Căn hộ 200 triệu: Trong tầm tay!

Nếu Nhà nước hỗ trợ tốt, doanh nghiệp hoàn toàn có thể xây và bán các dự án nhà giá thấp với mức 2-4 triệu đồng/m2.

“Chỉ đạo của Thủ tướng rất đáng chú ý, chúng tôi phải cố gắng thực hiện ngay”. Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, cho biết sau khi Thủ tướng có chỉ đạo về việc cần hạ giá nhà cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị. Theo người đứng đầu Chính phủ, nhà ở đô thị chỉ nên có giá 2-4 triệu đồng/m2, như vậy mỗi căn hộ chỉ khoảng 150-200 triệu đồng.

Đấu giá tầng trệt

Giá nhà cho người thu nhập thấp ở Hà Nội hiện ở mức 11-13 triệu đồng/m2. Theo ông Phạm Sĩ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, giá này thường bao gồm cả giá đất, tiền đầu tư hạ tầng ở bên ngoài và phần lãi của doanh nghiệp. Đặc biệt, số tiền mà doanh nghiệp phải bỏ ra để “bôi trơn” ở nhiều cửa cũng được tính vào đấy.

“Muốn hạ giá nhà cho người thu nhập thấp, nên quy hoạch loại nhà này thành từng khu, có đường sá và hạ tầng tốt. Toàn bộ tầng trệt sẽ dùng để kinh doanh và phải được đem ra đấu giá. Tiền thu về từ việc đấu giá sẽ rất lớn và được dùng để bù đắp chi phí đầu tư xây dựng cho tòa nhà, trong đó có các tầng ở phía trên” - ông Liêm nêu giải pháp.

Theo ông Liêm, nếu làm theo cách này cộng với việc doanh nghiệp được miễn tiền sử dụng đất, miễn hoặc giảm thuế và được vay vốn với lãi suất ưu đãi thì giá nhà ở sẽ rất hạ. “Khi đó, giá nhà cho người thu nhập thấp chỉ ở mức 4 triệu đồng/m2, một căn hộ 40-50 m2 giá khoảng 160-200 triệu đồng. Đây là điều hoàn toàn có thể làm được ở các đô thị, ngay cả với những đô thị lớn. Chỉ đạo của Thủ tướng là có tính khả thi nếu Nhà nước và doanh nghiệp quyết tâm làm” - ông Liêm nhấn mạnh.

Cùng cách nhìn trên, một cán bộ Cục Quản lý Nhà và Thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho rằng hoàn toàn có thể kéo giảm được giá nhà ở so với hiện nay. “Cần tính toán cụ thể để xem cấu thành 1 m2 nhà giá thấp bao gồm những chi phí gì? Chi phí nào nhà đầu tư có thể tự cắt giảm? Cái nào Nhà nước có thể hỗ trợ để cắt giảm? Giảm được bao nhiêu? Nếu có sự kiểm soát chặt chẽ thì có thể giảm được nhiều chi phí, giá thành căn hộ vì vậy cũng giảm theo” - cán bộ này phân tích.

Căn hộ 200 triệu: Trong tầm tay! - 1

Nếu thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, doanh nghiệp có thể xây nhà giá thấp ở khu vực đô thị

Nhà nước làm hạ tầng

Nhiều doanh nghiệp bất động sản tại TP.HCM cũng khẳng định hoàn toàn xây được nhà ở cho người thu nhập thấp với mức giá 2-4 triệu đồng/m2. Điều kiện tiên quyết là doanh nghiệp phải hết sức tiết kiệm chi phí, cùng đó Nhà nước hỗ trợ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và xã hội cho dự án.

Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Địa ốc Đất Lành, hiện dự án nhà ở xã hội năm tầng của Công ty Becamex (Bình Dương) đang có giá bán bình quân 4 triệu đồng/m2. “Có nhiều yếu tố giúp dự án này có giá tốt như vậy. Cụ thể, khu nhà này nằm tại vị trí khuất trong khu đô thị mới Bình Dương. Đường sá, điện nước, chợ, trường học đều được “ăn theo” các dự án lớn nên không phải mất tiền đầu tư. Nếu có những điều kiện về hạ tầng tương tự, chúng tôi hoàn toàn xây được nhà ở cho người thu nhập thấp như kiểu Becamex” - ông Đực phân tích.

Cũng theo ông Đực, nhà ở giá thấp chỉ có thể xây tối đa năm tầng, còn với nhà 15 tầng thì chi phí xây dựng mỗi mét vuông phải trên 5 triệu đồng. Lý do là nhà cao tầng phải có hai thang máy, hai thang bộ, kết cấu bê tông cốt thép cũng tốn kém hơn nhà năm tầng, trong khi tỉ lệ bán chỉ 75%.

“Khi Nhà nước đầu tư hạ tầng, kèm thêm các điều kiện là không có bãi xe ô tô, hệ thống PCCC thấp hơn nhà ở thương mại thì doanh nghiệp có thể bán 4 triệu đồng/m2 với nhà năm tầng và 9 triệu đồng/m2 với nhà 15 tầng. Nếu các thủ tục được thực hiện đúng quy định thì mất khoảng 3,5 năm doanh nghiệp sẽ hoàn thiện một dự án nhà ở cho người thu nhập thấp” - ông Đực khẳng định.

Còn ông Lê Hữu Nghĩa, Giám đốc Công ty Bất động sản Lê Thành, cho biết Quyết định 167/2008 của Chính phủ triển khai đã được bốn năm nhưng doanh nghiệp rất khó tiếp cận các chính sách ưu đãi (miễn thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn thuế GTGT, miễn tiền sử dụng đất… - PV). Đây là điều cần sớm được tháo gỡ. Sắp tới, để ban hành các quy định về việc xây dựng nhà ở thu nhập thấp, Nhà nước cần cho doanh nghiệp được tham gia bàn bạc và kiến nghị chứ không thể đưa ra các quy định thiếu thực tế rồi áp xuống.

“Chương trình này đáp ứng nguyện vọng của người dân và của Nhà nước nhưng cũng phải phù hợp với doanh nghiệp thì mới thu hút được các đơn vị tham gia. Để thực hiện tốt chương trình, Nhà nước cần có chiến lược rõ ràng, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp phải minh bạch, nhanh gọn” - ông Thành nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hoàng Vân - Việt Hoa (Pháp Luật TP.HCM)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN