Dân bị giải toả ở Thủ Thiêm: Ai đã nhìn thấy bản đồ 1/5.000?

Nhiều hộ dân bị giải toả nhà cửa trên bán đảo Thủ Thiêm cho hay, họ chưa từng nhìn thấy bản đồ quy hoạch dự án Khu đô thị mới (KĐTM) tỷ lệ 1/5.000 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 1996.

Sau nhiều năm ròng rã gửi đơn khiếu nại khắp nơi về việc giải toả đất đai để thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm, đến nay nhiều hộ dân có nhà đất trên bán đảo Thủ Thiêm vẫn cho rằng TP.HCM thu hồi đất của họ là không có cơ sở pháp lý.

Căn cứ để người dân dựa vào là đồ án quy hoạch tổng mặt bằng KĐTM Thủ Thiêm tỷ lệ 1/5.000 (bản đồ 1/5.000) được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt kèm theo Quyết định số 367/TTg ngày 4/6/1996.

Bản đồ 1/5.000 là căn cứ pháp lý không thể tách rời trong hồ sơ quyết định phê duyệt quy hoạch, thế nhưng bản đồ này đang bị thất lạc một cách khó hiểu. Trong khi những hộ dân bị giải toả trên bán đảo Thủ Thiêm là những người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi việc quy hoạch lại khẳng định rằng họ chưa từng nhìn thấy bản đồ.

Dân bị giải toả ở Thủ Thiêm: Ai đã nhìn thấy bản đồ 1/5.000? - 1

Nhiều hộ dân bị giải toả tại bán đảo Thủ Thiêm khẳng định chưa từng nhìn thấy bản đồ quy hoạch 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm. 

Trao đổi với PV Báo điện tử Infonet ngày 5/5, ông Đoàn Văn Phương, người đại diện cho hơn 60 hộ dân bị giải toả nhà cửa tại các phường An Khánh, Bình An và Bình Khánh, quận 2, cho biết: "Từ trước đến nay, người dân bị giải toả chưa hề nhìn thấy bản đồ 1/5.000 này. Tại buổi đối thoại giữa chính quyền Thành phố và người dân Thủ Thiêm vào ngày 10/6/2016, Phó Sở Quy hoạch kiến trúc TP.HCM khi ấy là ông Trương Trung Kiên cũng trả lời với bà con rằng “không tìm thấy bản đồ 1/5.000"".

Theo ông Phương, Quyết định số 322-BXD/ĐT quy định lập các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị do Bộ Xây dựng ban hành ngày 28/12/1993 lúc đó có nói “các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị được duyệt phải được phổ biến công khai để nhân dân biết và thực hiện”. Tuy nhiên, các hộ dân bị giải toả ở Thủ Thiêm vẫn không thấy bản đồ 1/5.000 này “tròn méo” ra sao.

“Căn cứ theo quyết định phê duyệt quy hoạch KĐTM Thủ Thiêm của Thủ tướng năm 1996 và phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2.000 của Kiến trúc sư trưởng Thành phố năm 1998 sau đó thì ranh quy hoạch dự án chỉ giáp phần còn lại của phường An Khánh. Tuy nhiên 5 khu phố thuộc các phường nằm ngoài ranh giới cũng bị giải toả”, ông Phương nói.

Dân bị giải toả ở Thủ Thiêm: Ai đã nhìn thấy bản đồ 1/5.000? - 2

Ông Lê Văn Lung, người cung cấp bản sao bản đồ quy hoạch 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm.

Tuy nhiên, một người dân khác là ông Lê Văn Lung, người đã bị giải toả căn nhà số 9 đường Trần Não, quận 2 khẳng định, ông đang lưu giữ bản sao tấm bản đồ được cho đã thất lạc này.

Là một trong số hộ dân bị giải toả để thực hiện dự án KĐTM Thủ Thiêm, ông Lung cho hay, ông và nhiều hộ dân khác khi biết đất đai của mình sẽ bị giải toả đã yêu cầu chính quyền quận 2 lẫn TP.HCM cho xem bản đồ 1/5.000 để xác định ranh quy hoạch.

“Nhiều lần chúng tôi chất vấn thì họ nói rằng bản đồ đã thất lạc. Như vậy thì họ căn cứ vào đâu để xác định ranh giới thu hồi đất của dân. Đây chính là lý do khiến nhiều gia đình khiếu nại, khiếu kiện hơn chục năm qua”, ông Lung nói.

Dân bị giải toả ở Thủ Thiêm: Ai đã nhìn thấy bản đồ 1/5.000? - 3

Bản sao tấm bản đồ quy hoạch 1/5.000 KĐTM Thủ Thiêm hiện ông Lung vẫn đang lưu giữ.

Theo nội dung trên tấm bản đồ tỷ lệ 1/5.000 do ông Lung cung cấp, PV Báo điện tử Infonet ghi nhận, tên bản đồ được ghi là “TP.HCM, Quy hoạch xây dựng Trung tâm thành phố mới Thủ Thiêm – Tổng mặt bằng”. Ký hiệu bản vẽ là KT-06, lập ngày 12/6/1995, tỷ lệ 1/5.000.

Trong đó thể hiện 6 khu vực được quy hoạch khá rõ ràng gồm: Khu Trung tâm hành chính; Khu Trung tâm dịch vụ, thương mại, văn phòng…; Khu Hội chợ quốc tế; Khu Dân cư phát triển; Khu Công viên cây xanh, văn hoá – Thể thao và Khu sông, rạch, ao hồ.

Góc dưới cùng bên phải bản đồ ghi rõ tên các cơ quan chức năng và đóng dấu xác nhận như Văn phòng kiến trúc sư trưởng, Sở Xây dựng và Công ty Dịch vụ phát triển đô thị.

Theo ông Lung, các cấp trả lời bản đồ quy hoạch 1/5.000 nói trên bị thất lạc là vô lý, bởi để quy hoạch khu đô thị rộng lớn hàng trăm héc ta như Thủ Thiêm thì các cấp chính quyền từ địa phương đến Trung ương chắc chắn sẽ lưu trữ hồ sơ đầy đủ.

Trước đó, tại buổi họp báo định kỳ tình hình kinh tế, xã hội – an ninh trật tự trên địa bàn TP.HCM 4 tháng đầu năm 2018, ông Nguyễn Thanh Nhã, Giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc Thành phố cho hay, bản đồ quy hoạch 1/5.000 của KĐTM Thủ Thiêm vẫn chưa tìm thấy.

Theo ông Nhã, UBND Thành phố đã chỉ đạo rà soát từ nhiều nguồn, tuy nhiên từ thời điểm quy hoạch năm 1995 đến nay đã hơn 20 năm, các cơ quan di chuyển trụ sở làm việc nên không lưu trữ bản đồ (!?).

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Phương Anh Linh (Infonet)
Thị trường bất động sản Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN