Bóc gỡ sự thật về lãi vay!

Trái ngược với những ầm ỹ trên thị trường về các mức lãi suất ưu đãi và xu hướng lãi vay lao dốc, sự sụt giảm của tín dụng 6 tháng đầu năm, đang có những nút thắt khó tháo gỡ trong khả năng tiếp cận vốn vay của DN.

6 tháng, cho vay vẫn âm

Một phần của lớp băng chìm sự thật về xu hướng lãi vay giảm mạnh và khả năng tiếp cận vốn vay thực tế của các doanh nghiệp được làm tan chảy trong buổi làm việc của Thống đốc NHNN – ông Nguyễn Văn Bình với ngành ngân hàng Đà Nẵng vào cuối tuần qua. Có một sự thật lớn nhất là trái ngược với nguồn vốn huy động tăng trưởng mạnh và xu hướng giảm lãi suất cho vay đến chóng mặt, tăng trưởng tín dụng của các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng vẫn ở mức âm đáng báo động. Số liệu của NHNN Đà Nẵng cho thấy, đến cuối tháng 6.2012, tổng nguồn vốn huy động của các TCTD trên địa bàn ước đạt 42.000 tỉ đồng, tăng tới 7,94% so với cuối năm 2011. Song cũng tính đến thời điểm này, tổng dư nợ cho vay ước đạt 47.950 tỉ đồng, giảm 0,8% so với cuối năm 2011. Trong tổng dư nợ này, nợ xấu đến cuối tháng 5.2012 là hơn 1.660 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ 3,5% tổng dư nợ.

Phản ánh từ các TCTD tại Đà Nẵng cho thấy, sức khỏe yếu kém của các DN sản xuất bắt nguồn từ sức cầu yếu, sản phẩm không tiêu thụ được, tồn kho lớn khiến sản xuất bị đình trệ giải thích căn nguyên việc nhiều DN không dám vay vốn để phát triển sản xuất và thậm chí, nhiều DN phải chấp nhận thu hẹp sản xuất. Cổng thông tin NHNN ngày 2.7 dẫn ý kiến của đại diện một loạt NHTM trên địa bàn Đà Nẵng phản ánh tình trạng DN ngại vay ngân hàng và trái ngược với số ít vay vốn để sản xuất, số đông các DN chủ yếu xin đảo nợ. Thêm một sự thật khác là dù lãi suất huy động thời gian qua liên tục giảm và đến nay chỉ còn 9%/năm, lãi suất cho vay bình quân hiện nay bằng VND tại các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng đối với lĩnh vực sản xuất kinh doanh vẫn lên tới 18,14%/năm. Lãi suất cho vay bình quân bằng ngoại tệ cũng lên tới 6,62%/năm.

Mặt bằng lãi suất đến ngày 22.6.2012:

Bóc gỡ sự thật về lãi vay! - 1

Lãi vay quá cao

So với thống kê của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay bình quân của các TCTD trên địa bàn Đà Nẵng đang ở mức cao và đây có thể vẫn là nút thắt quan trọng nhất khiến tín dụng chưa lấy được mức cân bằng so với thời điểm cuối năm 2011. Đến cuối tháng 6.2012 theo cập nhật của NHNN, lãi suất cho vay sản xuất kinh doanh thông thường (không được ưu đãi) giảm xuống mức phổ biến 14-17,5% đối với cho vay ngắn hạn và 16-18,5% đối với cho vay trung dài hạn. Mức lãi suất bình quân 18,14%/năm trên đồng nghĩa với việc, lãi suất cho vay thực tế ở một số nhà băng trên địa bàn Đà Nẵng còn cao hơn mức này rất nhiều. Từ đây dễ dàng nhận thấy, xu hướng giảm lãi suất cho vay trên địa bàn Đà Nẵng dường như có một độ trễ đáng quan ngại. Bởi cần nhắc lại rằng, chủ trương đưa lãi suất cho vay về mức 17-19%/năm đã được NHNN đưa ra ngay từ tháng 9.2011.

Nhìn nhận khó khăn của DN cũng là khó khăn của NH, Thống đốc Nguyễn Văn Bình được dẫn ý kiến cho rằng, cùng với các chính sách tháo gỡ khó khăn cho DN của Chính phủ và NHNN, các NH nên cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay cũ đối với các DN. Ngân hàng giúp DN tháo gỡ khó khăn cũng chính là tháo gỡ khó khăn cho chính mình và cho cả nền kinh tế. Các NH theo đó phải thực hiện mức lãi suất huy động ngắn hạn 9%/năm, trung dài hạn không quá 12%/năm và giữ lãi suất cho vay ngắn hạn 12-13%/năm, trung dài hạn 14-15%/năm là hợp lý. Tuy nhiên không bao giờ được giảm chuẩn về tín dụng.

Giảm lãi suất cho vay tín dụng đầu tư còn 12%

Tin từ NHNN ngày 2.7 cho hay, lãi suất cho vay tín dụng đầu tư của Nhà nước bằng VND theo quy định mới đây của Bộ Tài chính giảm còn 12%/năm, giảm 2,4% so với mức lãi suất được áp dụng theo quy định từ năm 2011. Lãi suất cho vay tín dụng xuất khẩu của Nhà nước bằng VND cũng giảm từ 14,4% trước đây xuống còn 11,4%/năm. Mức chênh lệch lãi suất được tính hỗ trợ sau đầu tư đối với dự án vay vốn bằng VND là 2,4%/năm, giữ nguyên so với mức quy định trước đây.

C.Văn

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN