Chứng khoán VN mở ra cơ hội mua vào

Đó là đánh giá của ông Prasenjit Kumar Basu, Giám đốc Nghiên cứu toàn cầu của Tập đoàn Maybank Kim Eng.

Từ góc độ là một NĐT nước ngoài, ông đánh giá ra sao về mức độ hấp dẫn và rủi ro của TTCK Việt Nam hiện nay?

Xét về các nhân tố cơ bản, TTCK đang được định giá khá hấp dẫn với chỉ số P/E trung bình khoảng 8 lần.

Kinh tế Việt Nam đang có dấu hiệu hồi phục. Tôi đánh giá, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong quý IV năm nay có thể đạt 6%. Con số này cải thiện khá nhiều so với mức 4% trong quý I và 4,7% trong quý II. Cùng với việc kiểm soát được lạm phát và thâm hụt thương mại hiện không quá căng thẳng, VND mạnh hơn tương đối so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực ASEAN. Những yếu tố này khiến TTCK Việt Nam, trong mắt NĐT nước ngoài, đáng để quan tâm.

Tuy nhiên, trong ngắn hạn, rủi ro từ thị trường gia tăng từ việc bắt giữ lãnh đạo cao cấp của một ngân hàng thương mại. Sự kiện này rõ ràng tạo ra một gánh nặng tâm lý đối với TTCK.

Theo quan sát của ông, giới đầu tư quốc tế phản ứng với thông tin về việc khởi tố một số người nguyên là lãnh đạo NHTM như thế nào?

Khó có thể chối bỏ rằng sự kiện này đã phơi bày những rủi ro của hệ thống ngân hàng nội địa. TTCK đã phản ứng mạnh, giảm sâu với các tin tức vừa qua. Tuy nhiên, sự rớt giá này mới là vấn đề NĐT nước ngoài quan tâm nhiều nhất. Giới đầu tư quốc tế am hiểu thị trường vốn Việt Nam nhận thấy, cơ hội mua vào đã mở ra cho họ.

Ông đánh giá thế nào về tình trạng nợ xấu của hệ thống ngân hàng Việt Nam?

Theo nguyên tắc thị trường, thì khi các ngân hàng đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng trong một thời gian dài và đi kèm việc thị trường BĐS tăng trưởng nóng thì nợ xấu theo đó cũng sẽ phát sinh và tăng theo. Theo số liệu quá khứ, tăng trưởng tín dụng tại Việt Nam rất cao. Một số tổ chức ước tính tỷ lệ nợ xấu của Việt Nam hiện nay là khoảng 10%. Tỷ lệ này khá cao nhưng nếu con số dừng lại ở mức 8,6% như thông tin NHNN công bố chính thức thì có thể chấp nhận được.

Thông thường, các chính phủ mất khoảng thời gian bao lâu để giải quyết nợ xấu?

Trong quá khứ, nhiều quốc gia có tình trạng nợ xấu nghiêm trọng hơn Việt Nam rất nhiều. Tùy vào phương pháp và quyết tâm thực hiện mà thời gian giải quyết vấn đề này nhanh hay chậm. Chẳng hạn, Malaysia và Hàn Quốc chỉ từ giữa năm 1998 đến cuối năm 1999 đã giải quyết xong. Còn Thái Lan và Indonesia thì do thời gian các Chính phủ giải quyết quá lâu dẫn đến việc các ngân hàng phải bán cổ phần cho NĐT nước ngoài để củng cố sức mạnh tài chính và giải quyết nợ xấu.

Bình luận của ông về quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam đang thực hiện?

Tái cấu trúc ngân hàng được xem là thành công nếu nó loại bỏ được các mầm mống của sự bất ổn và cho phép nền kinh tế cũng như thị trường vốn quay lại quỹ đạo tăng trưởng. Việc tái cấu trúc hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay là cần thiết và rất quan trọng sau khoảng 5 năm tăng trưởng tín dụng tại các ngân hàng diễn ra quá nhanh, quá nóng. Sự tăng trưởng này tạo ra hệ lụy với một phần vốn ngân hàng đã thổi phồng bong bóng BĐS.

Nhằm giải quyết bài toán nan giải này, Chính phủ Việt Nam dự định thành lập công ty quản lý tài sản, mua lại tài sản xấu. Con đường Việt Nam định đi giống cách làm của Malaysia và Hàn Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Cả hai quốc gia đều đã phải đối mặt với các vấn đề tương tự và họ đã giải quyết ổn thoả. Sự thành công của Việt Nam phụ thuộc vào quyết tâm thực hiện. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Giang Thanh (Đầu tư chứng khoán)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN