Cơn "địa chấn" chứng khoán TQ: VN chịu tác động gì?

Ngày 5/1, thị trường chứng khoán Việt Nam (TTCKVN) tiếp tục phiên giảm điểm trên cả hai sàn. Những dư chấn từ cơn bán tháo trên TTCK toàn cầu, đặc biệt là tại TTCK Trung Quốc trong phiên đầu năm mới vẫn có những ảnh hưởng tiêu cực nhất định tới tâm lý nhà đầu tư trong nước.

Giảm điểm nhưng không bán tháo

Không giống các thị trường khác, lệnh bán tháo không xuất hiện trên TTCKVN. Bước vào phiên giao dịch sáng 5/1, dù  hai thị trường  vẫn giao dịch trong sắc đỏ, nhưng áp lực bán giá thấp cũng không quá lớn. Sang phiên chiều, thị trường giảm điểm trên cả hai sàn. VN-Index giảm 4,47 điểm xuống còn 569,94 điểm, trong khi HNX-Index giảm 1,02 điểm xuống còn 78,4 điểm.

Thanh khoản tiếp tục giảm trên HOSE (HSX) và tăng trên HNX, giá trị giao dịch trên HOSE đạt 1.546 tỷ đồng, còn giá trị giao dịch trên HNX đạt 461,3 tỷ đồng. Đà giảm giá trên thị trường kéo dài, các yếu tố rủi ro như tỷ giá và biến động trên thị trường tài chính thế giới khiến áp lực bán ra tăng dần về cuối phiên.

chung khoan Trung Quoc moi nhat

Hai phiên đầu năm 2016, TTCK toàn cầu lao dốc theo chứng khoán Trung Quốc - Việt Nam cũng chịu tác động. Ảnh: Như Ý.

Tổng kết cuối ngày, chuyên viên phân tích Trần Hải Yến, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết:  Đa phần các cổ phiếu bluechips vốn hóa lớn đều mất điểm (như SSI, STB, PVD, PGS, VNM, VCB, BID, BVH, CTG, SHB…). Khối lượng giao dịch có chiều hướng giảm sút mạnh so với khi chỉ còn 150 triệu cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả hai sàn. Nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại trạng thái bán ròng giá trị lớn, đạt 100 tỷ đồng trên sàn HSX. “Những biến động trên TTCK thế giới sẽ tiếp tục ảnh hưởng tới TTCK Việt Nam trong một vài phiên tới cho dù mức độ sẽ giảm dần”, chuyên viên phân tích này nhấn mạnh.

Về câu chuyện chứng khoán Trung Quốc, và tác động đến TTCK Việt Nam, ngày 5/1, Chủ tịch Ủy ban chứng khoán Nhà nước Vũ Bằng nhìn nhận: chứng khoán Trung Quốc lao dốc sụt giảm mạnh đã khiến cùng thời điểm TTCK nhiều nước chịu ảnh hưởng. Việt Nam cũng là nước bị ảnh hưởng nhưng không lớn. “Điều này thể hiện  qua mức giảm nhưng  thanh khoản gia tăng chứng tỏ lòng tin của giới đầu tư trong và ngoài nước với TTCK Việt Nam lớn”, ông Bằng khẳng định.

Quan ngại Trung Quốc phá giá NDT 

PGS-TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, nền kinh tế Trung Quốc gặp khó khăn đã kéo dài từ lâu, sự kiện đóng cửa thị trường chứng khoán chiều 4/1 chỉ nằm trong chuỗi đó. Tuy nhiên, điều đó cho thấy khó khăn của kinh tế Trung Quốc đã không thể cứu chữa bằng những cách làm lâu nay, giờ phải đi vào thay đổi cơ cấu, điều chỉnh mô hình tăng trưởng, đây là vấn đề rất khó.

Theo TS Thiên, bình thường Việt Nam nhập khẩu rất lớn từ Trung Quốc, nên những khó khăn của kinh tế Trung Quốc sẽ tác động mạnh tới Việt Nam. Khi kinh tế khó khăn, giao thương nước này với các nước khác giảm đi, thị trường Việt Nam sẽ là 1 lựa chọn để Trung Quốc đẩy mạnh hơn và Việt Nam phải tính tới. Đặc biệt, khi Nhân dân tệ của Trung Quốc đã được đưa vào rổ tiền tệ mạnh của thế giới, tác động sẽ càng nhiều hơn, và đầu tư Trung Quốc ra nước ngoài cũng tăng.

Tuy vậy, ông Thiên cũng cho rằng, đây là cơ hội để Việt Nam điều chỉnh cơ cấu nhằm giảm lệ thuộc, giảm tác động tiêu cực từ Trung Quốc. Từ đó, tận dụng những tác động tích cực để vượt lên. Cụ thể hơn, Việt Nam cần thay đổi cấu trúc thị trường. Hiện cả công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam phụ thuộc rất nhiều nguồn đầu vào từ Trung Quốc, nên đây là cơ hội để điều chỉnh.

“Kinh tế Việt Nam ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào Trung Quốc, như thế, nước ta khó cất cánh lên được, vì đẳng cấp phát triển không vượt qua được giới hạn đặt ra. Đây là cơ hội để thay đổi”, ông Thiên nói.

Cùng ngày trao đổi với PV Tiền Phong, ông Trần Lê Minh, Phó Tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Việt Nam nhận định: “Ngoài một số thông tin tác động, về cơ bản việc TTCK Trung Quốc đi xuống chủ yếu do nền kinh tế nước này đang yếu”. Về tác động tới TTCK Việt Nam, ông Minh cho rằng, không có nhiều sự liên quan nhưng nếu nhìn liên thông sẽ thấy với tình hình sản xuất như thế này, nhiều khả năng Trung Quốc phải đứng trước tình thế phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ (NDT). “Nếu Trung Quốc phá giá NDT, thì chắc chắn sẽ tác động đến VND. Nhưng với cơ chế tỷ giá mới, hy vọng chúng ta sẽ tránh được cú sốc tỷ giá hơn”, ông Minh lưu ý.

Theo thống kê, 5 người giàu nhất thế giới đã mất tổng cộng 8.7 tỷ USD trong ngày thứ hai do làn sóng bán tháo cổ phiếu trên toàn cầu bắt nguồn từ số liệu nhà máy yếu kém của Trung Quốc cũng như căng thẳng leo thang giữa A-rập Xê-út và Iran. Đây cũng là khởi đầu năm tồi tệ nhất từ trước đến nay của thị trường chứng khoán Trung Quốc và đã thổi bay lượng vốn hóa lên đến 590 tỷ USD.

 TTCK tại các nước châu Á trong phiên 5/1 đã phần nào ổn định hơn với chỉ số Nikkei của Nhật chỉ giảm nhẹ 0,42% trong khi chỉ số CSI 300 của Trung Quốc tăng nhẹ 0,3%. Mặc dù vậy, biến động trong phiên của các chỉ số này vẫn rất lớn, cho thấy sự lo ngại của nhà đầu tư vẫn hiện hữu.

Số liệu từ Societe Generale cho thấy, tổng lượng vốn rút ròng khỏi Trung Quốc trong quý 3 vừa qua đã chạm kỷ lục 221 tỷ USD và đánh dấu quý thứ 6 liên tiếp dòng vốn rút khỏi nước này. Điều này một lần nữa cho thấy trạng thái mong manh, bất ổn của TTCK Trung Quốc vẫn đang hiện hữu và sẽ tiếp tục là một rủi ro lớn cho TTCK toàn cầu trong năm 2016.     

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Khánh Huyền - Hữu Việt (Tiền Phong)
Tin chứng khoán Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN