 3/2017, Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản TPHCM đã tổ chức đấu giá thành công 215 cuộc tài sản đất sở hữu nhà nước, với giá khởi điểm là 3.211,8 tỷ đồng, giá trúng đấu giá là 4.467,9 tỷ đồng, chênh lệch tăng thêm 1.256 tỷ đồng, tăng 1,39 lần so với giá khởi điểm. Vì vậy, theo ông Châu cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và cho thuê. Để đất công sử dụng đúng mục đích và khi chuyển nhượng, bán thì nên thực hiện đấu giá tài sản; trong đó có quyền sử dụng đất một cách rộng rãi, công khai, để lựa chọn nhà đầu tư có năng lực là phương thức đúng đắn và hiệu quả, tăng nguồn thu cho ngân sách.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Ngọc Lâm (Tiền phong)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN