Chưa thoái được vốn, Bộ Công thương thay người đại diện vốn Nhà nước tại Habeco

Sự kiện: Kinh Doanh

Từ ngày 12/6, ông Trần Đình Thanh và Ngô Quế Lâm bắt đầu đảm nhiệm vai trò đại diện vốn Nhà nước tại Habeco trong khi bộ chủ quản vẫn chưa đưa ra được cách tháo nút thắt để thoái vốn Nhà nước tại đây.

Bộ Công thương vừa có quyết định về việc cử đại diện vốn Nhà nước tại tổng công ty cổ phần Bia, rượu, nước giải khát Hà Nội (Habeco) bắt đầu từ ngày 12/6.

Theo đó, ông Trần Đình Thanh sẽ thay Chủ tịch HĐQT Đỗ Xuân Hạ làm người đại diện vốn Nhà nước và phụ trách Bộ phận đại diện vốn Nhà nước tại Habeco. Ông Thanh nắm giữ 96.869.220 cổ phần, tương đương 41,79% vốn điều lệ.

Một cá nhân khác là ông Ngô Quế Lâm được bộ Công Thương giao nắm giữ 92.720.000 cổ phần, tương đương 40% vốn điều lệ.

Chưa thoái được vốn, Bộ Công thương thay người đại diện vốn Nhà nước tại Habeco - 1

Bộ Công Thương công bố thay người đại diện vốn Nhà nước tại Habeco trước thềm cuộc họp đại hội cổ đông doanh nghiệp này. 

Ông Trần Đình Thanh sinh năm 1969, có bằng tiến sĩ hóa học và thạc sĩ quản trị kinh doanh. Ông Thanh đã từng nắm giữ các chức vụ quan trọng tại các công ty con của Habeco. Ông từng là Chủ tịch HĐQT công ty Đầu tư phát triển công nghệ bia - rượu - nước giải khát Hà Nội, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần Bia - rượu - nước giải khát Hà Nội - Quảng Ninh. Ông Thanh là Ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc Habeco.

Ông Ngô Quế Lâm sinh năm 1972, có bằng thạc sĩ Quản trị kinh doanh, kỹ sư chế tạo máy và cử nhân luật. Ông Lâm có gần 20 năm gắn bó với các đơn vị trực thuộc Habeco và giữ chức Phó Tổng giám đốc doanh nghiệp này từ 2016. Ông Lâm là người được giao thực hiện nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng giám đốc Habeco sau khi bộ Công Thương bất ngờ dừng quyền điều hành của ông Nguyễn Hồng Linh hồi tháng 8/2017.

Được biết, quyết định "truất quyền" của ông Linh là nhằm mục địch để ông này tập trung thực hiện nhiệm vụ thoái vốn Nhà nước tại Habeco và thu hồi công nợ, xử lý các vấn đề liên quan giữa công ty cổ phần Bia Hà Nội - Nghệ An và tổng công ty Hợp tác kinh tế Việt Lào.

Về vấn đề được nhiều người quan tâm nhất hiện nay tại Habeco là công tác thoái vốn Nhà nước - khi "người anh em" Sabeco đã tiến hành được một thương vụ thoái vốn lịch sử hồi cuối năm 2017, đem về cho ngân sách gần 5 tỷ USD.

Trả lời tại họp báo thường kỳ Chính phủ hôm 2/6 vừa qua, Thứ trưởng bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, vướng mắc lớn nhất hiện nay trong vụ việc thoái vốn Nhà nước tại Habeco là cam kết trong hợp đồng đã ký với Carlsberg. Việc đầu tiên khi thoái vốn là phải thực hiện cam kết giữa 2 doanh nghiệp này, tức ưu tiên Carlsberg mua cổ phần Nhà nước.

"Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thoái vốn không đạt kỳ vọng: Một là, Chính sách chưa đồng bộ nên còn vướng mắc; Hai là, quan điểm của các cơ quan về một vấn đề nhiều khi còn khác nhau dẫn đến cổ phần hóa chậm; Ba là, một số cơ quan bộ ngành, địa phương chưa quyết liệt cổ phần hóa, thoái vốn theo chỉ đạo của các cấp và Thủ tướng" – Thứ trưởng Bộ Công thương nói.

Ngày 28/6 tới đây, Habeco sẽ tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018 với nhiều tờ trình quan trọng, trong đó có công tác bổ nhiệm nhân sự mới. Tuy vậy, doanh nghiệp ngành bia này vẫn chưa đưa ra được phương án thoái vốn Nhà nước tại đây. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quỳnh Nga (Dân Việt)
Kinh Doanh Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN